Yêu cầu về thông tin phải công bố khá nhiều
Không thể không thừa nhận rằng nhà đầu tư là người gánh chịu nhiều rủi ro hơn vì là bên trực tiếp “xuống tiền” để rót vốn vào doanh nghiệp phát hành. Để giúp cho nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro cũng như giúp doanh nghiệp nhanh chóng huy động vốn khi phát hành giấy tờ có giá, các doanh nghiệp dù không phải là công ty đại chúng cũng phải tuân thủ và thực hiện quy trình công bố thông tin và phát hành khá chặt chẽ gồm nhiều giai đoạn(1).
Nhìn chung, những thông tin mà doanh nghiệp phát hành được yêu cầu công bố thường hướng đến mục tiêu minh bạch và công khai hóa tình trạng doanh nghiệp khi phát hành, tránh tạo nên những chiếc “bánh vẽ” cho nhà đầu tư. Giữa một ma trận thông tin mà doanh nghiệp phát hành đưa ra nhằm thu hút nguồn vốn, các nhà làm luật cần hướng đến việc tránh cho nhà đầu tư phải loay hoay trong câu chuyện kiểm định thông tin hoặc “nhắm mắt đưa chân” theo sự tư vấn của những nhà môi giới, tổ chức phát hành.
Thứ nhất, một trong những thông tin mà các nhà đầu tư rất quan tâm, đó là về doanh nghiệp liên kết, đã được yêu cầu công bố khá cụ thể trước khi phát hành trái phiếu(2). Quy định này xuất phát từ thực trạng khá phổ biến hiện nay là các công ty mẹ thường đẩy việc phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các công ty con, công ty sân sau của mình. Điều này bắt nguồn từ thực tế các công ty mẹ là công ty đại chúng hoặc công ty niêm yết bị yêu cầu phải công bố thông tin rất chặt chẽ. Điển hình như việc các công ty bất động sản thường lập ra các công ty con (hay còn gọi là công ty dự án) để thực hiện các dự án và hiển nhiên, những công ty dự án này cũng được quyền phát hành trái phiếu để huy động vốn cho dự án tương ứng. Trong tình huống đó, nhà đầu tư dành nhiều sự quan tâm đến uy tín của công ty mẹ, vì bản thân một dự án bất động sản thành công có sự góp phần và tham gia của chủ đầu tư.
Trong mẫu công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu(3), tại phần 2 mục II có yêu cầu doanh nghiệp phát hành công bố danh sách công ty mẹ và công ty con khi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con hoặc những công ty mà doanh nghiệp phát hành đang nắm giữ quyền kiểm soát hoặc cổ phần chi phối, những công ty nắm quyền kiểm soát hoặc cổ phần chi phối đối với doanh nghiệp phát hành.
Thứ hai, đó là quy định về công bố nhóm thông tin liên quan tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành(4). Cụ thể là các chỉ tiêu cơ bản trong ba năm gần nhất như vốn chủ sở hữu, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) và tình hình các khoản nợ. Dễ dàng nhận thấy đây là những thông tin giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát hơn về tình trạng tài chính trước đợt phát hành, phản ánh tình hình tăng trưởng và khả năng điều hành doanh nghiệp, góp phần đánh giá được lợi nhuận kỳ vọng.
Thứ ba(5), đó là nhóm các thông tin về phương án phát hành trái phiếu, bao gồm thông tin về các loại trái phiếu dự kiến phát hành, phân bổ nguồn vốn thu được cũng như phương án thanh toán trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ gắn liền với các bên trong đợt phát hành. Hướng đến việc huy động vốn nên rất dễ hiểu tại sao doanh nghiệp phát hành cần công bố một cách chi tiết và rõ ràng những thông tin này, vì nó sẽ giúp nhà đầu tư lựa chọn loại trái phiếu, phương án phát hành, chiết khấu phù hợp với dòng tiền nhàn rỗi mà họ dự định đầu tư vào trái phiếu. Hơn thế nữa, việc quyền lợi của nhà đầu tư được thể hiện công khai cũng trở thành căn cứ quan trọng trong việc thực hiện phương án đăng ký mua trái phiếu.
Nhưng chưa đủ bảo đảm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư
Nghị định 163/2018/NĐ-CP đặt ra một quy trình rất chặt chẽ cũng như các chế tài mà cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu không tuân thủ. Tuy nhiên, trong trường hợp mọi yêu cầu, điều kiện về tuân thủ pháp luật đều được đáp ứng, trái phiếu mà nhà đầu tư sẽ và đang nắm giữ có còn tồn tại rủi ro nào hay không?
Thực tế, các mục tiêu mà tổ chức phát hành cùng với nhà đầu tư hướng đến sẽ rất khó thực hiện một cách toàn vẹn nếu duy trì phương án đơn thuần như hiện nay khi tiến hành công bố tại sở giao dịch chứng khoán, bao gồm công bố thông tin trước đợt phát hành, công bố thông tin về kết quả phát hành, công bố thông tin định kỳ, công bố thông tin bất thường và những thông tin khác. Theo đó, sở giao dịch chứng khoán chỉ là đơn vị tiếp nhận đơn thuần các thông tin cần công bố và đăng tải tại chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại sở giao dịch chứng khoán(6).
Hiện nay, nếu như các thông tin về tình hình tài chính có thể được kiểm tra, đối chiếu thông qua báo cáo tài chính nộp kèm (có kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập), còn những thông tin về phương án phát hành hầu như chỉ dựa trên cam kết của doanh nghiệp và bảo lãnh của tổ chức bảo lãnh phát hành (nếu có), thì thông tin về doanh nghiệp liên kết lại chưa bao giờ khiến nhà đầu tư yên tâm. Bởi lẽ, doanh nghiệp phát hành không cần phải cung cấp sổ đăng ký cổ đông đến thời điểm phát hành, mà có toàn quyền lựa chọn kê khai các thông tin về công ty mà doanh nghiệp phát hành đang nắm giữ quyền kiểm soát, hoặc cổ phần chi phối, hoặc những công ty nắm quyền kiểm soát hoặc cổ phần chi phối đối với doanh nghiệp phát hành.
Ngoài ra, hiện nay Nghị định 163 cũng chưa có định nghĩa cụ thể về sự kiểm soát/chi phối, vì vậy, doanh nghiệp phát hành vừa lúng túng nhưng cũng có thể “lờ đi” việc công bố một số thông tin bất lợi liên quan đến doanh nghiệp chi phối. Trong thời gian tới, khi ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 163, các nhà làm luật nên cân nhắc hướng dẫn đặc thù cho việc công bố này, qua đó giúp nhà đầu tư nắm rõ tình hình các doanh nghiệp liên kết của tổ chức phát hành trước khi quyết định rót vốn.
Ngoài ra, một phương án mà sở giao dịch chứng khoán có thể cân nhắc là liên kết với các tổ chức lưu ký chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành, tổ chức đấu thầu, đại lý, bảo lãnh phát hành để cùng nhau công bố các thông tin cho đợt phát hành, nhằm giúp nhà đầu tư có nhiều “kênh” để kiểm chứng các thông tin mà doanh nghiệp phát hành công bố. Thực tiễn trên thị trường hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn phương án mua trái phiếu theo sự tư vấn của các tổ chức tín dụng đơn thuần mà chưa có cái nhìn toàn vẹn, và cũng chưa đánh giá được mức độ quan trọng của các thông tin trái phiếu phát hành. Hơn nữa, việc liên kết thông tin giữa các tổ chức này cũng giúp cho nghĩa vụ báo cáo về tình hình trái phiếu doanh nghiệp(7) được thực hiện một cách đồng bộ và nhanh chóng hơn, góp phần thúc đẩy sự quản lý hiệu quả của cơ quan nhà nước.
Trong bối cảnh chưa có một cơ chế kiểm tra thông tin hoặc đánh giá tín nhiệm nào đối với việc công bố các thông tin theo yêu cầu, việc ban hành quy định pháp luật chặt chẽ cùng với phương thức thực hiện hiệu quả là hết sức cần thiết để bảo vệ cho tất cả các bên, hướng đến mục tiêu trước nhất là huy động thêm một nguồn lực đáng kể cho sự vận hành của nền kinh tế. Bất kỳ một thị trường vốn nào, khi muốn phát triển lâu bền để trở thành một kênh dẫn vốn hiệu quả, thì phải được tạo lập trên nền móng vững chắc nhất là dựa trên niềm tin, nơi những người tham gia thị trường.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy