Dòng sự kiện:
Dỡ bỏ rào cản để Thanh Hóa trở thành nơi ‘đất lành’ thu hút đầu tư
11/03/2022 09:04:38
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu lãnh đạo các ngành phải quyết liệt thay đổi để Thanh Hóa trở thành “đất lành", "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, giai đoạn 2011 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 1.845 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 350.000 tỷ đồng (trong đó, có 109 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4.185 triệu USD). Lũy kế đến nay, tỉnh này có 138 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,475 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã thu hút được 103 dự án đầu tư trực tiếp, bằng 57,5% so với cùng kỳ (trong đó, có 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 24.701 tỷ đồng (tăng 17,2% so với cùng kỳ) và 155,25 triệu USD (bằng 61,5% so với cùng kỳ).


Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở ngành tập trung thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh

Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiếp đến là lĩnh vực văn hóa, xã hội và du lịch. Một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tạo động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh; đồng thời, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách Nhà nước (như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nhà máy xi măng Long Sơn (dây chuyền 1, 2); Nhà máy dầu ăn Nghi Sơn; Nhà máy điện năng lượng mặt trời Yên Định, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn (giai đoạn 1); Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy I, Xuân Minh, Trung Sơn; Khu đô thị mới trung tâm TP. Thanh Hóa (VinGroup); Khu đô thị Đông Hải, TP. Thanh Hóa; dự án FLC golf link và Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực....).

Các dự án trên đã góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những rào cản, hạn chế đối với công tác thu hút đầu tư của tỉnh.

Cụ thể như công tác nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng đầu tư còn bị động, chưa thực sự hiệu quả; thông tin và cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Công tác xây dựng danh mục dự án mới đáp ứng về số lượng, nhưng các thông tin cơ bản để kêu gọi đầu tư còn thiếu như: Các thông tin về vị trí, quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất, mặt bằng,...


Khu kinh tế Nghi Sơn có vai trò "đầu tàu" trong phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa

Hiện tại, Thanh Hóa đang thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đặc biệt là quỹ đất dành cho các dự án lớn. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại một số KCN, CCN còn thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện. Công tác vận động, xúc tiến đầu tư còn chưa thực sự hiệu quả, số lượng dự án quy mô lớn, công nghệ cao, dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa (như: Y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch...) thu hút vào địa bàn tỉnh còn ít; Việc triển khai thực hiện nội dung các thỏa thuận hợp tác đầu tư, các dự án được ký kết còn chậm; nhiều dự án triển khai chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng...

Để tháo gỡ những rào cản kể trên, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành phải nêu cao trách nhiệm, tập trung hơn, quyết liệt hơn, chủ động hơn để làm thay đổi, làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác xúc tiến đầu tư.

“Phải tập trung các điều kiện tốt để Thanh Hóa trở thành “đất lành”, “nam châm”, có sức hút đối với các nhà đầu tư; có sự quan tâm đặc biệt để Thanh Hóa có tính lợi thế, cạnh tranh hơn so với các địa phương khác”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông, công tác thu hút đầu tư cần chú trọng đối với một số ngành như sau lọc hóa dầu, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, …Bên cạnh đó, với một số ngành cần kích hoạt “bộ lọc”, chọn lựa nhà đầu tư hợp lý như lĩnh vực du lịch.

Chủ tịch tỉnh cũng chỉ đạo, thời gian tới cần đẩy nhanh hoàn thành quy hoạch của tỉnh, các quy hoạch phân khu đơn cử như phân khu trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu cơ chế chính sách đặc thù, rút ngắn thủ tục đầu tư đối với các dự án lớn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư; đặc biệt là các nhà đâu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào tỉnh.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến