Dòng sự kiện:
Giành giật sự sống trong lũ dữ: Nỗi ám ảnh của những người trở về từ cõi chết
23/10/2017 07:40:38
Trận lũ qua đi không chỉ tang thương mất mát về người và tài sản, nó còn để lại kí ức kinh hoàng đối với những người còn sống sót sau cuộc vật lộn với dòng lũ dữ.

Có những cụ già sống đến hơn nửa thế kỉ như cụ Lương Xuân Quỳnh (80 tuổi), thôn Cạn, xã vùng biên Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) vẫn chưa từng chứng kiến trận lũ nào lớn và tàn phá khủng khiếp như trận mưa lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra thời gian vừa qua.

Lũ đến nhanh và cũng đi nhanh, tuy nhiên, hậu quả của nó lại vô cùng nặng nề và phải mất thời gian rất lâu để người dân gây dựng lại cuộc sống mới. Đối với những người nghèo vùng núi giáp biên, đó có thể là một quá trình dài bằng cả đời người.

 
Ngôi nhà gia đình chị Thủy bị lũ cuốn khiến 2 người mất mạng 

Vẫn còn chưa hết bàng hoàng và ám ảnh, chị Lê Thị Thủy ở bản Chiềng, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) nhớ lại, vào đêm 11/10, thấy mưa lớn dữ dội bất thường, cả 5 gia đình anh em tập trung về nhà chị Thủy để tránh lũ, vì đây là ngôi nhà kiên cố nhất so với nhà của các anh em. Nhưng thật không may, ngôi nhà này lại nằm trong dòng chảy của lũ.

“Trên đỉnh núi phía sau nhà tôi bị sạt lở tạo thành khối đất khổng lồ như một con đê ngăn dòng nước lại. Nhưng chỉ vài phút sau vì sức nước quá lớn, khối đất ấy bị vỡ bung ra, tạo thành dòng lũ lớn không gì cản nổi băng qua nhà tôi. Lúc đó 2 em rể là Lê Sỹ Kế và Lê Văn Toàn bị cuốn phăng đi. Nhưng chú Toàn nhanh chóng bơi được vào bờ, chú Kế bị trôi mấy chục mét cũng túm được cái cột của chợ đối diện nhà nên giữ được tính mạng. Nước trên cao cuốn xuống dữ dội đã làm sập sàn nhà, tiếp tục cuốn trôi 5 người trong đó có tôi, 2 em ruột Lê Thị Hà, Lê Thị Hường, em rể Hoàng Văn Hưng và cháu gái Hoàng Thị Như Ý - con gái em Hưng và Hường”, kể đến đây, chị Thủy khóc nghẹn.


 
Nhà bà Tuyên chỉ còn sót lại một căn chòi đựng củi khô

Nước lũ đã cuốn trôi hai người em là Hà và Hưng, 6 giờ sáng ngày hôm sau thì tìm vớt được thi thể của Hà, về phần Hưng thì bị lũ cuốn trôi 3km xuống xóm dưới, nhưng cố bò lên bờ và được người dân cứu giúp.

Anh Hiệp, chồng chị Thủy cho biết thêm: “Gia đình chúng tôi nhanh chóng đưa Hưng đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, vì vết thương quá nặng, nội tạng bị dập tổn thương nặng nề nên em Hưng đã không thể qua khỏi. Việc đưa thi thể em Hà về quê chồng và em Hưng đi cấp cứu cũng vô cùng khó khăn. Bởi lúc đó, các con đường đều bị cô lập, đoạn thì ngập nước, đoạn thì sạt lở. Chúng tôi phải thuê máy múc, xe tải đi trước dọn đường thì xe chở 2 em mới đi qua được”.

 
Những chú lợn may mắn còn sót lại sau cơn lũ

Sau một hồi trấn tĩnh, chị Thủy kể tiếp: “Khi bị lũ cuốn, tôi vẫn ôm cháu Như Ý trong tay, có 3 lần suýt nữa thì cháu đã tuột khỏi tay tôi. Tôi bị xoáy trong dòng lũ, bị dây rừng quấn chặt chân phải. Anh em xuống lôi tôi ra mà không được, mọi người định chặt bỏ chân đó đi, nhưng dòng nước xoáy mạnh nên không tài nào chặt được chân. Trong lúc nguy nan ấy, mọi người hỏi tôi, chúng tôi sẽ lôi mạnh chị, nếu đứt đoạn nào thì chị cũng cố gắng chịu đựng. Không còn thời gian lựa chọn nên tôi đồng ý. Nhờ vậy, mọi người dồn sức kéo mạnh, cứu được tôi thoát khỏi dòng nước lũ”.

Nhìn cơ ngơi của hai vợ chồng cả đời làm lụng để gây dựng, giờ đây chỉ còn sót lại một con chó và một ổ lợn con, bà Lang Thị Tuyên (57 tuổi), xóm Suối Muống, thôn Chiềng, xã Bát Mọt không cầm được nước mắt: “Đêm đó, nước lũ đến nhanh quá làm chúng tôi không kịp trở tay, lũ cuốn phăng cả căn nhà cùng mọi đồ đạc như ti vi, máy sát, máy cày...

4 con trâu tôi thả trên rừng cũng không tìm thấy nữa, cũng bị lũ cuốn mất rồi. Thế là trắng tay rồi. Năm ngoái gia đình tôi vừa thoát khỏi hộ nghèo, giờ lại tái nghèo rồi. Chồng tôi đang phải đi chữa trị bệnh tim, vì mưa lũ nên bỏ viện về để ứng phó. Nhưng chứng kiến cảnh này, ông ấy lại tái phát bệnh và phải đi cấp cứu tiếp. Không biết rồi đây lấy cái gì ăn và chữa bệnh cho chồng đây”. 

 
Người dân nhặt nhạn những gì còn sót lại sau trận lũ

Trong 10 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà xã miền núi giáp biên Bát Mọt ngày càng thay da đổi thịt. Đồng bào không còn đói ăn và sống nhờ cứu trợ của nhà nước như trước nữa, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm y tế… cũng được đầu tư xây dựng. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo để vươn lên. Thế nhưng, sau trận lũ vừa qua, nhiều hộ dân lại trở về tay trắng.

Toàn xã có 58 ngôi nhà bị sập, đất đá vùi lấp, hàng trăm ngôi nhà bị sạt lún, nhiều diện tích hoa màu của bà con bị cuốn trôi và có nguy cơ không thể sản xuất lại được do bị đất đá vùi lấp. Nhiều hộ khá giả trở thành hộ nghèo, còn những hộ nghèo thì trở nên kiệt quệ sau trận lũ đi qua.

Ông Lang Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Bát Mọt cho biết, trận mưa lũ đã khiến địa phương thiệt hại nặng nề, khiến 2 người chết, 2 người mất tích cho tới nay vẫn chưa tìm thấy; 15 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; 43 ngôi nhà bị đất vùi lấp; 25 ngôi nhà bị ngập và hàng trăm ngôi nhà bị sụt lún, nứt toác. Hơn 57 ha diện tích lúa bị đất đá vùi và không có khả năng khôi phục, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, nhiều tuyến đường giao thông, kênh mương bị hư hỏng nặng.

“Có khả năng hơn 80% người dân trên địa bàn sẽ lâm vào tình cảnh thiếu đói, nhiều người dân bản vừa thoát nghèo giờ lại tái nghèo”, ông Thọ trăn trở.

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, hậu quả của mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vừa qua tại Thanh Hóa có tổng thiệt hại ước tính khoảng 2.990 tỉ đồng. 

Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng/gia đình có người chết, 25 triệu đồng/gia đình có nhà bị sập hoàn toàn, các thiệt hại khác về nông nghiệp hỗ trợ theo quy định của nhà nước.

 Lương Diễn

 

 


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến