Dòng sự kiện:
Giáo viên cần được kiểm tra tâm lý định kỳ
06/04/2018 17:38:20
Theo TS Vũ Thu Hương – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo viên cần được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ bên cạnh việc kiểm tra sức khỏe tâm thần định kỳ…

Trước hàng loạt vụ việc giáo viên dùng hình phạt “kinh dị” để dạy dỗ học sinh trên bục giảng, TS Vũ Thu Hương – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những hành động phản giáo dục của giáo viên chính là từ áp lực công việc, những bất thường về tâm lý. Vì vậy giáo viên cần được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ bên cạnh việc kiểm tra sức khỏe tâm thần định kỳ…

Bà nhìn nhận như thế nào về những hình phạt kinh khủng mà giáo viên đã áp dụng cho học sinh như cho học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau, cho ăn ớt, cho ngậm giẻ, dán băng keo, bắt quỳ…?

Trước hết phải khẳng định rằng những hình phạt như vậy là phản giáo dục, phi khoa học thậm chí còn vi phạm pháp luật và Luật Trẻ em rất đáng lên án. Học sinh chịu những hình phạt của thầy cô không chỉ bị ảnh hưởng về sức khỏe mà sẽ gặp phải những sang trấn tâm lý mạnh mẽ. Các em có thể sẽ nhút nhát, tự ti hơn, cũng có thể quậy phá hơn… Những “vết thương” từ hình phạt hạ nhục của giáo viên trước mặt bạn bè sẽ in hằn trong tâm trí và theo các em đến suốt cuộc đời.

Các cơ quan ban ngành họp và quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động với cô M.H ngày 5/4. Ảnh: T.P

Trong những sự việc trên, đặc biệt là vụ việc cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng, tôi cho rằng giáo viên cũng có vấn đề về tâm lý, hoặc cô giáo cũng đang chịu sức ép tâm lý nào đó từ môi trường làm việc hay trong gia đình. Một người bình thường họ không thể có những hành xử như vậy được.

Theo bà vì sao càng ngày giáo viên càng “mất bình tĩnh” với học sinh để rồi làm xuất hiện nhiều hơn những vụ việc đau lòng liên quan đến hình phạt trên bục giảng như vậy?

Không như trước đây, giáo viên ngày nay gặp quá nhiều áp lực khi đứng trên bục giảng. Không chỉ áp lực từ các cấp quản lý về chuyên môn như: Giờ dạy phải tốt, giáo án phải chuẩn, phải giúp trẻ tiến bộ về ý thức kỹ năng, phải hoàn thành các chỉ tiêu thi đua, lên lớp, học sinh giỏi… Những quy định về đánh giá giáo viên cũng khá khắt khe, khiến các thầy cô phải gồng mình. Trong khi đó, nghề giáo là một nghề rất đặc thù. Mối quan hệ diễn ra trong môi trường giáo dục là mối quan hệ con người với con người, nếu chỉ đánh giá giáo viên qua các chỉ số thì rất không ổn.

Ngoài ra, giáo viên còn chịu áp lực từ phụ huynh, học sinh. Học sinh ngày nay rất hiếu động, trong khi đó phụ huynh bây giờ có tâm lý kỳ vọng vào con nhiều, họ không chấp nhận việc con mình học dốt, bị điểm kém, bị đúp… Họ kỳ vọng vào giáo viên bao nhiêu thì càng áp lực cho giáo viên bấy nhiêu. Nếu không đạt được kỳ vọng của phụ huynh thì giáo viên sẽ bị giảm uy tín, các năm sau nữa sẽ có nhiều phụ huynh “tẩy chay” giáo viên này để lựa chọn giáo viên khác.

Bên cạnh đó, môi trường giáo dục hiện nay ở nhiều trường cũng rất ngột ngạt, giáo viên phải chịu sức ép từ lãnh đạo, từ đồng nghiệp. Đặc biệt ở các trường tiểu học, mầm non đa phần giáo viên là nữ, sự chênh lệch về giới tính cũng ảnh hưởng đến tâm lý, nhiều sự đố kỵ, ghen ghét nhau hơn…

Không những thế, giáo viên còn phải chịu những áp lực về chuẩn mực xã hội. Xã hội đang nhìn nhận thầy cô là những “thước đo” đẹp đẽ nhất. Là giáo viên thì không được đi thế này, đứng thế kia; là giáo viên thì nói năng phải nhẹ nhàng, dịu dàng; phải ăn mặc chỉn chu… Họ lúc nào cũng phải giữ hình ảnh trong mắt học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp. Họ bị “đóng hộp” trong những chuẩn mực khắt khe. Đôi khi, xã hội quên mất rằng, giáo viên cũng là con người, họ cũng có nhu cầu phải xả những áp lực của cuộc sống… Chính những sự kìm nén đó của các giáo viên đã dẫn đến nguy cơ bùng nổ và người gánh chịu không ai khác là con trẻ.

Đó chỉ là những tác nhân khách quan, còn chủ quan vẫn phải ở năng lực, phẩm chất và tâm lý của giáo viên, thưa bà?

TS Vũ Thu Hương – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Đúng vậy, việc giáo viên thiếu kiềm chế, bạo hành với học sinh, dùng những hình phạt phi giáo dục làm tổn hại đến học sinh cũng có phần xuất phát từ năng lực và tình yêu nghề giáo. Nhiều thầy cô đã có sự lựa chọn sai lầm khi bước vào nghề giáo. Nghề giáo đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, thực sự kiên nhẫn và kiềm chế. Giáo viên đứng trên bục giảng phải biết tự chủ và tiết chế cảm xúc của mình trước những cá tính rất riêng biệt của học trò.

Nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên rất cần được khám tâm lý định kỳ để phát hiện và điều chỉnh những hành vi bất thường do sức ép công việc gây lên, ý kiến của chị về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho điều này vô cùng cần thiết. Ngoài việc khám định kỳ sức khỏe, cần có chế độ khám tâm lý đặc thù cho các giáo viên, từ đó phát hiện những giáo viên đang chịu áp lực tâm lý, có những hành vi lệch chuẩn để điều chỉnh. Ngoài ra, tôi cho rằng, ngành giáo dục cần đưa ra một quy định về lời thề trên bục giảng, cũng giống như lời thề đối với các y bác sĩ. Giáo viên khi vào nghề phải cam kết, phải thề rằng mình sẽ không làm những điều này, không vi phạm những điều kia… nâng cao trách nhiệm và tinh thần yêu nghề khi đứng trên bục giảng. Cũng nên có những hạn mức ví dụ trong thời gian 5 năm nếu giáo viên không vi phạm sẽ có những phần thưởng để khích lệ thầy cô.

Tuy nhiên, nói gì thì nói vẫn không thể vì những lý do trên mà chúng ta xuê xoa việc xử lý giáo viên vi phạm, bởi những hành xử phản giáo dục như vậy sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng sau này, thưa bà?

Tất nhiên, giáo viên trong sự việc trên cần phải nhận hình thức kỷ luật thích đáng nhất để làm gương cho những giáo viên khác. Trước hết cô giáo phải bị xử lý theo những quy định của pháp luật, chiếu theo các khung hình phạt tương ứng. Sau đó, ngành giáo dục cũng cần có những răn đe nghiêm khắc, những giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực, không đủ tình yêu với con trẻ, tình yêu nghề thì nên cho ra hoặc để họ tự nguyện xin ra khỏi ngành.

Xin cảm ơn bà!

Theo Dân Việt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến