Dòng sự kiện:
Putin: Khi người “điên” nổi giận (P1)
18/12/2015 12:04:06
ANTT.VN – Đang vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất hàng chục năm, nước Nga lại một lần nữa khiến phương Tây “ngã ngửa” khi triển khai quân đội, quyết định đóng luôn một vai chính trong “vở kịch” mang tên Syria.

Tin liên quan

Mối quan hệ Putin-Obama chưa bao giờ lặng sóng. Ảnh: Reuters

Phần 1: Đừng “đùa” với Putin

Cuối tháng 9, Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria, lấy danh nghĩa tiễu trừ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đánh dấu bước đi trực tiếp bằng quân sự đầu tiên của Moscow ở Trung Đông kể từ cuộc chiến Afghanistan hồi thập niên 80.

Đây không phải lần đầu tiên Điện Kremli khiến Mỹ cùng đồng minh “ngã ngửa” như vậy. Tháng 3 năm 2014, hình ảnh những binh sĩ không đeo phù hiệu được trang bị “tận răng” ở bán đảo Crimea - được cho là lính thủy đánh bộ của Moscow - đã ngập tràn trên khắp các mặt báo phương Tây, cho thấy một sự “lột xác” ngoạn mục của quân đội Nga sau những màn trình diễn kém cỏi trong cuộc chiến Gruzia năm 2008 hay xa hơn là 2 cuộc chiến Chechnya cuối thế kỉ trước.

Điều khiến người ta phải bất ngờ là việc các hoạt động quân sự - vốn tiêu tốn rất nhiều tiền của - lại được Moscow triển khai trong bối cảnh nước này đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong nước. Giá dầu lao dốc cùng chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ và phương Tây không hẹn mà gặp, đẩy Nga vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất thời kì hậu Xô Viết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể gọi Moscow là một “con gấu già nua trong cái cũi Đông Âu”, nhưng hành động can thiệp vào Syria thời gian qua một lần nữa khẳng định Nga chưa bao giờ muốn đóng một “vai phụ” trong các vấn đề mang tính toàn cầu.

Một binh sĩ được cho là thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Nga tại Crimea, tháng 3/2014. Ảnh: Reuters

Đây sẽ là thử thách không hề nhỏ không chỉ đối với phần còn lại trong nhiệm kì của Obama mà còn đối với các đời Tổng thống tiếp theo của người Mỹ.

Tại sao Washington lại quá chậm chạp trong việc nắm bắt tham vọng của người Nga tới vậy, khi mà Tổng thống Putin đã không hề giấu diếm quan điểm của điện Kremli?

Tháng 2/2007, trong Hội nghị An ninh Munich, Putin đã cảnh báo rằng “người Mỹ đừng hòng tiến sát về phía biên giới nước Nga” - trong bối cảnh Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng kết nạp nhiều hơn các thành viên thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu trước đây, đồng thời thề rằng sẽ thay đổi trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ luôn muốn hình thành kể từ sau thời kì Chiến tranh lạnh.

Chiến lược sai lầm của người Mỹ?

Nói là làm, cuộc chiến ngắn ngủi với Gruzia năm 2008 cho thấy Moscow không hề ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự nhằm ngăn chặn những người hàng xóm của họ ngả theo phương Tây, đảm bảo duy trì ảnh hưởng ở các nước cộng hòa vốn thuộc Liên Xô cũ (Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG).

Và trong bối cảnh cả nước Mỹ đang bước vào một kì bầu cử tổng thống được dự đoán sẽ đặc biệt căng thẳng, Nhà Trắng trước và sau sự kiện trên đều sẽ phải đối mặt với hai chướng vật lớn trong mối quan hệ với người Nga:

Đầu tiên, họ cần xác định được Nga đang thật sự muốn gì ở Syria và Ukraine. Thứ hai, “triều đại” của Putin được dự báo còn lâu nữa mới chấm dứt. Do vậy Washington phải tìm ra giải pháp hiệu quả trong mối quan hệ với người đàn ông này - một nhiệm vụ mà nước Mỹ chưa bao giờ làm tốt trong 15 năm qua.

Chung quy lại, bất luận ai là người kế nhiệm Obama đều phải biết rằng tiếp tục cô lập Nga sẽ chỉ là hành động vô ích và phản tác dụng.

¼ thế kỉ qua đã cho thấy Moscow và Washington chỉ có thể hợp tác một cách hiệu quả khi người Nga cảm thấy họ được đối xử ngang bằng với đối tác của họ, thể hiện qua thành công của các hiệp định cắt giảm vũ khí chiến lược START.

Tương tự, mặc dù gặp rất nhiều khác biệt, hai quốc gia cuối cùng cũng đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử trong vấn đề hạt nhân Iran. Vai trò của Putin trong quá trình đàm phán lớn tới nỗi Obama trong một lần hiếm hoi đã phải buông lời khen ngợi người đứng đầu Điện Kremli.

Tổng thống Putin bên cạnh phi cơ T-50 PAK FA - tương lai của không lực Nga. Ảnh: RT

Ngoài ra, Moscow và Washington cũng có thể làm việc cùng nhau khi họ có chung lợi ích. Vào mùa thu năm 2001, Moscow đã hỗ trợ các chiến dịch của Mỹ tại Afghanistan bằng cách cung cấp thông tin tình báo, góp phần giúp Mỹ đánh bại Taliban.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nga Igor Ivanov tuyên bố vào thời điểm đó rằng “Chúng tôi muốn thành lập một một liên minh quốc tế chống khủng bố như đã làm với chủ nghĩa Phát xít. Đây sẽ là nền tảng của một trật tự thế giới mới”.

Ý tưởng của người Nga cho đến bây giờ vẫn vượt ra ngoài tầm với của họ. Khi mà trên thực tế Nga và Mỹ đang không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hợp tác chống khủng bố, chủ yếu bởi cái cách họ định danh khái niệm “khủng bố” – một vấn đề không hề mới khi mà nhiều nhóm phiến quân “ôn hòa” được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn tại Syria lại bị Nga cho ngồi “chung mâm” với IS.

Tuy nhiên, khác biệt giữa hai cường quốc lại được thể hiện lớn nhất qua vấn đề mở rộng của Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), khi mà tổ chức này liên tục sáp nhập các quốc gia trong khu vực Đông Âu - vốn chịu ảnh hưởng truyền thống của Nga.

NATO được thành lập trong thời kì Chiến tranh lạnh nhằm cân bằng với khối Warszawa của các nước Xã hội Chủ nghĩa. Liên Xô sụp đổ vào đầu thập niên 90 kéo theo sự tan vỡ của khối Warszawa.

Moscow sau đấy lập luận rằng NATO không còn lý do gì để tồn tại nữa, và việc duy trì cũng như ngày càng mở rộng tổ chức quân sự này không có mục đích nào khác ngoài “dã tâm” cô lập nước Nga.

Trong khi đó, NATO lại cố gắng trấn an Điện Kremli - hay ít nhất là họ muốn cho thế giới thấy "thiện chí" của họ - rằng sự mở rộng của NATO không phải là một mối đe dọa đối với Moscow.

Chắc hẳn chẳng có mấy người Nga tin vào luận điệu này, nhất là trong bối cảnh Moscow luôn cho rằng họ có quyền gây ảnh hưởng tới các quốc gia SNG. Cuộc chiến ở Gruzia, Ukraine cũng như việc sáp nhập bán đảo Crimea là những câu trả lời đầy sức nặng của Putin.

Xe tăng T-14 Amarta - niềm kiêu hãnh của lục quân Nga - trong cuộc duyệt binh kỉ niệm 70 năm chiến thắng Đức Quốc Xã. Nguồn: Getty Images

Tại sao lại là Syria?

Mỹ và đồng minh bắt đầu các chiến dịch chống IS hồi năm ngoái. Việc họ có thực sự muốn “nhổ cỏ tận gốc” tổ chức khủng bố này hay không thì hãy còn phải xét, tuy nhiên không khó để thấy rằng cái đích lớn nhất của Washington chính là hỗ trợ các tổ chức đối lập “ôn hòa” lật độ chính quyền Assad.

Và khi mà thủ đô Damascus trở nên nguy ngập bởi mối đe dọa từ cả IS lẫn các lực lượng đối lập, thì đồng minh lớn nhất của Assad - Nga nhảy vào, cũng với danh nghĩa tiễu trừ IS.

Putin nói hồi tháng 10: “Sự sụp đổ của chế độ Assad sẽ chỉ khiến chủ nghĩa khủng bố có thêm cơ hội lan rộng. Tại thời điểm này, thay vì hạ bệ, chúng ta nên tăng cường sức mạnh của họ”. Theo đó, mặc dù giới phân tích cho rằng Moscow cũng chẳng hứng thú gì với chính quyền Assad trong dài hạn, tuy nhiên Putin chắc chắn sẽ phản đối bất cứ ý tưởng nào về việc thay đổi chế độ ở quốc gia Trung Đông này trong thời điểm hiện tại.

Người đứng đầu nước Nga đã liên tục lên án sự ủng hộ của Mỹ giành cho các nhóm đối lập trong cuộc cách mạng Ả Rập năm 2011, đỉnh điểm là động thái lật đổ và giết chết cựu Tổng thống Lybia Muammar al-Qaddafi. Trong mắt Putin, những bất ổn ở Iraq, Syria, Bắc Phi cùng sự trỗi dậy của IS cho thấy thất bại có tính hệ thống trong chiến lược của phương Tây ở khu vực này.

Bên cạnh đó, Putin có thể đã lường trước rằng một “mớ hỗn độn” ở Trung Đông có thể giúp IS ngày càng mở rộng về phía biên giới nước Nga, đe dọa miền Nam nước này. Putin không hề “lo xa” khi biết rằng những cuộc không kích ủng hộ chế độ Assad - vốn bị coi là thù địch với người Sunni - có thể đang khuyến khích nhiều người Nga hơn gia nhập IS (hơn 4.000 người Nga và Trung Á đã tham gia IS), đồng thời làm nổi giận cộng đồng người Hồi giáo Sunni ở Nga - với dân số lên tới 20 triệu người. 

Trong mắt Putin, sự yếu kém của Mỹ cùng đồng minh ở Trung Đông là một nguyên nhân dẫn tới sự lớn mạnh của IS. Ảnh: AP

Trong lúc này, những động thái của Nga ở Syria không gì khác nhắm tới việc đảm bảo một tiếng nói quyết định trong vấn đề Syria, thậm chí tính tới một viễn cảnh hậu Assad. Người Nga rõ ràng đang muốn gửi một thông điệp tới người Ảrập rằng: không như Mỹ, Moscow sẵn sàng bảo vệ đồng minh của mình cho tới cùng, so với hành động Washington bỏ rơi cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak năm 2011.

Những hành động quân sự tại Syria bởi vậy chỉ là một phần trong những bước đi đầy toan tính nhằm lấy lại ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông. Trong nửa sau năm 2015, lãnh đạo các nước Ai Cập, Israel, Jordan, Kuwait, Ảrập Xêút và Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất đã thăm Moscow, phần lớn trong số họ đã kí hợp đồng mua vũ khí từ Nga.

Tháng 7, Ảrập Xêút đã kí một loạt thỏa thuận đầu tư trị giá lên tới 10 tỉ USD, phần lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của kinh tế Nga.

Về phần mình, một “ông kẹ” khác trong khu vực là Israel - đồng minh thân cận của Mỹ - luôn cố gắng duy trì một mối quan hệ ổn định với Nga trong nhiều năm qua, đặc biệt về vấn đề Syria.

Mặc dù người Israel không có mối liên hệ đặc biệt nào với chế độ Assad, họ vẫn nhìn chung một hướng với Nga khi cho rằng một chính quyền mới ở Syria - nếu được lập ra - có thể đe dọa tới an ninh của quốc gia Do Thái.

Còn nữa...

Nghi Điền 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến