Dòng sự kiện:
Đường dây đa cấp: Mật ngọt chết ruồi
27/04/2015 12:04:39
ANTT.VN – Tham vọng kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, nhiều sinh viên năm nhất đại học đã “vướng” phải cái bẫy bán hàng đa cấp, để rồi vừa bị mất tiền vừa có nguy cơ “thất học” vì nợ nần.

Tin liên quan

Tiếp xúc với một số bạn sinh viên đã từng “bị” mời vào mô hình kinh doanh đa cấp, các bạn chia sẻ với PV ANTT.VN vì là sinh viên mới nên thường xuyên được các “đàn anh, đàn chị” rủ rê vào hoạt động bán hàng đa cấp. Đôi khi với tâm lý muốn kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nên các bạn không ít người bị sập bẫy.

D.T.A, một sinh viên quê ở Hưng Yên đang học năm cuối cho biết, “Khi mới ra Hà Nội học, em gặp một chị tự giới thiệu là sinh viên trường CĐ phát thanh. Chị ấy giới thiệu em vào bán hàng của một công ty đa cấp. Sau đó em đã tham gia. Để trở thành thành viên, em phải mua bộ sản phẩm cạo gió mặt và nồi cơm điện trị giá 6,4 triệu đồng. Sau đó em được công ty cấp một vé thẻ chuyên viên kinh doanh”.

Nhiều bạn sinh viên "không may" vướng vào bán hàng đa cấp khiến vừa mất tiền vừa trở thành "con nợ" (ảnh minh họa/nguồn: vietgiaitri.com)

Theo lời của D.T.A, khi mới vào, các bạn được đào tạo một khóa chuyên bán hàng marketing do chính các lãnh đạo Amway dạy.

“Nhiều người khi đã vào đấy (trụ sở công ty đa cấp - pv) phải mua sản phẩm mới được ra. Chứ không phải vào cái mà ra được ngay. Nếu không “ăn đòn” ngay với những lời lẽ như “em không phải là thằng đàn ông à” hay “em không có lòng tự trọng à, em để bố mẹ em như thế này, thế kia à”… Tóm lại, họ dùng rất nhiều lời khích bác để cho các “con mồi” phải tham gia. Nếu “con mồi” bảo không có tiền, những người giới thiệu sẵn sàng giúp họ mang thẻ sinh viên, chứng minh thư đi cầm. Còn nếu con mồi không “sa bẫy” thì phải làm giấy cam kết và đặt cọc 100 nghìn đồng để giữ mà” D.T.A chia sẻ.

Để mở rộng “đường dây” và nhận lương cao thì phải giới thiệu, bán được nhiều sản phẩm và lôi kéo được những người khác tham gia mà chủ yếu ở đây là người thân và bạn bè. Hoặc tự mình bỏ tiền mua thêm mã. “Em đã gặp một bác mua hẳn 70 mã, một mã hơn 6 triệu đồng vị chi bác ấy phải bỏ ra hơn 400 triệu đồng”, D.T.A cho biết.

Dù trên báo chí và các phương tiện truyền thông đã nói đến mô hình kinh doanh đa cấp không hề “dễ ăn” như những lời quảng cáo hấp dẫn của những công ty kinh doanh theo mô hình này. Thế nhưng nhiều năm qua, vẫn còn rất nhiều các bạn trẻ “sập bẫy”.

Theo chia sẻ của H, sinh viên năm nhất Cao đẳng Sư phạm Trung Ương, trong phòng trọ của bạn có 5 người thì cả 5 bạn đều đã từng bị lôi kéo vào mô hình kinh doanh đa cấp, riêng với trường hợp của H, vì thấy lời quảng cáo hấp dẫn trên Facebook với việc đi bán quần áo lương mỗi tháng từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, tại một địa chỉ trên đường Hoàng Quốc Việt gần trường và cũng gần nơi H trọ học, nên H đã tới để xin việc.

Khi đến nơi, H được hỏi là sinh viên năm mấy? Có mang chứng minh thư và thẻ sinh viên không? Nếu có thì được một người dẫn lên một tầng khác và yêu cầu bạn tắt nguồn điện thoại, tại đây có rất nhiều bạn sinh viên đang hô vang những khẩu hiệu về niềm tin, về phương châm kinh doanh cũng như làm giàu và liên tục có những tràng pháo tay theo nhịp.

Theo lời H, sau đó, H được một người mời vào bàn và được trò chuyện một cách vui vẻ, và hỏi han về những mong mỏi của H và thuyết phục H tham gia vào mô hình bán hàng đa cấp, lời mời chào nghe có vẻ hấp dẫn khi nhân viên ở đây cho biết: chỉ cần có chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ sinh viên, H sẽ được nhân viên đưa đi cắm với giá 9 triệu đồng, H chỉ phải mua một sản phẩm với giá 8 triệu, còn 1 triệu còn lại có thể cầm về thì H đã là thành viên của công ty và mỗi tháng tự động H sẽ được trả 600 nghìn đồng, nếu lôi kéo được thêm thành viên số tiền này sẽ nhân lên gấp đôi, gấp 3, thậm chí thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng cũng là chuyện “bình thường”.

H nói “ Đúng là được nghe họ nói hay lắm anh, chị ạ, rất lưu loát và thuyết phục, chủ yếu đánh vào tâm lý thương bố mẹ ở nhà, con cái lớn đi học mà bố mẹ phải nai lưng ra kiếm từng đồng cho con ăn học, vậy tại sao có cơ hội kiếm tiền phụ giúp gia đình mà không thực hiện?”.

Tuy nhiên khi nhắc tới việc phải cắm thẻ sinh viên hoặc CMTND để được 8 triệu mua một sản phẩm để làm thành viên và mỗi tháng trả lãi 3% và cứ 10 ngày trả một lần thì H đã rút lui vì nghĩ số tiền ấy quá lớn.

Theo H, mặt hàng chủ yếu của công ty này là bán hàng tiêu dùng, còn một số tầng khác của tòa nhà thì bán nhiều sản phẩm khác như thực phẩm chức năng…

H cũng cho biết, muốn rút hồ sơ cũng không hề dễ dàng chút nào, một người bạn của H đã từng đi rút hợp đồng, nhưng khi biết bạn này xin rút thì hầu như không có nhân viên nào nói cho bạn H biết là thủ tục rút hợp đồng ra sao, “cũng may bạn em có một anh bạn quen ở đó nên anh này đã mách bạn em sang trụ sở chính làm thủ tục thì mới rút được, nhưng bạn em cũng mất khoảng 2 triệu trong số tiền mà bạn em đóng vào để làm thành viên” – H nói.

Ngồi bên cạnh H cũng là một bạn sinh viên chung phòng tên N, sinh viên năm nhất ĐH Thủ đô Hà Nội. Theo lời kể của N thì N còn “được” lôi kéo vào mô hình này từ thời còn là học sinh cấp III một trường THPT ở Hà Tây cũ. N cho hay khi còn là học sinh lớp 12, một lần cô cùng một người bạn lên Thủ đô chơi và gặp một thanh niên ăn mặc bảnh bao trước cổng siêu thị mời tham dự một buổi học kỹ năng giao tiếp. Các bạn đã trao đổi số điện thoại với thanh niên này.

N bảo “Sau khi về nhà, thanh niên này liên tục lôi kéo bọn em đến tham dự buổi học kỹ năng giao tiếp, nhắn tin, gọi điện nhiều đến nỗi em cho vào danh sách hạn chế mà không hiểu tại sao anh này còn tìm được về đến tận nhà bọn em “mời” bọn em đi dự, thậm chí còn thuyết phục cả bố mẹ em để cho bọn em đi”.

Cuối cùng N và cô bạn cũng đi cùng thanh niên này đến một địa điểm đằng sau bến xe Mỹ Đình, tại đây, tương tự như nơi H đã từng đến cũng reo hò khẩu hiệu làm giàu rồi những tràng vỗ tay rầm rầm. N cũng được thuyết phục đóng 80 nghìn đồng để trở thành thành viên của công ty và chỉ cần làm việc vào thời gian rảnh rỗi, sản phẩm chủ yếu của công ty này là từ lô hội, nhưng N và bạn đã tỉnh táo nhất định không tham gia.

Theo chia sẻ của N, trong lớp cô học bây giờ cũng có hai bạn nữ sinh viên tham gia vào mô hình bán hàng đa cấp tại một công ty trên đường Hoàng Quốc Việt, hiện tại do nợ nần quá nhiều và nghỉ học để đi bán hàng kiếm tiền trả nợ, hai bạn sinh viên này đã buộc phải thôi học. Đây là một cái kết “đắng” cho các bạn sinh viên nhẹ dạ, cả tin và nghĩ rằng việc kiếm tiền đơn giản, không phải mất quá nhiều công sức.

Thiên Di – Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến