Dòng sự kiện:
Dự kiến chi 3.500 tỷ/năm cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở
27/10/2023 12:22:32
Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 5 chương với 34 điều.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, ông Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã.

UBTVQH thấy rằng, Hiến pháp năm 2013, Luật Công an nhân dân và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã quy định mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; các lực lượng ở cơ sở có trách nhiệm tham gia, hỗ trợ Công an nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 3 lực lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục sử dụng. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tiếp thu các ý kiến trên, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung Điều 2 để làm rõ khái niệm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân.

Chỉnh lý vị trí, chức năng tại Điều 3 để thể hiện rõ hơn đây là lực lượng quần chúng được bố trí ở cơ sở, có chức năng làm nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

Về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, bổ sung các quy định về quan hệ công tác; thể hiện rõ vai trò, phạm vi phối hợp, hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đối với Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ; xác định cụ thể phạm vi quản lý, chỉ đạo, chỉ huy, huy động của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã đối với lực lượng này đáp ứng yêu cầu thực tiễn như tại Điều 5 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo ông Lê Tấn Tới, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, không thực hiện chức năng quản lý, không thuộc bộ máy Nhà nước mà tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã nên việc quy định quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của lực lượng này là không hợp lý.

Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong bảo vệ an ninh trật tự đã được quy định trong Hiến pháp, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Sẽ không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn

Về kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cho rằng không chỉ dừng lại ở số lượng khoảng 300.000 người như Tờ trình dự án Luật do Chính phủ trình và sẽ tăng kinh phí, ngân sách bảo đảm; đề nghị có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay.

Theo UBTVQH, tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự thì với 84.721 Tổ bảo vệ an ninh trật tự thì cần có ít nhất là 254.163 người tham gia (mỗi Tổ cần ít nhất 3 người) và dự kiến mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ an ninh trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố, nên tổng số Tổ bảo vệ an ninh trật tự có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm xuống. Như vậy, với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay.

Bên cạnh đó, UBTVQH đã chỉ đạo bỏ nội dung quy định đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận.

Về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị quy định chế độ, chính sách cho lực lượng này theo nhiệm vụ được giao và chỉ hỗ trợ khi được huy động thực hiện nhiệm vụ chứ không hỗ trợ thường xuyên hằng tháng.

UBTVQH cho rằng, dự thảo Luật quy định mức hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là kế thừa quy định về chế độ hỗ trợ đối với đối tượng đội trưởng, đội phó đội dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đã có từ lâu đang được các địa phương thực hiện. Nếu bỏ quy định hỗ trợ hằng tháng mà chỉ hỗ trợ khi được huy động thì sẽ không thu hút được người dân tham gia lực lượng này, không bảo đảm tính khả thi của Luật.

Một số ý kiến đề nghị cần quy định khung, mức tối thiểu đối với hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

UBTVQH thấy rằng, đây là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia, nếu quy định “cứng” trong Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, chưa tự chủ được ngân sách.

Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép kế thừa pháp luật hiện hành, quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến