Dự án Cocobay Đà Nẵng: Nhiều điểm trừ, nhà đầu tư nên tỉnh táo
14/09/2016 10:17:16
Được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, nhưng sự thực dự án Cocobay Đà Nẵng lại có rất nhiều điểm trừ và là dấu hỏi lớn cho các nhà đầu tư.

Tin liên quan

Xuất hiện trên thị trường bất động sản từ đầu năm 2016, nhưng dự án Cocobay Đà Nẵng đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của giới đầu tư địa ốc, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Hà Nội.

Theo những lời quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Dự án Cocobay Đà Nẵng được giới thiệu là một trong số những dự án tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn khoảng hơn 14.000 tỷ đồng.

Dự án gồm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 được khởi công ngày 5/6/2016 và dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động năm 2017.

Với tổng diện tích khoảng 31ha bao gồm bãi biển xanh ngát trải dài 600m, bao gồm 600m chiều dài bờ biển, siêu dự án này được thiết kế, đầu tư nhiều hạng mục có quy mô lớn như Sân khấu biểu diễn trong nhà hoành tráng và hiện đại bậc nhất với sức chứa 1.200 chỗ, sân khấu biểu diễn ngoài trời quy mô 2.000 chỗ với các chương trình biểu diễn giải trí mỗi ngày, Quảng trường du lịch lớn và nhiều dịch vụ nhất Việt Nam; Tuyến phố đi bộ dài nhất Việt Nam; Câu lạc bộ bờ biển Beach Club; Đại nhà hàng; hệ thống lưu trú đẳng cấp Condotel và khách sạn Boutique cùng hàng trăm tiện ích và dịch vụ giải trí khác, dự kiến thu hút hàng triệu khách đến vui chơi, tham quan và lưu trú.

Dự án này còn thu hút giới đầu tư khi quảng cáo: "Lấy cảm hứng từ thiên đường giải trí thế giới Las Vegas (Mỹ), Cocobay - tuyệt tác tổ hợp giải trí du lịch bậc nhất Đông Nam Á chính là sự kết tinh hoàn hảo của các loại hình giải trí trên thế giới và góp phần đưa các tinh túy văn hóa lên nghệ thuật giải trí toàn cầu - xứng tầm "Điểm đến giải trí của thế giới".

Với những lời quảng cáo mỹ miều được đăng tải tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, Cocobay đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư địa ốc.

Dự án Cocobay Đà Nẵng được quảng cáo rầm rộ. Ảnh: Internet

Vị trí không như quảng cáo

Thứ nhất, dự án được quảng bá nằm ở vị trí "độc nhất vô nhị" khi nằm ở vị trí đẹp nhất của đường Trường Sa (thuộc Quận Ngũ Hành Sơn), cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 15 phút, cách phố cổ Hội An khoảng 15 phút.

Tuy nhiên, khi nhiều nhà đầu tư vào "mục sở thị" dự án đã không khỏi bất ngờ vì dự án không hề gần trung tâm Đà Nẵng cũng như phố Hội An như đã quảng cáo.

Thực tế dự án nằm giáp xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) - nơi có khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, một trong những khu công nghiệp từng được báo chí phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc dự án nằm cách khu công nghiệp này không xa, rõ ràng không phải là một lợi thế cho phát triển bất động sản du lịch cũng như không phải là yếu tố tốt để thu hút đầu tư.

Dự án được quảng cáo nằm giữa 2 sân golf là Mongo link và Danang golf Club Vietnam, có lẽ đây là một trong lợi thế duy nhất về vị trí của dự án này. Tuy nhiên, việc nằm kẹt giữa 2 sân golf cũng đặt ra nhiều lo ngại về vấn đề môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước vì các sân golf đều sử dụng hóa chất để chăm sóc cỏ.

Anh Nguyễn Ngọc Hải (một nhà đầu tư từ Hà Nội) cho biết, anh rất thất vọng khi dự án sở hữu một vị trí khá xa xôi, không gần trung tâm Đà Nẵng cũng như Hội An như đã quảng cáo.

"Tôi thấy lợi thế duy nhất của dự án là nằm giữa 2 sân golf, nhưng nếu chỉ dựa vào yếu tố này thì tại Đà Nẵng còn rất nhiều dự án đáng để đầu tư hơn", anh Hải cho biết.

Ngoài ra theo anh Hải, dù được khởi công hơn 3 tháng, nhưng tiến độ thực hiện khá chậm so với quy mô của 1 dự án được đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng.

Lo ngại về mô hình condotel

Điểm trừ thứ hai theo giới đầu tư là việc dự án Cocobay Đà Nẵng phát triển theo mô hình condotel (mô hình căn hộ khách sạn) với các căn hộ diện tích từ 39,1m2 đến 89,2m2. Chủ đầu tư sinh lời hấp dẫn tối thiểu 12%/năm trong 8 năm, được hỗ trợ vay vốn lên đến 70%, trong thời hạn tối đa 25 năm.

Tuy nhiên, mô hình này tại Đà Nẵng đang được cảnh báo là không nên quá lạm dụng bởi lẽ nguồn cung đang phát triển quá ồ ạt.

Cụ thể, theo dự đoán Savills, đến năm 2018, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ có khoảng 14.000 sản phẩm thuộc mô hình căn hộ khách sạn.

Mới đây, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills tại Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo trên báo Đầu tư: “Mô hình cam kết lợi nhuận đối với các sản phẩm condotel hiện nay là một mô hình mới rất tích cực, tuy nhiên các chủ đầu tư không nên lấy việc này làm ưu tiên hàng đầu.”

Nhiều nhà môi giới bất động sản tại Đà Nẵng cũng chỉ ra thực tế cho rằng hiện nay sự bùng nổ của quá nhiều cơ sở lưu trú thấp cấp, các khách sạn 2-3 sao dọc khu vực ven biển cũng như sự cấp phép mô hình Condotel cho quá nhiều dự án trong một khoảng thời gian ngắn đang dẫn đến hiệu quả mô hình Condotel chưa được như kỳ vọng.

“Dễ dàng nhận thấy, chỉ những chủ đầu tư tạo được thương hiệu riêng, có nguồn khách hàng lớn, hiệu suất buồng phòng luôn đạt ở mức cao thì việc áp dụng mô hình này mới hiệu quả. Còn đa số những dự án còn lại, việc áp dụng mô hình dường như chỉ là việc chạy theo xu hướng, hiệu quả kinh doanh như thế nào vẫn là một dấu chấm hỏi”, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch HĐQT FirstReal Land chia sẻ.

Về phần mình, Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, Condotel đang là loại hình mới trong rất nhiều các loại hình mà thị trường BĐS Đà Nẵng đang hướng tới. Tuy vậy, Condotel chỉ phát triển bền vững khi nguồn cung bung ra phải phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường.

Theo bà Hằng, khi thực hiện mô hình Condotel, các chủ đầu tư cần phải cân nhắc tổng lượng hàng cũng như phải có chiến lược cân đối phân kỳ đầu tư và tính toán kỹ lưỡng các sản phẩm trên cơ sở năng lực thật sự của mình.

“Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để giúp thị trường tránh những tác động về việc tạo ra nguồn cung quá lớn. Nếu nguồn cung có chất lượng thì rất tốt, nhưng nếu không có chất lượng thì nó sẽ ảnh hưởng đến không chỉ nhà đầu tư mà còn đối với bức tranh chung thị trường BĐS Đà Nẵng. Đây là một điểm mà Savills muốn lưu ý với chủ đầu tư mà còn với các nhà đầu tư cá nhân”, bà Hằng chia sẻ.

Dấu hỏi về năng lực chủ đầu tư

Một điểm trừ nữa cho dự án Cocobay Đà Nẵng là những hoài nghi về năng lực của chủ đầu tư dự án này. Chủ đầu tư dự án này là tập đoàn Empire - tiền thân là công ty cổ phần Đầu Tư phát triển và xây dựng Thành Đô thành lập từ năm 1992.

Công ty Thành Đô hoạt động trên các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính, nhà hàng khách sạn, phát triển khu vui chơi giải trí,…

Ngày 26/08/2002 chuyển đổi thành công ty TNHH đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng.

Năm 1992 thành lập xây dựng công trình uy tín nổi tiếng trong nước điển hình như khách sạn Cây Thông Tam Đảo Vĩnh Phúc.

Năm 1998 Công ty Thành Đô đầu tư xây dựng thành công công viên nước Hồ Tây, đây là khu vui chơi công viên nước lớn nhất tại Hà Nội.

Đến năm 2016 tái cấu trúc thành mô hình tập đoàn Empire Group và khởi công tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng CocoBay Đà Nẵng.

Như vậy, cái tên Empire Group dường như chỉ được giới đầu tư bắt đầu biết đến khi dự án CocoBay Đà Nẵng được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông.

Thực tế, việc cam kết lợi nhuận là một trong những yếu tố khiến khách hàng yên tâm đầu tư vào loại hình condotel. Tuy nhiên, với giới đầu tư chuyên nghiệp, việc "chọn mặt gửi vàng" là rất quan trọng, nhất là khi niềm tin vào chủ đầu tư bất động sản tại Việt Nam rất thấp, thì rõ ràng việc đổ tiền vào túi một chủ đầu tư mới chỉ có trong tay một vài dự án như Empire Group không phải là một lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, việc phát triển một tổ hợp giải trí tầm cỡ Đông Nam Á, thậm chí lấy cảm hứng từ Las Vegas (Mỹ) thì với quy mô 31ha, liệu có thực sự đáp ứng được với nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của hàng triệu lượt khách?

Theo VTCNews

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến