Đồng yên mất giá, 'bức tử' doanh nghiệp Nhật Bản hơn trăm tuổi
05/12/2014 17:13:05
ANTT.VN - Tám năm trước, công ty sản xuất Thủy tinh Isuzu được Bộ công thương Nhật Bản đánh giá là một doanh nghiệp hàng đầu. Hôm nay, công ty này đã phá sản – nạn nhân điển hình của việc đồng Yên suy yếu do những chính sách của ông Abe.

Tin liên quan

Tám năm trước, công ty sản xuất Thủy tinh Isuzu được Bộ công thương Nhật Bản đánh giá là một doanh nghiệp hàng đầu trong số các nhà sản xuất quy mô nhỏ. Tính đến tháng 12/2014 thì nhà sản xuất này đã hoạt động được 109 năm.
 
Hôm nay, công ty này đã phá sản – nạn nhân điển hình của việc đồng Yên suy yếu do những chính sách của ông Abe.

Đồng Yên vẫn tiếp tục suy giảm mạnh (ảnh: Bloomberg)

Nhà sản xuất tại trung tâm thành phố Osaka này chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp phá sản do đồng Yên trong năm nay. Con số này đã lên mức kỷ lục. Theo như ngân hàng Dữ liệu Teikoku thì công ty Isuzu phải đóng cửa do giá của nguyên liệu thô nhập khẩu tăng cao quá mức – hậu quả của việc đồng yên mất giá. Đây cũng là hệ lụy từ những chính sách ông Abe đưa ra nhằm tăng mức lạm phát của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Theo ngân hàng Dữ liệu Teikoku, 42 công ty đã phá sản chỉ trong tháng 11 do sự tác động của việc đồng Yên mất giá, nâng tổng số vụ phá sản liên quan đến tiền tệ tại đất nước mặt trời mọc lên tới 301, gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Việc thực phẩm, kim loại và vật liệu xây dựng tăng giá “chóng mặt” đã siết chặt các công ty nhỏ.

Hôm qua, lần đầu tiên kể từ năm 2007, đồng tiền Nhật Bản mất giá còn 120/USD sau khi giám đốc ngân hàng TW Nhật Bản – người do chính ông Abe tuyển chọn, bơm một lượng kỷ lục vào nền kinh tế. Đồng tiền này đã mất giá 28% kể từ khi ông Abe nắm quyền vào năm 2012.

Công ty nhỏ bị chèn ép

Norio Miyagawa, nhà kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Mizuho cho biết: “Điều kiện kinh doanh của các công ty nhỏ và vừa đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đồng yên càng suy yếu thì những bất lợi cho các công ty này càng lộ rõ, trừ khi lợi ích từ những công ty lớn được san sẻ cho tiêu dùng thông qua việc tăng lương”.

Công ty Thủy tin Isuzu đã được bộ Công thương Nhật Bản vinh danh vào năm 2006 là một trong 300 nhà sản xuất vừa và nhỏ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Công ty với quy mô 100 nhân công này đã phải chịu những áp lực đòi giảm giá từ các khách hàng trong khi giá nguyên liệu không ngừng tăng.

Công ty Công nghiệp Inoue, một nhà cung cấp hàng hóa cho các doanh nghiệp bán lẻ, cũng là một nạn nhân khác của việc đồng yên mất giá, đã tuyên bố phá sản sau khi nguồn hàng từ Trung Quốc trở nên quá đắt đỏ. Hơn 190 nhân viên của Inoue tại quận Fukui đã mất việc.

Theo ngân hàng Teikoku, việc một loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản đóng cửa do đồng yên suy yếu sẽ còn tiếp diễn và có thể còn tăng lên.

Công ty lớn hưởng lợi

Trong khi những công ty nhỏ đang phải vật lộn với giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, những nhà xuất khẩu lớn lại đang thu được lợi nhuận khổng lồ và số những doanh nghiệp lớn phá sản lại được giảm thiểu.

Tổng số các vụ phá sản trong doanh nghiệp tại Nhật Bản đã giảm. Tổng số các vụ phá sản đã giảm 14% so với năm trước còn 794 trường hợp.

Dữ liệu  GDP  tháng 9 năm nay cho thấy kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 1,7% so với thời điểm ông Abe nhận chức vào tháng 12/2012.

Ông Abe cũng đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng sau cơn suy thoái Nhật Bản phải trải qua vào tháng 4 khi lần đầu áp mức thuế mới.

Giá nguyên liệu tăng lên cũng phần nào thúc đẩy lạm phát. Giá tiêu dùng bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 2,9% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cả tiêu dùng đã làm “méo mặt” các hộ gia đình phải chịu cảnh lương  chậm hơn giá tiêu dùng. Thu nhập trong tháng 10 đã tăng 0,5% so với một năm trước.

Phát biểu vào 25/11, Thống đốc Haruhiko Kuroda cho rằng việc suy giảm của đồng Yên sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu và tăng lợi nhuận cho các công ty Nhật Bản trên toàn cầu. Lợi nhuận từ đây sẽ bù đắp lại những tổn thất các công ty nhỏ và các hộ gia đình phải chịu.Trên mặt bằng chung, ảnh hưởng từ việc này vẫn mang tính tích cực cho nền kinh tế Nhật.

Bộ trưởng tài chính Taro Aso bày tỏ quan ngại về tốc độ suy giảm của đồng Yên. Ông cho rằng đồng tiền đang suy giảm quá nhanh kể từ năm 2013. Chính phủ sẽ có những biện pháp đấu tranh với việc này và tiếp tục tập trung nhằm suy chuyển tình hình.

Lý Tú Anh (theo Bloomberg)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến