Trao cơ hội việc làm cho phụ nữ
Xác định tạo việc làm, tăng thu nhập là chìa khóa để giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn, những năm qua, các cấp hội phụ nữ Thanh Hóa đã tích cực đẩy mạnh công tác dạy nghề, đưa những nghề phù hợp để đào tạo cho chị em phụ nữ ở các vùng quê, mang lại những hiệu quả rõ nét.
HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên tại xã Hoằng Trung (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) do chị Phạm Thị Ngân làm Chủ nhiệm HTX là nơi đang tạo công ăn việc làm cho hàng trăm phụ nữ địa phương.
Được tạo nghề giúp phụ nữ nông thôn làm chủ cuộc sống
Với mong muốn tạo ra nghề nghiêp do phụ nữ làm chủ, tận dụng thời gian nhàn rỗi của chị em ở vùng quê mà vẫn có thu nhập tốt, sau thời gian tìm tòi, năm 2014, chị Phạm Thị Ngân với sự hỗ trợ từ hội LHPN xã, đã phối hợp với Công ty Cổ phần Casablanca Việt Nam mở xưởng may túi dùng trong siêu thị. Trước hết, chị tổ chức đào tạo cho các chị em trong xã học nghề đan may thành thạo. Sản phẩm do phụ nữ làm ra được bao tiêu không lo đầu ra, tạo sự yên tâm cho các hội viên.Nhờ công việc này, nhiều chị em từ chỗ trước đây chỉ sống bằng nghề nông, năng suất lao động thấp, đến nay đã có cuộc sống ổn định, thu nhập tốt hơn.
“Công việc này tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều đối tượng phụ nữ, ngay cả những người lớn tuổi. Sau 8 năm phát triển, HTX đang tạo việc làm cho 150 hội viên, phụ nữ địa phương với mức thu nhập từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng. Từ thành công sẵn có, chúng tôi còn mở rộng thêm nghề đan cói, thu hút khoảng 50 chị em tham gia”, chị Ngân cho hay.
Trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, ngoài HTX của chị Ngân còn nhiều cơ sở sản xuất khác do phụ nữ làm chủ, đã và đang giải quyết việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ địa phương. Điển hình như HTX tiểu thủ công nghiệp Long Anh (xã Hoằng Trinh) hiện đang dạy nghề làm lông mi giả cho 150 lao động nữ hay nhà máy sản xuất mây tre đan Quốc Đại thuộc Công ty TNHH Quốc Đại (xã Hoằng Thịnh) đang tạo việc làm cho 61 lao động nữ...
Tại xã Tân Thọ, huyện Nông Cống (Thanh Hóa), đi vào hoạt động từ năm 2010, đến nay HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đang tạo việc làm cho hàng trăm chị em phụ nữ trong xã. Không chỉ sản xuất, kinh doanh hàng mỹ nghệ, đồ dùng, đồ trang trí từ mây, tre, cói, hiện HTX còn sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Thu nhập các lao động tạo ra ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Nhiều phụ nữ nông thôn được trao cơ hội việc làm
Chỉ từ một tổ học nghề, bằng sự nhanh nhạy, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đến nay đã quy tụ và tạo việc làm cho 400 hộ tại các xã Tân Thọ, Tân Khang, Công Bình (Nông Cống), Quảng Long, Quảng Yên (Quảng Xương) và Đông Anh (Đông Sơn). Đối tượng lao động chủ yếu là những phụ nữ ở nông thôn, người quá tuổi lao động, sức khỏe yếu, đặc biệt, có tới hơn 100 hội viên là người khuyết tật .
Là một hội viên của HTX, trước đây chị Nguyễn Thị Dung, thôn Mỹ Thanh, xã Tân Thọ, chủ yếu làm ruộng, công việc chỉ đủ ăn không có thu nhập dôi dư.
Từ khi gia sản xuất tại đây, chị cũng như hàng trăm phụ nữ khác được đào tạo nghề miễn phí và tạo việc làm với thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng.
“Công việc ở đây tuy tỉ mỉ và đòi hỏi sự khéo léo nhưng không quá áp lực, chúng tôi tranh thủ được nhiều thời gian lúc nông nhàn mà vẫn có điều kiện để chăm sóc con cái”, chị Dung nói.
Thúc đẩy đào tạo nghề cho phụ nữ
Để hỗ trợ nghề cho hội viên phụ nữ, giai đoạn 2016-2021 các cấp Hội LHPN trong tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho hơn 49 nghìn lao động nữ, trong đó Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa chủ động, phối hợp, liên kết đào tạo 161 lớp sơ cấp nghề cho gần 5000 phụ nữ, vượt hơn 2.000 chỉ tiêu so với kế hoạch. Những nghề được chú trọng đào tạo phù hợp với từng địa phương như: Trồng cây lương thực thực phẩm, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ… Theo khảo sát của các cấp hội, sau học nghề hơn 80% trở lên chị em được giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định.
Bà Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đánh giá: "Việc mở các lớp dạy nghề cho lao động nữ ở nông thôn đang là hướng đi đúng và trúng cho mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, là đòn bẩy tạo đà cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Theo bà Thúy, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn, hướng đến những ngành nghề chị em có thể làm tại nhà; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: Mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Bên cạnh đó, sẽ giao cho các huyện đấu mối với trung tâm dạy nghề tại địa phương, trung tâm học tập cộng đồng khuyến nông, khuyến lâm để dạy nghề cho chị em. Sau khi đào tạo sẽ thành lập các mô hình, tổ, sau đó lên hợp tác xã để duy trì bền vững đầu ra.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy