Tin liên quan
Phần II: Người Mỹ phải làm gì?
Xem phần I: Đừng “đùa” với Putin
Cuộc hội đàm đầy căng thẳng giữa Tổng thống Nga Putin và người đứng đầu Nhà Trắng B. Obama bên lề cuộc họp thượng đỉnh G-20 ngày 15/11 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Cem Oksuz/EPA
Bước ngoặt trong quan hệ Nga - Mỹ
Kể từ khi Nga triển khai quân tại Syria hồi cuối tháng Chín, chiến lược của Mỹ tại khu vực này vẫn là tránh đụng độ trên bầu trời, tăng cường hiện diện một cách cẩn trọng dưới mặt đất, đồng thời quan sát chặt chẽ mọi diễn biến từ phía Điện Kremli.
Tuy nhiên, vụ khủng bố hôm 13/11 tại Paris khiến hơn 140 người thiệt mạng đã thay đổi hoàn toàn toan tính của Washington và mở ra cánh cửa cho một mối quan hệ hợp tác Nga - Mỹ trong vấn đề Syria cũng như IS, khi mà chỉ vài ngày sau vụ khủng bố, tại cuộc họp thượng định G-20 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Obama và Putin trong một tuyên bố chung đã đồng ý ủng hộ một lộ trình hòa bình tại Syria.
Trong lúc này, miền Đông Ukraine đang được “đóng băng” thông qua một hiệp định ngừng bắn có hiệu lực từ đầu tháng Chín giữa quân Chính phủ và phe li khai - vốn được cho là do Nga hậu thuẫn, buộc cả hai bên đều phải rút vũ khí hạng nặng ra khỏi một vùng đệm phi quân sự được thiết lập sẵn.
Giới phân tích cho rằng một hiệp định ngừng bắn được thực hiện nghiêm túc cùng việc phe li khai miền Đông hoãn các cuộc bầu cử địa phương có thể giúp Putin tránh được những đòn trừng phạt tiếp theo của Mỹ và EU.
Như vậy, rõ ràng, ít nhất cho tới thời điểm này, Putin đã thành công trong việc khiến Washington phải xích lại gần Nga hơn.
Ngoài ra, với những bước đi dứt khoát gần đây, người đàn ông quyền lực nhất thế giới năm 2015 (theo Forbes) còn đạt được mục đích biến Nga từ một tên “đồ tể” trong khủng hoảng Ukraine trở thành “người hùng” trong cuộc xung đột Syria đối với cộng đồng quốc tế.
Binh sĩ thuộc Nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. Ảnh: TASS
Và khi mà Nhà Trắng đang cho thấy sự bối rối rõ rệt trong chiến lược của mình ở Syria trước sự xuất hiện của người Nga thì Putin, một mặt, chỉ trích những lỗ hổng trong chiến lược của Mỹ tại Syria, qua đó tạo điều kiện giúp IS nổi lên mạnh mẽ trong thời gian qua, tuy nhiên mặt khác lại bỏ ngỏ cơ hội thành lập một liên minh chống IS giữa Nga, Mỹ và phương Tây.
Trong một bài phát biểu hồi tháng trước, Putin nói rằng: “Bằng cách thu hẹp, dung hòa khác biệt, Syria có thể trở thành một kiểu mẫu trong mối quan hệ giữa các nước lớn với nhau”.
Tuy nhiên vấn đề không chỉ đơn giản như vậy!
Như đã nói ở phần trước, khác với cuộc chiến Afghanistan năm 2001, Moscow và Washington không đạt được đồng thuận trong việc xác định kẻ thù chung trong khủng hoảng Syria hiện nay.
Mặc dù cả hai đều xem IS là mối nguy lớn nhất, Nga đã và đang tiến hành không kích các nhóm phiến quân “ôn hòa” - vốn được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn. Ở chiều ngược lại, Washington luôn khẳng định rằng chế độ Assad là trở ngại lớn nhất trong lộ trình hòa bình ở Syria.
Đây là những khác biệt mang tính ý thức hệ cũng như ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi của từng quốc gia. Do đó mặc dù cả hai đều muốn mở ra một lối thoát trong vấn đề Syria, giới phân tích cho rằng sẽ rất khó để cả Nga và Mỹ chịu nhượng bộ, ít nhất là trong ngắn hạn.
Người Mỹ phải làm gì?
Trong một năm nhiệm kì còn lại của Obama, vấn đề Syria và Ukraine sẽ đóng một vai trò then chốt quyết định mối quan hệ Nga - Mỹ. Tại Ukraine, trạng thái duy nhất có thể khiến tất cả các bên tạm thời hài lòng là “đóng băng xung đột”. Trong khi đó, xác suất tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria là rất nhỏ, khi mà hợp tác trực tiếp về mặt quân sự gần như là không thể.
Thậm chí, nếu Mỹ có tìm ra một cách thức hiệu quả đối phó với những bước đi của Nga ở Syria, hay thậm chí có hợp tác được với người Nga đi chăng nữa, thì cũng không có bất cứ đảm bảo nào rằng Putin sẽ không tăng cường hiện diện quân sự ở những điểm nóng khác trên thế giới.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cùng người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Moscow ngày 29/8/2014. Ảnh: AP
Người đứng đầu Điện Kremli đã làm phương Tây “ngã ngửa” hai lần trong những năm qua và với độ “điên” của mình, không ai dám chắc Putin còn có bao nhiêu toan tính khác, nhất là khi Iraq đã úp mở rằng họ có thể sẽ cần tới sự giúp đỡ của Nga trong cuộc chiến chống IS.
Khi được hỏi hồi tháng Mười liệu Nga có ý định triển khai quân đội ở Iraq hay không, Putin trả lời rằng Moscow chưa nhận được lời đề nghị chính thức từ Baghdad. Tuy nhiên, ông khẳng định không chỉ Iraq, mà nếu tình hình xấu đi tại Afghanistan hay tại bất cứ quốc gia Trung Á nào khác, thì Điện Kremli hoàn toàn không loại trừ biện pháp can thiệp quân sự nhằm bảo vệ biên giới nước này khỏi mối hiểm họa IS.
Đối với Mỹ, người kế nhiệm Obama sẽ phải xác định lại lợi ích của Mỹ tại Syria cũng như Ukraine, đánh giá mức độ những bước đi của Nga ở trong khu vực, quyết định khi nào và ở đâu Washington nên hợp tác với Moscow.
Kể từ sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, bốn đời Tổng thống Mỹ đã cố gắng “làm mới” mối quan hệ với Nga cũng như tìm ra một cách thức hiệu quả hơn để tương tác với Moscow. Cả hai mục tiêu này đều chưa bao giờ thành công.
Washington đã thất bại trong việc ép buộc người Nga chấp nhận trở thành một phần trong trật tự thế giới đơn cực của họ. Bởi vậy thế hệ Tổng thống mới của Mỹ không nên “xếp” Nga vào “chiếu dưới” như xưa nay họ vẫn làm, thay vào đó nên tìm được sự đồng thuận trong các vấn đề mang tính lợi ích chung, như vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên hay quản lý nguồn lực Bắc Cực.
Ngoài ra, Nhà Trắng nên dừng việc xem Điện Kremli như kẻ thù lớn nhất của mình, chấm dứt các hành động bao vây, cấm vận đối với kinh tế Nga, bởi quá trình lịch sử đã chứng minh rằng người Nga chỉ trở nên đáng tin cậy và dễ dàng hợp tác nhất khi họ cũng được đối xử theo cách đó.
Hết!
Nghi Điền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy