Dòng sự kiện:
ECB chấm dứt kích thích, nhưng chưa thắt chặt
17/12/2018 14:03:31
ECB cuối tuần trước đã xác nhận sẽ dừng chương trình mua trái phiếu trị giá 2,6 nghìn tỷ euro (3 nghìn tỷ USD) vào cuối tháng này, đặt dấu chấm hết cho một chính sách kích thích tiền tệ.

Kết thúc nới lỏng định lượng…

Tại cuộc họp chính sách tháng 12 diễn ra tuần trước, các nhà hoạch định chính sách do Chủ tịch Mario Draghi dẫn đầu đã quyết định giữ nguyên các mức lãi suất chủ chốt như hiện tại. Cụ thể, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là -0,4%; lãi suất tái cấp vốn là 0% và lãi suất cho vay cận biên là 0,25%. Về các biện pháp chính sách tiền tệ bất thường, ECB xác nhận sẽ dừng chương trình mua tài sản, hay còn được gọi là nới lỏng định lượng (QE), trong tháng 12 này sau gần 4 năm triển khai.


Quyết định này được đưa ra sau một loạt quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương ở châu Âu. Theo đó, các ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và Na Uy vẫn giữ nguyên chính sách, mặc dù Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã cắt giảm triển vọng lạm phát. Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine cũng giữ ổn định lãi suất. Trong khi Fed được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất lần thứ tư trong năm nay tại cuộc họp chính sách diễn ra vào tuần tới.

Chương trình nới lỏng định lượng bắt đầu được triển khai ở khu vực đồng euro vào tháng 3/2015 với kỳ vọng sẽ ngăn chặn nguy cơ giảm phát trong khu vực bằng cách đẩy lãi suất thị trường xuống và khuyến khích hoạt động cho vay. Nó được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Fed dừng chương trình mua tài sản của mình và vấp phải khá nhiều ý kiến phản đối trong Hội đồng Thống đốc, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách của Đức.

Theo thiết kế ban đầu, chương trình sẽ được triển khai trong vòng chưa đầy 2 năm, nhưng sau nhiều lần mở rộng cùng với các biện pháp tiền tệ khác như các khoản vay ngân hàng dài hạn đã khiến bảng cân đối tài sản của ECB tăng lên tới 4,7 nghìn tỷ euro, tương đương với hơn 40% sản lượng kinh tế, cào gấp đôi vo với mức 20% tại Fed.

Mặc dù hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả của chương trình mua tài sản này, song theo ước tính mới nhất của ECB, chương trình đã cộng thêm 1,9 điểm phần trăm cho cả tăng trưởng và lạm phát của khu vực từ năm 2016 đến 2020. Trên thực tế, tăng trưởng của khu vực đồng euro cũng vượt xa Hoa Kỳ trong năm 2016 và 2017.

…nhưng chưa thắt chặt

Mặc dù chấm dứt nới lỏng định lượng, song ECB cũng phát đi tín hiệu chưa thắt chặt chính sách khi tuyên bố sẽ tiếp tục tái đầu tư toàn bộ số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn trong một khoảng thời gian dài ngay cả khi lãi suất được tăng lên, để duy trì các điều kiện thanh khoản thuận lợi và mức độ dễ dàng của tiền tệ.

ECB cũng tuyên bố sẽ giữ nguyên các mức lãi suất ở mức thấp kỷ lục “ít nhất là qua mùa hè” năm 2019 và có thể lâu hơn nếu cần để đảm bảo sự gia tăng liên tục của lạm phát đến dưới, nhưng gần với, 2% trong trung hạn.

Sở dĩ như vậy một phần cũng bởi ECB đã có những bài học cay đắng trong quá khứ. Lần tăng lãi suất gần đây nhất của cơ quan này là vào năm 2011, một bước đi sai lầm của Chủ tịch ECB thời điểm đó là ông Jean-Claude Trichet - người tiền nhiệm của Draghi - ngay trước khi khu vực đồng tiền chung vào suy thoái kép.

Trong khi hiện ECB cũng chưa thể lạc quan với triển vọng kinh tế của khu vực đồng tiền chung.

Phát biểu tại buổi họp báo sau đó, Chủ tịch ECB cũng đã cho thấy triển vọng không mấy lạc quan khi ông đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2018 của khu vực đồng tiền chung xuống còn 1,9% thay vì mức 2,0% như trong dự báo đưa ra hồi tháng 9. Triển vọng tăng trưởng năm 2019 cũng được cắt giảm xuống còn 1,7% so với dự báo trước đó là 1,8%.

“Những rủi ro xung quanh triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng euro vẫn có thể được đánh giá là cân bằng. Tuy nhiên, cán cân rủi ro đang chuyển sang suy giảm do sự không chắc chắn liên quan đến các yếu tố địa chính trị, mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ, sự bất ổn trong các thị trường mới nổi và sự biến động của thị trường tài chính”, Draghi nói.

Đối với lạm phát, Draghi cho biết, một sự điều chỉnh tăng nhẹ trong dự báo của nhân viên của ông cho năm 2018 lên 1,8%, đã được bù đắp bằng một sụt giảm tương ứng vào năm tới. Mặc dù cho rằng lạm phát tổng thể có khả năng giảm trong những tháng tới, song Draghi lại tỏ ra lạc quan hơn về lạm phát cơ bản. “Mặc dù lạm phát cơ bản nói chung vẫn yếu, nhưng áp lực chi phí trong nội khối đang tiếp tục tăng cường và mở rộng trong bối cảnh công suất sử dụng ở mức cao và thị trường lao động được thắt chặt, điều đó đang thúc đẩy tăng trưởng tiền lương”.

Những phát biểu không mấy lạc quan của Chủ tịch ECB đã khiến thị trường đẩy lui dự báo về thời điểm mà ECB sẽ tiến hành tăng lãi suất tới quý 1 năm 2020 thay vì dự đoán động thái này sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2019.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến