Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt, nói từ khi Covid-19 bùng phát, khách đặt vé qua điện thoại hủy hàng loạt, khách đến bến mua vé thưa thớt. Hãng phải giảm số xe chạy trên tuyến một nửa so với trước, còn 20 xe, mà vẫn vắng. "Càng chạy càng lỗ nên chúng tôi phải giảm số xe. Dịp Tết là thời điểm phải tăng cường xe song năm nay thì tất cả bất động. Chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động vì không thể bỏ chỗ đã đăng ký trong bến", ông Bằng nói.
Trong các đợt dịch năm 2020, doanh nghiệp vận tải khách đã điêu đứng vì doanh thu sụt giảm, nhiều đơn vị phải bán bớt xe, sáp nhập. Đến cuối năm 2020, khi lượng khách tăng dần và nhà xe đến kỳ trả số nợ đã khoanh từ đầu năm thì Covid-19 ập đến khiến doanh thu tiếp tục giảm.
"Chúng tôi không bán được xe vì không ai dám mua vào thời điểm này. Doanh nghiệp nào cũng khó khăn nên đều thu hẹp kinh doanh", ông Bằng nói và kiến nghị Nhà nước có chính sách miễn giảm thuế, phí các loại, ngân hàng tiếp tục cho khoanh nợ, giãn nợ thay vì bắt trả nợ vào thời điểm này.
Một xe khách đi Hải Phòng ở bến xe Nước Ngầm chỉ có hai khách. Ảnh: Anh Duy.
Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) có 65 xe vận tải khách liên tỉnh từ Hà Nội đi Hải Phòng. Giám đốc Khúc Hữu Thanh Hải cho biết do ảnh hưởng của dịch, đơn vị chỉ duy trì 20% số xe, tần suất phải kéo dài từ 30 phút lên hơn 2 tiếng cho mỗi chuyến, nhưng chỉ lác đác 2-3 khách.
"Doanh thu ít ỏi khiến doanh nghiệp càng chạy càng lỗ. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi buộc phải dừng tuyến hoạt động, trước mắt có thể dừng hơn 20 xe tại bến Giáp Bát", ông Hải nói.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chia sẻ năm ngoái dịch bùng phát vào tháng 3 nên doanh nghiệp đã có doanh thu từ tháng cao điểm trước Tết. Song năm nay dịch bùng phát trước Tết tại Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, các địa phương có nhiều cụm công nghiệp, doanh nghiệp vận tải hàng hóa hoạt động mạnh, nên ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Doanh thu của nhiều doanh nghiệp đã giảm đến 70%, nhiều đơn vị phải sáp nhập để tiết giảm chi phí. "Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ như miễn giảm 50% các loại thuế, đặc biệt là miễn đóng bảo hiểm xã hội 3-6 tháng", ông Hùng nói. Ngoài ra, các ngân hàng cần giảm lãi suất, cho phép doanh nghiệp giãn nợ 6 tháng và cơ cấu lại nợ để cầm cự trong thời điểm khó khăn.
Sảnh chờ bến xe Mỹ Đình vắng khách do dịch. Ảnh: Anh Duy.
Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, thời gian qua các lĩnh vực vận tải đều bị ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19. Năm 2020, vận chuyển lượng khách toàn ngành giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đợt bùng phát dịch năm ngoái, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành nhiều văn bản giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và sắp tới sẽ nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí logistics.
"Bộ Giao thông Vận tải không thể giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp về thuế, phí. Chúng tôi sẽ tiếp thu và tham mưu cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp", ông Ngọc nói.
Tác giả: Đoàn Loan
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy