Dòng sự kiện:
Được Quốc hội chấp thuận bổ sung 17.100 tỷ đồng, vị thế vốn điều lệ Agribank sẽ ra sao?
25/06/2023 17:00:47
Agribank vừa được Quốc hội thông qua phương án đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, từ đó giúp ngân hàng thoát khỏi tình thế “hiểm nghèo” về đảm bảo hệ số an toàn vốn.

Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV vừa ban hành có nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2023 sẽ bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022. Năm 2024 sẽ bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Trước đó, trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với đề xuất của Chính phủ, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank và giới hạn số tối đa được cấp là 17.100 tỷ đồng.

Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm ngoái là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước, thậm chí thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Việc tăng vốn cho Agribank sẽ giúp ngân hàng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II.

rước đó, tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ này của ngân hàng chỉ đạt 7% thấp hơn so với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước khác, như Vietcombank là 9,98%, Vietinbank 8,54% và BIDV 8,4%. Ngoài ra, có thêm vốn sẽ giúp ngân hàng này cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tăng giá trị thặng dư khi cổ phần hoá. Việc tăng vốn cũng là cơ sở để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiện tại, nguồn cho Agribank tăng vốn đã sẵn sàng. Số tiền 17.100 tỷ đồng là tương ứng với phần lợi nhuận còn lại Agribank nộp Ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 2021-2023. Thực tế, năm 2021 và năm 2022 Agribank đã nộp NSNN phần lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ với tổng số tiền: 10.457 tỷ đổng. Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Agribank dự kiến đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2022. Theo đó, dự kiến lợi nhuận còn lại (sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ) nộp NSNN là 8.600 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận còn lại Agribank đã nộp NSNN từ năm 2021 đến hết Quý I/2023 là 13.329 tỷ đồng' và dự kiến nộp trong giai đoạn 2021-2023 là 19.057 tỷ đồng, lớn hơn đề xuất cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank nên đề xuất này hoàn toàn khả thi.

Là ngân hàng chủ lực bơm vốn cho tín dụng tam nông, cũng là ngân hàng tích cực nhất trong hỗ trợ các thành viên khác trên thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ lãi suất cho người dân, doanh nghiệp… song nhiều năm qua, Agribank luôn trong cảnh “ăn đong” tăng vốn. Điều này khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc tự chủ kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Theo tính toán của Chính phủ, việc tăng vốn cho Agribank mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, với số vốn điều lệ tăng thêm, tăng trưởng tín dụng của Agribank sẽ tặng thêm bình quân khoảng từ 100.000 – 110.000 tỷ đồng/ năm, tương ứng với tổng tài sản tăng thêm 110.000 tỷ đồng/năm, doanh thu hàng năm và lợi nhuận hàng năm tăng thêm khoảng 6.500 – 7.000 tỷ đồng. Theo đó, Agribank sẽ tăng nộp NSNN tương ứng 1.200 – 1.400 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, khoảng 2.000 – 2.200 tỷ đồng lợi nhuận còn lại; trích lập các quỹ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tăng vốn thêm 17.100 tỷ đồng cũng giúp Agribank đạt hệ số CAR 8% theo quy định của Luật các TCTD, Thông tư 41/2016/TT-NHNN; Gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa. Đồng thời, đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển tam nông, thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ và NHNN… 

Tính tới cuối năm 2022, Agribank đứng thứ 7 về vốn điều lệ toàn hệ thống mặc dù quy mô tổng tài sản, dư nợ cho vay,…Agribank đứng nhất nhì hệ thống. Cụ thể, vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm 2022 mới chỉ đạt 34.446 tỷ đồng, sau hàng loạt ngân hàng: VPBank (67.434 tỷ đồng), BIDV (50.585 tỷ), VietinBank (48.058 tỷ), Vietcombank (47.325 tỷ), MBB (45.340 tỷ), Techcombank (35.172 tỷ đồng).

Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng. Tuy vậy, ngay cả khi được tăng vốn, Agribank cũng chưa chắc đã vượt qua một số ngân hàng có mức vốn điều lệ dưới 51.000 tỷ đồng hiện nay do lộ trình bổ sung 17.100 tỷ đồng của Agribank kéo dài đến năm 2024.  Trong khi đó, các ngân hàng lớn khác cũng đang lên kế hoạch tăng vốn rất mạnh: MB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 53.683 tỷ đồng, VietinBank dự kiến tăng lên hơn 66.000 tỷ, Vietcombank tăng lên 55.900 tỷ, BIDV cũng muốn tăng lên 61.557 tỷ đồng.

Trong báo cáo thẩm tra trước đó,  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ cần báo cáo kế hoạch cổ phần hóa cũng như nhu cầu tổng thể vốn điều lệ cần thiết phải bổ sung cho Agribank đến năm 2030 và dự kiến kế hoạch, phương án bổ sung vốn điều lệ cho Agribank trong thời gian tới.   

Tác giả: Thuỳ Liên

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến