Dòng sự kiện:
Giới chuyên môn nêu quan điểm nhà đầu tư ưu tiên giữ tỷ trọng tiền mặt
01/07/2023 13:42:12
Áp lực chốt lời khiến cho lực cung gia tăng mạnh. VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng Sáu tại mốc 1.120,18 điểm, giảm nhẹ 0,81% so với tuần trước đó.

Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 82.816 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8%, tuy nhiên khối lượng giao dịch đã giảm nhẹ 1,2% so với tuần trước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán bắt đầu có những nhịp điều chỉnh.

Trên thị trường, áo lực chốt lời khiến cho lực cung gia tăng mạnh. VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng Sáu tại mốc 1.120,18 điểm, giảm nhẹ 0,81% so với tuần trước đó.

Chốt lãi ngắn hạn

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), VN-Index đã tăng khá mạnh 4,2% so với tháng Năm và tăng 5,2% trong quý 2. Mức tăng này được đánh giá là khá tốt trong bối cảnh thanh khoản được cải thiện sau giai đoạn tích lũy kéo dài.

Cụ thể, tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 82.816 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8%, tuy nhiên khối lượng giao dịch đã giảm nhẹ 1,2% so với tuần trước.

Ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên gia phân tích-SHS, cho biết điều này thể hiện mức độ phân hóa mạnh và áp lực chốt lãi ngắn hạn trên thị trường. Nhóm các mã có tính chất đầu cơ và vốn hóa trung bình/nhỏ bị bán ra với khối lượng lớn. Bên cạnh đó, thanh khoản trên sàn HNX đã giảm 16% với giá trị giao dịch đạt 8.245,25 đồng.

Trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài giảm tỷ trọng giao dịch đồng thời bán ròng tuần thứ hai liên tiếp với giá trị 340 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tuy nhiên, họ đã mua ròng bên sàn HNX với giá trị 162 tỷ đồng.

Tuần qua, thị trường đón nhận những thông tin Quốc hội thông qua việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Song, báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP 2 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ này chỉ cao hơn mức tăng 0,34% của quý 2/2020 (trong giai đoạn 2011-2023). Như vậy, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72% và không như kỳ vọng. Hơn nữa, các nhận định gần đây cũng cho rằng GDP cả năm rất khó đạt được mức mục tiêu đã đề ra là 6%-6,5%.

Về diễn biến chung, ông Thành chỉ ra sau nhiều phiên, VN-Index biến động giằng co quanh vùng giá 1.130 điểm -1.140 điểm, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh với độ rộng tiêu cực.

Trong đó, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính-chứng khoán có tương quan cao với VN-Index, hầu hết chịu áp lực điều chỉnh mạnh với thanh khoản gia tăng, như VIX (-11,48%), WSS (-8,97%), BVS (-7,11%), FTS (-7,04%), BSI (-5,65%)....

Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tương tự. Đa số các mã chịu áp lực bán mạnh. Đặc biệt, nhiều mã còn bị bồi thêm lực khi tổ chức đại hội cổ đông không thành công, cụ thể QCG (-24,15%), LGL (-15,21%), TDC (-12,07%), CEO (-9,16%), NHA (-8,37%), DIG (-7,68%)....

Trái lại, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp lại có diễn biến phân hóa khá tích cực với những kỳ vọng về gia tăng thu hút FDI và mở rộng hoạt động kinh doanh, nhiều mã tăng giá tốt như SIP (+5,78%), IDV (+3,48%), D2D (+3,06%), GVR (+2,11%), KBC (+1,21%)... Bên cạnh đó, một số mã cũng chịu áp lực điều chỉnh, như VGC (-4,05%), DTD (-3,88%), LHG (-2,92%)...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nằm trong xu hướng điều chỉnh chung với thanh khoản dưới mức trung bình, như BVB (-6,09%), VAB (-4,82%), MSB (-3,08%), TPB (-2,70%)... Trong đó, một số mã duy trì mức tăng giá nhẹ, như CTG (+0,85%), EIB (+0,71%), ACB (+0,68%)...

Chuyển sang tích lũy thêm nội lực

Theo ông Thành, sau khi VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.120 điểm thì việc thị trường điều chỉnh là cần thiết. Qua đó, thị trường bước vào giai đoạn tiếp tục tích lũy thêm nội lực trước khi có thể bứt phá dứt khoát khỏi khu vực kháng cự.

“Thị trường duy trì ‘sóng hồi phục’ với sức mạnh ổn định. Điều này được thể hiện rõ qua từng đợt tăng có kèm những phiên điều chỉnh tích lũy. Với trạng thái hiện tại, VN-Index khả năng sớm tăng điểm trở lại để hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh hơn quanh 1.150 điểm,” ông Thành cho biết.

Xu hướng dài hạn, ông Thành đánh giá thị trường vẫn đang tích cực với nhịp điều chỉnh trong tuần vừa qua. Dòng tiền tiếp tục tích lũy trong khu vực rộng từ 1.000-1.150 điểm đồng thời tạo cơ sở để hình thành đà tăng (nếu VN-Index tích lũy đủ và vượt qua mốc 1.150 điểm).

Về tình hình vĩ mô, ông Thành nhấn mạnh những số liệu của quý 2 mới công bố cho thấy đà tăng trưởng đang suy giảm, xuất khẩu cũng sụt giảm cộng thêm tín dụng tăng trưởng thấp. Đây là hệ quả của những khó khăn được nhận diện trước đó và Chính phủ cũng đã và đang tích cực đưa ra các giải pháp (như thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản…). Do đó, nền kinh tế cần thêm thời gian để các giải pháp nói trên phát huy tác dụng thực tế.

“Nhìn chung, thị trường chứng khoán thường sẽ có những phản ứng sớm và kỳ vọng việc thị trường sẽ chuyển trạng thái sang vận động tích cực là có thể hiểu được,” ông Thành chia sẻ.

Có chung quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi đi thông điệp điều hành về kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm thêm trong thời gian tới. Khi các áp lực lạm phát phần nào đã dịu bớt, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa chính sách hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng khi GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%.

Về góc nhìn kỹ thuật, báo cáo phân tích của VCBS cho rằng nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng và khiến VN-Index giảm dưới vùng điểm hỗ trợ 1.120 điểm, xác suất thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh về 1.100 điểm. Tuy nhiên, VN-Index khi đó sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy với biên độ lớn như giai đoạn đầu năm nay cùng với sự phân hóa mạnh mẽ hơn giữa các nhóm cổ phiếu.

Do đó, nhóm phân tích của VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng, chủ động thu gọn danh mục đồng thời nâng cao tỷ trọng tiền mặt thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm./.

Tác giả: Hạnh Nguyễn

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến