Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp thép tại Đà Nẵng đồng loạt rời sàn chứng khoán
22/09/2021 14:40:03
Trong 3 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép tại Đà Nẵng, một doanh nghiệp đã đóng cửa (Thép Dana - Úc), 2 doanh nghiệp còn lại vừa rút lui khỏi sàn chứng khoán do liên tục thua lỗ.

Sản phẩm thép cuộn tại Thép Đà Nẵng.

Thép Dana - Ý: Âm vốn, nợ xấu trên 1.000 tỷ đồng

Công ty cổ phần Thép Dana - Ý (mã DNY) đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để hủy tư cách công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu DNY và hủy đăng ký chứng khoán. Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc chia sẻ thẳng thắn: “Không có doanh thu, nên niêm yết cũng đâu được gì. Hiện doanh nghiệp âm vốn và rơi vào nợ xấu trên 1.000 tỷ đồng, các ngân hàng không tài trợ vốn”.

Trước đó, Thép Dana - Ý nhiều lần bị chính quyền Đà Nẵng dừng hoạt động nhà máy. Số tiền nợ xấu tại ngân hàng của Công ty là hơn 600 tỷ đồng, thiệt hại khác trên 600 tỷ đồng. Cổ phiếu DNY bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào diện cảnh báo, không có giao dịch mua bán.

Theo báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông ngày 23/8/2021 của Thép Dana - Ý, Công ty có 386 cổ đông sở hữu toàn bộ gần 27 triệu cổ phần, trong đó 7 cổ đông lớn sở hữu hơn 24,73 triệu cổ phiếu, chiếm 91,61% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Toàn bộ 379 cổ đông còn lại chiếm 8,39% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, không đảm bảo điều kiện tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Như vậy, Thép Dana Ý không đủ tư cách là công ty đại chúng.

“Do vậy, HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc hủy tư cách công ty đại chúng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu DNY tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và hủy đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam”, ông Tân cho biết.

Thép Dana - Ý là doanh nghiệp sản xuất thép tái chế có bề dày kinh doanh tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm lại đây, nhà máy sản xuất của Dana - Ý tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) liên tục bị người dân phản đối do những vướng mắc liên quan đến vấn đề môi trường, phải tạm ngừng hoạt động. Các phát sinh doanh thu sau đó chủ yếu là bán hàng tồn. Bên cạnh đó, các đơn kiện liên quan vẫn chưa có hồi kết thúc.

Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của Thép Dana - Ý, doanh thu vẫn ghi nhận đạt hơn 1,45 tỷ đồng. Không sản xuất - kinh doanh, nhưng Công ty vẫn phải gánh khoản chi phí hoạt động, giá vốn hàng bán và cả chi phí lãi vay, dẫn đến khoản lỗ hơn 82 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Kết quả này vẫn cải thiện nhiều so với số lỗ hơn 173 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Những hy vọng về việc duy trì sản xuất - kinh doanh của Thép Dana - Ý loé lên khi cuối tháng 11/2021, Đà Nẵng cấp đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy cán thép Dana - Ý với tổng vốn hơn 931 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Theo tính toán, khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ có doanh thu khoảng 2.600 tỷ đồng/năm, đóng góp ngân sách nhà nước 300 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin này, ông Tân trả lời: “Có, nhưng đã huỷ dự án rồi”.

Thép Đà Nẵng: Quý I/2021 âm tới 123,8 tỷ đồng

Tháng 6/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Văn bản số 2811/UBCK-GSĐC về việc huỷ tư cách đại chúng của Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng (mã cổ phiếu DNS). Như vậy, công ty thép này chính thức rời khỏi sàn chứng khoán sau hơn 10 năm kể từ khi lên UPCoM vào năm 2010.

Việc hủy tư cách công ty đại chúng của Thép Đà Nẵng được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 23/4/2021. Nguyên nhân là tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn chiếm 97,15% số cổ phần có quyền biểu quyết, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông khác chỉ chiếm 2,85%, không đảm bảo điều kiện tối thiểu 10% theo quy định.

Điều khá bất ngờ là quyết định trên được đưa ra khi doanh nghiệp đang có những tín hiệu tốt trong kinh doanh. Cụ thể, quý II/2021, Công ty đạt doanh thu thuần 617 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt hơn 62 tỷ đồng, cao gấp 7,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí, Thép Đà Nẵng lãi sau thuế 45,2 tỷ đồng, cao gấp hơn 32 lần quý II/2020. Đây cũng là quý lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của Công ty.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Thép Đà Nẵng đạt 1.023 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế gần 85 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, Công ty đã đạt được khoảng 62% mục tiêu cả năm về doanh thu và vượt tới 111% mục tiêu về lợi nhuận trước thuế.

Dù lãi lớn những tháng đầu năm 2021, nhưng Thép Đà Nẵng vẫn còn chồng chất khó khăn phía trước. Công ty vẫn bị âm dòng tiền kinh doanh khá lớn khi lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh quý I/2021 âm tới 123,8 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với mức âm 14 tỷ đồng cách đó một năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 23/4/2021, Thép Đà Nẵng có 160 cổ đông, trong đó Tổng công ty Thép Việt Nam có tỷ lệ sở hữu tại ngày 31/12/2009 là 30%. Hai cổ đông lớn khác là ông Nguyễn Bảo Giang sở hữu 22,14% và bà Huỳnh Thị Quỳnh Thư (vợ ông Giang) sở hữu 10,14%.

Tháng 6/2018, ông Nguyễn Bảo Giang chuyển nhượng phần lớn cổ phiếu cho công ty do ông Giang làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên là Công ty TNHH Thép An Hưng Tường. Trong tháng 5 vừa qua, một công ty khác do ông Giang làm chủ tịch là Công ty TNHH Nhân Lạc bán ra toàn bộ 18.000 cổ phiếu DNS.

Câu hỏi đặt ra là liệu quyết định huỷ tư cách đại chúng của Thép Đà Nẵng có đồng nghĩa với việc khả năng thoái vốn của Tổng công ty Thép Việt Nam tại công ty liên kết này rơi vào “cửa hẹp”. Năm 2016, Tổng công ty Thép Việt Nam từng lên phương án thoái toàn bộ hơn 6,73 triệu cổ phần của Thép Đà Nẵng với giá khởi điểm 8.800 đồng/cổ phần và không thấp hơn mức sàn của cổ phiếu DSN tại ngày chuyển nhượng, nhưng bất thành.

Trên báo cáo tài chính của Tổng công ty Thép Việt Nam, giá gốc khoản đầu tư vào Thép Đà Nẵng là 71,642 tỷ đồng, tương đương bình quân 10.645 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể thị giá 22.500 đồng/cổ phiếu tại ngày 25/6.

Tháng 11/2018, UBND TP. Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động 6 tháng đối với Công ty cổ phần Thép Dana - Úc với số tiền 740 triệu đồng về các hành vi: thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành… UBND TP. Đà Nẵng giao Thép Dana - Úc nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt, bổ sung hồ sơ, nếu không tự nguyện chấp hành, sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật… Từ đó đến nay, nhà máy thép này không thể đáp ứng các yêu cầu, ngừng sản xuất đã 3 năm nay, lâm vào cảnh nợ nần.

Tác giả: Hà Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến