Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người kinh kỳ xưa. Không chỉ có vậy, nó còn là một mảnh ghép ký ức Tết xưa trong lòng nhiều người dân Việt.
Triển lãm tranh Hàng Trống mang tên "Những điều xưa cũ mới mẻ" đang diễn ra tại 115 Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Trong ảnh là tranh Tết Tứ bình: Tùng – Cúc – Trúc – Mai tượng trưng cho 4 mùa trong một năm và cũng tượng trưng cho những đức tính, phẩm chất của người quân tử.
Bộ tranh tứ bình "Tố nữ" ca ngợi vẻ đẹp thanh cao và vi diệu của nghệ thuật âm nhạc trong hình tượng của bốn cô gái đẹp đang diễn tấu các loại nhạc cụ như đàn nguyệt, sáo trúc, điểm phách và múa quạt. Theo nghệ nhân Lê Đình Nghiên, những âm thanh này không chỉ là tiếng đàn, tiếng phách mà còn là những âm thanh vui vẻ trong gia đình: tiếng nói cười con trẻ, tiếng lách cách mâm cơm, tiếng vợ chồng trò chuyện... Bộ tranh là lời chúc Tết của các nghệ nhân muốn gửi tới mọi nhà: chúc cho năm mới niềm vui ngập tràn mọi nếp nhà.
Triển lãm được tổ chức bởi nhóm S River (do nhà thiết kế Trịnh Thu Trang sáng lập) gồm những người trẻ tâm huyết với dòng tranh Hàng Trống, thiết tha với những nét đẹp dân gian và mong muốn lưu lại giá trị truyền thống. Trong ảnh là tranh "Cá chép vượt vũ môn" gửi gắm lời chúc đỗ đạt trong thi cử.
Đây là một hoạt động nằm trong dự án “Họa sắc Việt” được nhóm dày công thực hiện trong nhiều năm qua, nhằm lưu giữ những giá trị truyền thống, những nét đẹp dân gian của dòng tranh này. Bức tranh "Chim công" hàm ý chúc tụng đạt được công danh, phú quý.
Bức tranh "Cá chép trông trăng". Trong văn hóa dân gian, cá chép biểu tượng cho ý thức, nghị lực vươn lên trong cuộc sống trong thi cử. Trăng là biểu tượng cho sự viên mãn, vẹn toàn, hoãn mỹ. Ngoài ra vẽ con cá còn có ý biểu trưng cho sự dư thừa của cải và tuổi thọ. Đây là lần thứ 3 triển lãm tranh Hàng Trống được tổ chức.
Hai triển lãm trước dưới sự chỉ dẫn và bảo trợ chuyên môn của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê, đều gây được tiếng vang và nhận được sự ủng hộ của đông đảo nghệ sĩ trong ngành công nghiệp sáng tạo. Trong ảnh là tranh Tranh Tam Đa: Đa Phúc, Đa Lộc, Đa Thọ chúc tụng trường thọ, lắm con nhiều cháu, làm quan nhiều bổng lộc.
Triển lãm trưng bày các tác phẩm tranh Hàng Trống tiêu biểu cho 3 đề tài: tranh Tết, tranh thờ và tranh thế sự. Bức tranh "Chợ quê" tái hiện không khí ồn ào, náo nhiệt của một phiên chợ quê.
Ngoài ra còn có các họa tiết cổ chắt lọc từ tranh Hàng Trống, họa tiết sáng tạo ứng dụng trong các lĩnh vực thiết kế đương đại và một số sản phẩm có sử dụng họa tiết, màu sắc (cổ và sáng tạo) từ tranh Hàng Trống. Bộ Hương chủ gồm tranh Hương chủ ở giữa mô tả gần như đầy đủ khung cảnh bàn thờ gia tiên và câu đối Phúc - Thọ hai bên được cách điệu thành hoa văn trang trí.
Bức tranh Ngũ Hổ và Hoàng Hổ Tướng quân, Thanh Hổ Tướng quân, Bạch Hổ Tướng quân, Xích Hổ Tướng quân và Hắc Hổ Tướng quân.
Chị Trịnh Thu Trang - Giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Trưởng dự án Họa Sắc Việt, tác giả cuốn sách "Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống” và người sáng lập nhóm S River cho biết, chị mong muốn giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của ông cha từ những bức tranh Hàng Trống theo một cách mới, không dừng lại ở việc hoài cổ hay muốn níu giữ lại những cái xưa cũ mà nó thật sự mang lại những giá trị ở thời điểm hiện tại.
Bức tranh "Thánh mẫu thượng ngàn", nữ thần của núi rừng - Nhạc phủ, làm chủ mọi miền núi, đồi, sông, suối, rừng cây cùng muôn vật, muông, thú, chim chóc, rắn rết, cua cá trong sâu thẳm, bao la của đại ngàn.
Phó Giáo sư Nghệ thuật Điêu khắc, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: "Tranh Tết Hàng Trống gắn với nhiều kỉ niệm tuổi thơ tôi. Đây là dòng tranh quý, đi sâu vào lòng người Hà Nội. Nó mang tinh thần của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về".
Nhiều bạn trẻ đến xem triển lãm
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của Triển lãm cũng sẽ diễn ra talkshow “Những điều xưa cũ mới mẻ” giao lưu với họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian Phan Ngọc Khuê và tác giả cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống” – nhà thiết kế Trịnh Thu Trang vào15h00 ngày 13/01. Triển lãm “Những điều xưa cũ mới mẻ” sẽ kéo dài đến hết ngày 25/01.
Mạnh Long
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy