Khu nhà ở xã hội Mê Linh-Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Hà Nội). (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Cả nước hiện đang triển khai gần 300 dự án nhà ở xã hội và nguồn cung sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Mới đây, sau vụ cháy "chung cư mini" tại Hà Nội, một lần nữa, vấn đề xây nhà ở giá rẻ, nhà cho người thu nhập trung bình và thấp, lại một lần nữa được đặt ra.
Giá rẻ chính là yếu tố cơ bản để "chung cư mini" hút khách dù nhiều người cũng nhận thấy yếu tố an toàn phòng cháy bị xem nhẹ. Nếu những căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội được phát triển nhanh và nhiều thì người thu nhập thấp sẽ không phải tính đến chuyện mua căn hộ "chung cư mini" để ở như một giải pháp tạm thời.
Hơn nữa, thực tế, để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội cũng không phải dễ với nhiều người, nhất là khâu thủ tục. Mặc dù nhà ở xã hội là hướng đến những đối tượng có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân các khu công nghiệp tập trung... nhưng muốn đáp ứng các quy định để đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội vẫn khiến nhiều người gặp khó.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng cần “nới lỏng” quy định để mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Việc nới lỏng quy định triển khai và bán nhà ở xã hội sẽ tránh tình trạng doanh nghiệp làm ra sản phẩm nhưng không bán được, trong khi người dân có nhu cầu thì đợi mòn mỏi vẫn không mua được nhà.
Nhất là hiện nay, một số điều kiện được mua nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản liên quan đã không còn phù hợp với thực tiễn, cần được thay đổi.
Hiện tại đang có 3 tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội là cư trú, thu nhập và diện tích nhà ở. Nhưng theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), đã đến lúc cần điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội. Đồng thời, cần nới một số điều kiện về cư trú, thu nhập để người có nhu cầu tiếp cận được và thực hiện mua nhà ở xã hội dễ dàng hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, Chính phủ trình, đã được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 8 nhóm chính sách; trong đó, có nhóm chính sách quan trọng về phát triển nhà ở xã hội. Đây cũng chính là những điểm mới trong Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đặc biệt, về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong xác định đối tượng mua loại hình nhà ở này. Trong dự thảo trước đây có 3 tiêu chí gồm cư trú, thu nhập và nhà ở thì dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú. Như vậy, công dân Việt Nam chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City (huyện Đông Anh, Hà Nội). (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Cùng đó, điều kiện về thu nhập cũng được xem xét theo hướng mở rộng, nâng lên xem xét ở mức thu nhập cao hơn. Điều kiện về nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10 m2 thì mới là đối tượng nhưng nay có thể xem xét lên 15 m2/người, giống như một số nước trong khu vực - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.
Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi Luật Nhà ở bảo đảm thống nhất với các pháp luật khác liên quan như pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính sẽ là khơi thông, phát huy các nguồn lực và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Riêng nhóm chính sách về nhà ở xã hội, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thống nhất sẽ có hiệu lực ngay sau khi dự án Luật được Quốc hội thông qua.
Việc dành quỹ đất cho nhà ở xã hội cũng sẽ khắc phục các tồn tại trước đây, cụ thể là yêu cầu chỉ dành 20% trong các dự án nhà thương mại ở đô thị từ loại III trở lên. Nhưng dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình kế hoạch đã duyệt.
Như vậy, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại hoặc bố trí dự án độc lập, đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Đáng chú ý, nhóm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội cũng được làm rõ nhằm thu hút nhiều hơn nữa nhà đầu tư tham gia phát triển loại hình nhà ở này. Theo đó, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, hưởng lợi nhuận 10%, được dành 20% diện tích đất thương mại dịch vụ để đầu tư các tiện ích cũng như các dịch vụ thương mại để phục vụ các cư dân trong khu vực dự án.
Ngoài ra, họ còn được vay nguồn vốn ưu đãi với lãi suất ưu đãi thông qua các ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội... Đồng thời, sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhất là chính sách về đầu tư, thủ tục giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
“Với những sửa đổi trong dự thảo Luật Nhà ở, thời gian tới sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhấp nhập thấp ở đô thị, cán bộ công chức, công nhân lao động trong các khu công nghiệp...” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định./.
Tác giả: Thu Hằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- NHÀ CHO THUÊ NGUYÊN CĂN K1 PHAN RANG
- Bảng giá chuyển nhà trọn gói Kiến Vàng Hà Nội
- thám tử hà tĩnh
- Rèm cuốn tự động giá rẻ
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy