Dòng sự kiện:
Gặp ông Pó – người có công đưa thi thể đồng bào Mông vào... quan tài
12/02/2021 13:03:57
Trong mấy chục năm làm Phó Bí thư huyện Huyện ủy Mường Lát (Thanh Hóa), thành công lớn nhất của ông Lâu Minh Pó là đã tiên phong phong trào đưa thi thể người Mông vào... quan tài. (!!)

Chuyện khó tin nhưng có thật

Một chiều cuối năm 2020, PV tạp chí Người đưa tin pháp luật có dịp gặp ông Lâu Minh Pó - nguyên Phó Bí thư huyện ủy Mường Lát - khi ông vừa nghỉ hưu. Sau mấy chục năm làm công việc Nhà nước, ông Pó trở về bản Phá Đén, (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) sống giữa đồng bào người Mông của mình.

Đối với ông Pó, dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp công tác của mình có lẽ là hành trình xóa bỏ hủ tục tang ma của người Mông. Từ thuở là một thanh niên người Mông đang còn đi học cho tới lúc trở về quê hương làm cán bộ, ông luôn đau đáu nỗi niềm làm sao để xóa bỏ rào cản, thay đổi nhận thức của đồng bào, giúp họ thoát cảnh nghèo đói và lạc hậu.

Ông Lâu Minh Pó, người có công đổi mới văn hóa của người H'Mông

Ông Pó kể, trước kia, mỗi khi có một người trong bản khuất núi, thi thể được người thân đặt lên cáng tre rồi treo lên vách nhà để cúng bái đến 7 ngày, thậm chí cả chục ngày trước khi đem chôn cất. Cùng với đó, mỗi người con của người quá cố phải làm thịt một con trâu hoặc bò để đưa tiễn linh hồn bố/mẹ về nơi chín suối.

Họ quan niệm, càng nhiều của cải thì càng thể hiện lòng hiếu thảo với người chết. Mỗi lễ tang như vậy không chỉ mất vệ sinh mà còn trở thành gánh nặng kinh tế cho các gia đình, trong khi hầu hết người Mông còn rất nghèo.

Tìm hiểu nhiều tài liệu nghiên cứu về tập tục của người Mông, ông Lâu Minh Pó được biết tổ tiên người Mông cũng từng dùng quan tài để khâm liệm người chết. Nhưng trong lịch sử, bị kẻ thù truy đuổi, người Mông trên đường trốn chạy đã không kịp tìm áo quan mà đem thi thể đi chôn. Dần dà, điều này trở thành tục lệ để các thế hệ sau cứ thế tiếp nối.

“Tôi mang lý lẽ này đi thuyết phục những già làng, trưởng họ trong bản nhưng không được. Bà con nói rằng nếu làm trái phong tục của người Mông thì dòng họ sẽ bị Giàng quở phạt, bị ma rừng, ma núi bắt đi”, ông Pó kể.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2013, khi chú ruột ông Pó là ông Lâu Chứ Dơ qua đời, ông cho gọi các anh em trong họ đến để bàn việc đóng quan tài khâm liệm cho chú trước khi làm tang ma. Ông muốn chớp cơ hội này tiên phong làm gương cho đồng bào, để thuyết phục họ thay đổi hủ tục đeo bám từ bao đời nay.

Khi nghe ông Pó nói, cả họ kịch liệt phản đối, trong đó ông Lâu Chơ Dia – bố đẻ ông Pó - là người phản đối kịch liệt nhất. “Bố chỉ mặt chửi mắng tôi là thằng bất hiếu với tổ tiên, đi ngược lại với phong tục của dân tộc, bảo tôi vì muốn thăng quan tiến chức mà trái với ý thần linh, để ma rừng, ma núi bắt cả họ đi. Nhưng tôi vẫn không thay đổi quyết định, lấy tư cách là cháu trưởng trong nhà buộc các thành viên chấp nhận khâm liệm xác chú vào quan tài, sau đó mới làm lễ cúng”, ông Pó nhớ lại.

Xong việc đó, ông Pó lại phải kiên trì thuyết phục họ hàng không mổ nhiều trâu, bò mà chỉ giết thịt một con lợn khoảng 80 kg với dăm con gà để làm lễ cúng cho chú. Mặc dù muốn tổ chức chôn cất chú trong vòng 24 giờ đồng hồ, nhưng vì nhiều người giận ông ra mặt, nên ông Pó đành nhượng bộ, để quan tài chú đến ngày thứ 3 ba thì đem đi chôn cất.

“Từ sau đám tang ấy, bố không nhìn mặt tôi. Họ hàng và xóm làng thì bàn ra tán vào bảo sau 3 tháng tôi sẽ chết vì bị ma rừng bắt đi. Nhưng tôi không sợ, tôi bảo mình đã có Đảng và Nhà nước bảo vệ rồi không sao hết. Sau hơn nửa năm, thấy tôi vẫn không bị làm sao thì mọi người mới nguôi ngoai và bắt đầu tin theo”, ông Lâu Minh Pó nói.

Thành quả của sự kiên trì

Sau đám tang chú ruột, ông Pó tiếp tục đi khắp nơi vận động, tuyên truyền bà con xóa bỏ tập tục tang ma cũ. Ông cho họp các trưởng họ để nói chuyện, lấy câu chuyện đám tang chú ruột ra để làm gương. Trước lý lẽ thuyết phục của ông, có 3 dòng họ ủng hộ để làm theo; 5 người Mông sau đó qua đời cũng được đưa vào quan tài, nhưng vẫn còn nhiều người bảo thủ chưa chịu nghe theo.

Một trong những đám tang kiểu mới của người H’Mông huyện Mường Lát

Những nỗ lực của ông Pó được chính quyền cấp trên rất quan tâm. Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa ban hành đề án “Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào H’Mông”. Theo đề án này, mỗi gia đình có người chết sẽ được chính quyền hỗ trợ 8 triệu đồng, gồm 5 triệu đồng mua quan tài, 3 triệu đồng tổ chức đám tang.

Được chính quyền ủng hộ, với tiếng nói uy tín của mình, ông Pó tiếp tục vận động, tuyên truyền đến rộng rãi người Mông ở huyện Mường Lát. Ông không quản ngại khó khăn, lặn lội đi khắp các bản làng có người Mông để tuyên truyền. “Mưa dầm thấm lâu”, lại thấy đám tang kiểu mới sạch sẽ, tiết kiệm, mà lại được tiền, dần dà bà con cũng hưởng ứng. 

“Xóa bỏ hủ tục thành công, cũng phải kể đến những người ban đầu ủng hộ tôi nhiệt tình như anh Hơ Chứ Hơ (SN 1962) và anh Hơ Chứ Xá ở bản Cá Nọi. Khi anh rể của Xá qua đời, anh Xá đã khuyên chị dâu đưa vào quan tài thành công. Sau dòng họ Hơ, các họ các thấy cách làm như vậy rất tốt nên cũng lần lượt làm theo. Đến nay, tất cả các tang lễ người Mông đều theo nếp sống mới”, ông Pó vui vẻ bởi tâm nguyện lớn của mình đã hoàn thành trước khi về nghỉ hưu.

Khi đã không còn “làm quan”, trở về sống giữa bản làng, ông Pó chỉ còn mong mỏi làm sao để người Mông không còn tảo hôn, mạnh dạn làm kinh tế giỏi để vươn lên thoát nghèo, bắt kịp các dân tộc anh em khác.

Đặc tính dân tộc Mông ở Thanh Hóa

Ở các vùng miền núi thuộc tỉnh Thanh Hóa hiện nay có gần 1,1 triệu người thuộc 28 dân tộc cùng chung sống từ lâu đời. Ngoài dân tộc đông nhất là dân tộc Kinh chiếm 43%, Mông là một trong sáu dân tộc đông người ở Thanh Hóa.

Dân tộc Mông ở Thanh Hoá hiện có gần 2.400 hộ với gần 15.000 người, sinh sống ở 46 bản làng, 6 xã thuộc 3 huyện: Quan HoáHóa, Quan Sơn và Mường Lát. Người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc Việt Nam vào Thanh Hoá Hóa khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Họ nổi tiếng về nghề rèn, nghề đúc, đan lát, dệt vải, làm đồ trang sức... nhưng cũng có một số hủ tục trong đó có tục để người chết nằm trên cái “neeg tuag” - tượng trưng cho con ngựa đưa người chết về với tổ tiên; giết nhiều trâu, bò, lợn, gà để người chết “mang” đi theo về thế thế giới bên kia.


Lương Diễn
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến