Dòng sự kiện:
Formosa chôn chất thải: Ai biết được chuyện của trăm năm sau?
13/07/2016 14:50:42
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, có những loại chất thải khi chôn lấp 100 năm thì sẽ không sao nhưng chắc gì, bãi chôn lấp giữ đúng yêu cầu kỹ thuật được 100 năm?

Tin liên quan

Trước thông tin chấn động mà báo Người Đưa Tin đã đưa ra về việc Formosa chôn chất thải tại trang trại của GĐ công ty môi trường- đô thị thị xã Kỳ Anh, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải- giảng viên cao cấp, khoa môi trường- ĐH KHTN- ĐH quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

Với những thông tin hiện có, ông đánh giá gì về việc công ty Formosa chôn lấp chất thải lén lút tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh?

Hiện, tôi chưa nắm rõ loại chất thải mà công ty này chôn lấp là loại được lấy ra từ bộ phận nào của công ty nên chưa thể đánh giá được hết những khả năng nguy hại có thể diễn ra với môi trường đất, nước.

Tuy nhiên, nếu là cặn thau rửa đường ống, tương tự như loại cặn trước đó được phát tán ra biển gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung thì tác hại không nhỏ. Trong chất thải này chắc chắn sẽ chứa nhiều thành phần độc hại như fenol, xianua, kim loại nặng như sắt, đồng… tồn tại dưới dạng bùn nhão đen, hôi thối.

Nếu các chất này chưa được xử lý đúng quy trình đã xả ra môi trường thì tác hại với biển thế nào, cũng sẽ độc như vậy với đất, sông, môi trường sống trên cạn y như vậy.

Lượng chất thải khổng lồ được chôn lấp "tự nhiên" tại trang trại "ma"

Một điều đặc biệt là địa điểm chôn lấp loại chất thải này nằm phía trên thượng nguồn sông Trí và cách không xa đập tràn, cung cấp nước cho hàng ngàn hộ dân, ông nghĩ sao về điều này?

Trong nguồn nước thải từ xử lý nước thải công nghiệp bao giờ cũng có những thành phần hóa chất độc hại như tôi nói kể trên. Nước thải liên quan tới hữu cơ thì sẽ có mùi hợp chất hữu cơ, bốc mùi hôi thối, đó là cái ảnh hưởng đầu tiên.

Còn việc chôn lấp gần nguồn nước chắc chắn sẽ nguy hại, đặc biệt nếu như chôn lấp không đảm bảo kỹ thuật. Có thể nguồn chất thải này sẽ ngấm theo nước ngầm, hòa vào nước sông, vào nước sinh hoạt của người dân.

Một vấn đề nữa không loại trừ là khi mưa lớn, nước mưa chảy tràn khỏi bể chứa chất thải này sẽ gây vỡ đập, ảnh hưởng đến dòng sông… đến lúc đó, thì tác hại không thể lường được.

Ông đánh giá thế nào về trách nhiệm cơ quan chức năng ở đây, nhất là khi việc chôn lấp chất thải lại diễn ra ở trang trại của Giám đốc công ty môi trường đô thị thị xã kỳ Anh?

Về mặt quản lý thì tôi cho rằng sở TNMT Hà Tĩnh sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi với người dân. Họ có cho phép công ty này dựng bãi chôn lấp chất thải hay không. Nếu việc chôn lấp không phép thì sẽ phải đưa ra xử lý trước pháp luật hình sự.

Bây giờ chúng ta có luật hình sự sửa đổi, trong đó, các loại tội phạm về môi trường cũng được quy định rất rõ. Nhiệm vụ bây giờ của các cơ quan chức năng là phải kiểm tra xem việc tạo bãi chôn lấp này có được phép không, được phép trong trường hợp nào, có đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có đảm bảo an toàn không? Ai thực hiện sai, sai đến đâu thì sẽ phải chịu trách nhiệm đến đó.

Nhiều cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc

Việc chôn lấp chất thải nhà máy, trong đó có chất thải dạng bùn nhão tẩy rửa đường ống, thông thường trên thế giới sẽ được xử lý như thế nào?

Loại chất thải từ công nghiệp, nhất là chất thải tẩy rửa rất nguy hại, người ta có nhiều cách để xử lý. Chôn lấp chỉ là biện pháp cuối cùng, tối thiểu.

Các biện pháp an toàn khác như bê tông hóa chất thải nguy hại hoặc những chất thải dễ đốt thì có thể đưa vào lò đốt kỹ thuật. Việc bê tông hóa có thể hiểu nôm na như biến chất thải thành dạng đá cứng để lưu, không cho nó di chuyển.

Có rất nhiều cách để xử lý chất thải, tuy nhiên tất cả các cách đều rất tốn tiền. Vì vậy, việc các doanh nghiệp tìm cách trốn, xả trực tiếp ra môi trường một cách lén lút là điều rất dễ hiểu. Và nhất là nếu được sự bật đèn xanh của các cơ quan, cá nhân giữ cương vị quản lý thì họ không ngại gì mà không trốn.

Sau đó, đương nhiên, lợi nhuận cũng sẽ chia cho những cá nhân giữ cương vị đặc biệt này. Đây là vấn đề rất nghiêm túc và khẩn thiết, cần phải xem xét chặt chẽ.

PGS-TS Lưu Đức Hải- giảng viên cao cấp, khoa môi trường- ĐH KHTN- ĐH quốc gia Hà Nội

Nếu như việc chôn lấp đúng kỹ thuật thì sao?

Có những loại chất thải khi chôn lấp 100 năm thì sẽ không sao, một số chất sẽ phân hủy như fenol, xianua,… tuy nhiên các loại kim loại nặng như đồng, sắt thì nó vẫn giữ nguyên. Mà chắc gì, bãi chôn lấp giữ đúng yêu cầu kỹ thuật được 100 năm?

Tôi nhấn mạnh một lần nữa, việc cho phép xả thải, chôn lấp trên đất trang trại của ông Giám đốc công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh có được phép hay không? Nếu ông này bao che, lén lút thì rõ ràng vi phạm pháp luật, cần phải xử lý thật nặng để làm gương.

Thông thường trên thế giới, quy trình chôn lấp những chất thải được phép chôn sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Để chôn lấp thì người ta phải thực hiện rất nhiều biện pháp kỹ thuật. Đặc biệt là khâu chống thấm nước ngầm. Phải thiết kế bể chống thấm như thế nào, có các tầng như tầng đất sét chống nước ngầm, tầng vải kỹ thuật để hoàn toàn bảo vệ tầng đất sét ấy, phải có bể ngoài thành bê tông để giữ.

Sau khi chôn lấp thì phải phủ đất như thế nào, trồng cây nào cho phù hợp. Đó là cả một quá trình rất lâu dài. Vì lợi nhuận, người ta cũng có thể lén bỏ qua một số bước.

Đặc biệt, sau khi chôn lấp xong, người ta vẫn phải thường xuyên theo dõi bãi chôn lấp. Phải cắm các máy đo, các đầu dò đo chỉ số an toàn với môi trường xung quanh để người dân được biết và cũng tiện bề theo dõi.

Với những chất thải nguy hại, chúng ta không thể lơ là được.

Xin cảm ơn ông!

Theo Người đưa tin

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến