Dòng sự kiện:
Giáo sư Mỹ: NATO chỉ muốn Nga tan rã
27/12/2015 14:07:05
ANTT.VN – “Sau sự giải thể của Liên Xô, mục đích tồn tại của NATO giờ đây là dần siết chặt vòng vây đối với Nga, sau đó gây chia rẽ, bất ổn nhằm làm tan rã quốc gia rộng lớn này”.

Tin liên quan

Một binh sĩ Litva (cựu thành viên Liên bang Xô Viết) đứng cạnh cờ hiệu của NATO trong một cuộc họp của tổ chức này tại Vilnius, Litva hồi tháng 9. Ảnh: Reuters

Đầu tháng 12, Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức mời Montenegro, một cựu thành viên Liên bang Nam Tư, gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới, đánh dấu một bước dài trong chiến lược hướng đông của mình.

“Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO được chính thức thành lập vào ngày 4/4/1949, với các thành viên sáng lập bao gồm  Mỹ, Canada, Pháp, Italia, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Đan Mạch, Iceland, Na Uy và Bồ Đào Nha, với mục đích chống lại Liên bang Xô Viết vào thời điểm đó, cũng như Cộng hòa Liên bang Nga sau này”, Gary Leupp, giáo sư lịch sử tại trường ĐH Tufts, Massachusetts, viết trên tờ Counterpunch.com.

Vị học giả từ Mỹ nhấn mạnh rằng Liên Xô là quốc gia có công lớn nhất trong việc “thổi bay” Đức Quốc Xã trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, chỉ 4 năm trước sự thành lập của NATO.

“8 triệu binh sĩ thiệt mạng, 12 triệu thường dân bị giết chết trong Thế chiến thứ Hai là những con số biết nói, khẳng định vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến này, so sánh với chưa tới 300 nghìn lính Mỹ ngã xuống ở châu Âu cũng như Thái Bình Dương”, ông nói.

“Vậy mà Washington lại nhanh chóng thành lập một hiệp ước quân sự chống lại quốc gia vốn một vài năm trước vẫn là đồng minh của mình, viện dẫn lo ngại về ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn của Liên Xô cùng Chủ nghĩa Cộng sản”.

Không ngừng mở rộng

NATO không ngừng mở rộng sau khi thành lập, lôi kéo Hy lạp và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1952, Tây Đức năm 1955. Cho tới lúc này, cảm nhận được mối đe dọa đang tăng lên từ Mỹ và đồng minh, Liên Xô cùng 7 quốc gia XHCN khác mới hình thành nên Hiệp ước Quân sự Warsaw gồm Liên Xô, Bulgaria, Séc, Đông Đức, Hungary, Ba lan, Romania và Albania năm 1956.

Tuy vậy, các hoạt động khiêu khích quân sự của Khối Warsaw là rất hạn chế so với NATO.

“Từ năm 1945 tới 1991 (năm chứng kiến sự sụp đổ của cả Liên Xô lẫn Khối Warsaw), người Mỹ đã tham gia vào 3 cuộc chiến lớn (Triều Tiên, Việt Nam và Vùng Vịnh), xâm lược Grenada và Panama, can thiệp quân sự vào Guatemala, CH Dominica, Li băng, Cuba, Lào, Nicaragua, Haiti cùng nhiều quốc gia khác”, vị giáo sư Mỹ nhấn mạnh.

Không dừng lại ở đó, trong cuộc chiến Liên Xô – Afghanistan những năm 80, Mỹ được cho là đã huấn luyện, tài trợ không tiếc tay cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan Mujahideen, tiền thân của tổ chức khủng bố khét tiếng Taliban sau này.

Các thành viên NATO (chưa có Mỹ, Canada và Iceland). Nguồn: Washington Post

“Những chiến binh cực đoan bài Xô Viết này sau đó được chào đón tại Nhà Trắng như những người hùng bởi đích thân Tổng thống Mỹ Reagan, người đã đối xử với họ như cha đỡ đầu“, vị giáo sư tiếp tục.

Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991 cùng sự giải tán của khối Warsaw, NATO vẫn không ngừng mở rộng, “nuốt trọn” nhiều quốc gia vệ tinh của Liên Xô trước đây, dần tiến sát về biên giới nước Nga.

GS Leupp dẫn lại câu nói của học giả Mỹ nổi tiếng George Kennan sau động thái gia nhập NATO của Ba Lan, Hungary và Séc năm 1998:

“Đây là một sai lầm chết người. Chẳng có bất cứ lý do nào để làm như vậy. Nhà Trắng cho thấy họ chẳng hiểu gì về lịch sử cũng như bản chất của người Nga. Chắc chắn sẽ có những phản ứng tiêu cực từ phía Điện Kremli, đồng nghĩa với việc căng thẳng giữa hai thế lực này sẽ không bao giờ chấm dứt”.

Dã tâm của NATO

NATO đương nhiên phớt lờ những bình luận kiểu này, tiếp tục mở rộng sang phía đông, sáp nhập một loạt quốc gia Baltic, và đang mời gọi Ukraine, Gruzia và mới đây nhất là Montenegro gia nhập liên minh quân sự này.

“Những biện hộ của NATO rằng sự tồn tại và mở rộng của họ không ảnh hưởng tới người Nga thật nực cười và lố bịch. Moscow rõ ràng đang dần bị bao vây về mọi mặt, từ địa lý, chính trị cho tới kinh tế”, vị giáo sư chỉ ra, đồng thời đặt ra câu hỏi:

“Washington thường buộc tội Nga đang gieo rắc bất ổn trên thế giới. Tuy nhiên ai mới là kẻ thực sự đang đóng vai này, khi mà chi tiêu quốc phòng của Nga chỉ bằng phần lẻ của Mỹ?”

Vậy tại sao Mỹ cùng NATO lại muốn siết chặt vòng vây với Nga tới vậy?

“Họ sẽ làm gì sau khi bao vây hoàn toàn Moscow? Tại sao NATO lại muốn làm vậy? Họ muốn một nước Nga kiệt quệ và kinh tế, mất ổn định về chính trị, qua đó tiếp tục chia cắt thành các quốc gia nhỏ hơn, tương tự biến cố 1991”, ông nhận định.

“Phải, mục đích cuối cùng của họ là làm tan rã nước Nga, một vùng đất rộng lớn với nguồn tài nguyên, khoáng sản vô tận”, vị giáo sư kết thúc bài báo, đồng thời mở ra câu hỏi rằng liệu có phải NATO mới là nguy cơ thực sự đối với hòa bình và ổn định của thế giới hay không!

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến