Dòng sự kiện:
Evergrande đã tìm được bên muốn mua lại tòa nhà trụ sở tại Hong Kong
29/07/2022 06:13:40
Theo truyền thông địa phương, CK Asset Holdings - do tỷ phú Hong Kong Li Ka-shing thành lập cho biết đã nộp hồ sơ đấu thầu tòa nhà 26 tầng, hiện được định giá 9 tỷ HKD (1,1 tỷ USD) của Evergrande.

Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Truyền thông Hong Kong (Trung Quốc) ngày 28/7 đưa tin nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang chìm trong khủng hoảng Evergrande đã tìm được người mua tiềm năng cho trụ sở chính tại khu vực này, vài ngày trước khi tập đoàn dự kiến công bố kế hoạch tái cơ cấu vốn được chờ đợi từ lâu.

Theo truyền thông địa phương, CK Asset Holdings-do tỷ phú Hong Kong Li Ka-shing thành lập cho biết đã nộp hồ sơ đấu thầu tòa nhà 26 tầng, hiện được định giá 9 tỷ HKD (1,1 tỷ USD) của Evergrande.

Năm 2015, khi Evergrande mua lại tòa nhà trụ sở chính với giá 1,61 tỷ USD, thương vụ này đã lập kỷ lục về giao dịch lớn nhất đối với một tòa nhà văn phòng ở Hong Kong cũng như giá trên mỗi foot vuông.

Vào tháng 10 năm ngoái, tòa nhà đã được chào bán cho nhà phát triển bất động sản nhà nước Trung Quốc Yuexiu với giá 1,7 tỷ USD. Song phía người mua đã rút khỏi thương vụ vì lo ngại về khoản nợ chưa được giải quyết của Evergrande.

Evergrande đã tham gia vào các cuộc đàm phán tái cơ cấu sau khi khoản nợ của họ chạm mức 300 tỷ USD, giữa bối cảnh giới chức Trung Quốc tiếp tục tăng cường kiểm soát tình trạng vay nợ quá mức và đầu cơ tràn lan của người tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản.

Trước đó, tập đoàn cho biết họ đang trên đà đưa ra kế hoạch tái cơ cấu sơ bộ vào cuối tháng Bảy.

Từng là cái tên hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, Evergrande trong những tháng gần đây đã phải chật vật bán đi tài sản để trả nợ. Thậm chí, Chủ tịch Hui Ka Yan đã phải dùng tài sản cá nhân để trả một số khoản nợ của tập đoàn.

Trong một dấu hiệu thêm phần bất ổn, Evergrande tuần trước đã sa thải Giám đốc Điều hành (CEO) và Giám đốc Tài chính (CFO) sau một cuộc điều tra nội bộ về lý do tại sao các ngân hàng thu giữ hơn 2 tỷ USD từ chi nhánh dịch vụ tài sản của công ty.

Cuộc khủng hoảng của Evergrande đã ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, với một số công ty nhỏ hơn cũng vỡ nợ và những công ty khác đang phải vật lộn để tìm được nguồn tiền.

Các nhà phân tích cho rằng nếu cuộc khủng hoảng tài sản lan rộng đến hệ thống tài chính của Trung Quốc, cú sốc sẽ vượt xa biên giới của nước này. Nhưng hôm 28/7 giới chức tài chính Hong Kong cho biết những khó khăn của các nhà phát triển Trung Quốc có tác động "rất hạn chế" đến sự ổn định của trung tâm tài chính này./.

Tác giả: H.Thủy

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến