Giới thiệu khung quản trị công nghiệp khai thác khu vực ASEAN
05/12/2014 17:29:38
ANTT.VN – Sáng nay 5/12, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tổ chức Hội thảo giới thiệu Khung quản trị công nghiệp khai thác khu vực ASEAN, đây là một trong những sáng kiến góp phần hỗ trợ xây dựng khu vực ASEAN thịnh vượng, cạnh tranh và công bằng.

Tin liên quan

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Con người và Tài nguyên thiên nhiên cho biết, việc khai thác tài nguyên là một trong những lĩnh vực có mức độ phức tạp cao về mặt công nghệ và vốn đầu tư, trong quá trình ký kết hợp đồng hoặc cấp phép khai thác tài nguyên từ lòng đất, mối quan hệ giữa người đưa ra quyết định và chủ đầu tư thường bị lạm dụng, những đặc điểm nêu trên đều tạo ra những cơ hội cho quản trị kém. Điều này kéo theo các hệ lụy như, đẩy lùi tốc độ phát triển kinh tế, làm thất thoát nguồn thu nhà nước, hủy hoại môi trường sinh thái…

Toàn cảnh hội thảo giới thiệu về Khung quản trị doanh nghiệp khai thác khu vực ASEAN (Ảnh: Kiều Chinh)

“Rất nhiều quốc gia giàu tài nguyên trong khu vực ASEAN đang đối mặt với những thách thức tương tự trong việc quản trị công nghiệp khai thác, các chỉ số đánh giá tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch quốc tế thực hiện và chỉ số quản trị tài nguyên thiên nhiên (NGRI) do Viện quản trị Tài nguyên thiên nhiên thực hiện cho thấy, hầu hết các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên ở Đông Nam Á đều được đánh giá ở mức độ thấp”.

Liên minh các tổ chức xã hội khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ dự án IKAT – US do USAID và Viện Quảng trị Tài nguyên thiên nhiên hỗ trợ đã xây dựng Khung quản trị Công nghiệp khai thác khu vực ASEAN. Khung quản trị hướng đến mục tiêu đóng góp cho việc phát triển công nghiệp khai thác có trách nhiệm, minh bạch, đảm bảo quan trị tốt và qua đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở cấp khu vực, cấp quốc gia và cấp địa phương.

Ông Fabby Tumiwa, Giám đốc Viện Nghiên cứu các dịch vụ thiết yếu (IESR) của Indonesia trả lời phóng viên ANTT (Ảnh: Kiều Chinh)

Khung quản trị đưa ra các mục tiêu như: Cung cấp các nguyên tắc và khung tổng thể nhằm hài hòa các chính sách quản lý công nghiệp khai thác của các thành viên ASEAN và đảm bảo việc áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt; cung cấp công cụ hỗ trợ quản lý công nghiệp khai thác khu vực ASEAN nhằm đảm bảo sự tương đồng về mức độ cạnh tranh giữa các thành viên ASEAN; đảm bảo sự hài hòa và chuẩn hóa sẽ được cân nhắc trong từng giai đoạn khác nhau của quốc gia mỗi thành viên ASEAN; cung cấp hướng dẫn để xây dựng công cụ giám sát lĩnh vực khai thác tài nguyên ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN.

Trả lời phóng viên ANTT về đánh giá khung hành động trong quản trị ngành công nghiệp khai thác ở Việt nam, ông Fabby Tumiwa, Giám đốc Viện Nghiên cứu các dịch vụ thiết yếu (IESR) của Indonesia - đơn vị điều phối các tổ chức trong khu vực Đông Nam Á phát triển Khung quản trị Công nghiệp khai thác khu vực ASEAN cho biết, “tôi nghĩ hầu hết các nước thành viên trong khối ASEAN  bao gồm cả Việt Nam đều gặp vấn đề lớn trong khung hành động quản trị ngành công nghiệp khai thác. Đó là các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường. Bởi sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác sẽ thúc đẩy hiệu quả tăng trưởng kinh tế, tạo ra sự thân thiện với môi trường, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng”.

Việt Nam là một nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, do vậy hoạt động quản trị cần phải làm tốt hơn nữa.

Theo ông Fabby Tumiwa, giải pháp cấp thiết nhất Việt Nam cần làm hiện nay đối với thách thức ngành công nghiệp khai thác đó là, “khi đối mặt những thách thức của ngành công nghiệp khai thác, Việt Nam có thể sử dụng những quy tắc chuẩn mực, cần phải quy định một số khu vực “cấm” đối với việc phát triển ngành khai khoáng, những nơi nhạy cảm về môi trường, xã hội và văn hóa nhằm mục tiêu phát triển trong 2 năm tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp khai khoáng. Do vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước cần có trách nhiệm tôn trọng nghĩa vụ và đảm bảo tuân thủ tất cả các hoạt động kinh doanh. Nhất là phải tôn trọng quyền của người dân địa phương đối với việc sở hữu, bảo vệ và sử dụng đất, nước,…” Ông Fabby Tumiwa nói.

Kiều Chinh – Hoàng Hà
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến