Quan ngại hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu
Trong các bài phát biểu của mình vào cuối tuần qua, nhìn chung các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều tỏ ra quan ngại hơn với triển vọng của kinh tế toàn cầu và qua đó sẽ tác động bất lợi đến kinh tế Mỹ. Đơn cử, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Richard Clarida - người vừa được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ tịch Fed thừa nhận, có một số bằng chứng về sự chậm của kinh tế toàn cầu.
“Đó là điều có liên quan khi tôi nghĩ về triển vọng của kinh tế Mỹ, bởi vì nó tác động đến phần lớn nền kinh tế thông qua thương mại và thông qua thị trường vốn cũng như các kênh khác”, ông cho biết.
Trong khi dó, Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan, trong một cuộc phỏng vấn riêng với Fox Business, cũng cho biết ông đang chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại ở châu Âu và Trung Quốc. “Theo phán đoán của cá nhân tôi, tăng trưởng toàn cầu đang chịu tác động của một chút những cơn gió ngược và nó có thể tràn sang Mỹ”, Kaplan nói.
Ngay cả một người lạc quan như Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans, quan điểm cũng đã có nhiều thay đổi. Còn nhớ 6 tháng trước, khi được hỏi về những rủi ro từ sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, ông nói rằng ông được nghe thấy nhiều hơn về vấn đề này, nhưng nó chưa thực sự được thể hiện qua các con số. Tuy nhiên, hiện ông lưu ý là phải theo dõi sát sao. “Không có là một tiêu đề lớn” về rủi ro cho nền kinh tế trong thời điểm này, Evans nói với các phóng viên.
“Quốc tế chậm hơn một chút; Brexit - không ai hỏi tôi về điều đó, cảm ơn bạn; (sự chậm lại) của thị trường nhà ở: Tôi nghĩ tất cả những thứ này cho thấy một bức tranh đa dạng về những rủi ro mà mọi người đều phải đối mặt”, ông nói.
Mặc dù cho rằng hiện tất cả những vấn đề trên là chưa đủ để thay đổi quan điểm của mình về lộ trình tăng lãi suất, tuy nhiên, Evans nói thêm, không nên loại trừ những rủi ro đó, bởi những rủi ro này có thể biến đổi thành thứ nguy hiểm hơn nếu chúng không được dự báo và không được theo dõi.
Fed đã tăng lãi suất 3 lần trong năm nay và dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng tới, đưa phạm vi lãi suất mục tiêu lên 2,25% đến 2,5% vào cuối năm. Cũng tại cuộc họp chính sách tháng 9, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm 2019.
Tuy nhiên, với sự quan ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế toàn cầu, đang chịu tác động mạnh từ cuộc chiến thương mại do chính Mỹ khơi mào, cộng thêm việc lãi suất tại Mỹ đang tiến dần tới điểm trung hòa, rất có thể lộ trình trên sẽ có sự thay đổi.
Fed có thể tăng lãi suất thêm bao nhiêu lần nữa
“Chúng ta đang ở vào thời điểm thực sự cần phải phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế (sắp tới)”, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida cho biết. “Tôi nghĩ chắc chắn về vị thế hiện nay, cũng như dự báo của Fed về triển vọng của nền kinh tế, việc (lãi suất) tiệm cận mức trung lập là có ý nghĩa quan trọng”, ông nói thêm và xác định mức lãi suất “trung lập” vào khoảng giữa 2,5% và 3,5%. Điều đó có nghĩa, theo Clarida, Fed có thể tăng lãi suất thêm từ 2 cho tới tối đa là 6 lần nữa. Tuy nhiên vị này từ chối tiết lộ quan điểm của mình là lãi suất sẽ tăng thêm bao nhiêu lần nữa là phù hợp.
Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans cũng nói với báo giới rằng, lãi suất sẽ tăng lên khoảng 3,25% để hạn chế nhẹ đà tăng trưởng và đưa tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang ở mức 3,7% - thấp nhất trong 48 năm qua, trở lại mức bền vững hơn.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quan chức của Fed đều có chung quan điểm lạc quan như vậy. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker cho thấy ông thật sự hoài nghi về việc tăng tiếp lãi suất. “Tại thời điểm này, tôi không tin rằng một động thái (tăng lãi suất) vào tháng 12 là động thái đúng đắn”, ông trích lời nói, trích dẫn lý do là các số liệu lạm phát yếu gần đây.
Hiện khoảng cách giữa kỳ vọng của thị trường và lộ trình tăng lãi suất mà Fed đưa ra cách đây 2 tháng có xu hướng ngày càng nới rộng và điều đó đang đặt ra một câu hỏi lớn là liệu Fed có thể tăng lãi suất thêm bao nhiêu lần nữa ngay cả khi tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm.
Trong tuần qua, tỷ lệ cược dựa trên các hợp đồng liên quan đến chính sách của Fed cho thấy rằng ngay cả 2 lần tăng lãi suất trong năm 2019 cũng là rất khó. Lợi suất tương lai quỹ Fed đáo hạn vào tháng 1/2020, một thước đo cho chu kỳ tăng lãi suất hiện tại của Fed, giảm mạnh xuống chỉ còn 2,76% sau 6 ngày giao dịch.
Cùng thời điểm, kỳ vọng lạm phát dài hạn cũng đã giảm nhanh chóng. Cái gọi là tỷ lệ lạm phát ngang giá của trái phiếu ngừa lạm phát (Treasury Inflation Protected Securities - TIPS) - một loại trái phiếuchính phủ đặc biệt giúp bảo vệ người nắm giữ chúng trước các tác động của lạm phát - đã giảm mạnh trong tháng trước. Tỷ lệ lạm phát ngang giá của trái phiếu ngừa lạm phát kỳ hạn 5 năm đạt mức thấp nhất kể từ cuối 2017 vào đầu tuần trước.
Những biến động này trên thị trường cho thấy các nhà đầu tư đang xem xét một cách rất nghiêm túc về việc liệu bao lâu nữa Fed sẽ chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy