Tin liên quan
Đất mượn “hô biến” thành đất bị thu hồi
Theo đơn khiếu nại của bà con nông dân thôn Quan Thượng, năm 2007 để chuẩn bị lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, dự án nạo vét sông Châu Giang từ Phủ Lý đến Tắc Giang ra đời, đây được gọi là dự án thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý.
Vào thời gian đó, người dân thôn Quan Thượng được đại diện chủ dự án cùng Chủ tịch, cán bộ địa chính xã Văn Lý và trưởng thôn thông báo một số diện tích đất liền kề của thôn Quan Thượng, xã Văn Lý và một phần đất của xã Hợp Lý (giáp xã Văn Lý) sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án.
Theo đó, dự án sẽ mượn một số diện tích đất 115 của người dân thôn Quan Thượng, xã Văn lý và xã Hợp Lý làm bồn chứa bùn khi thực hiện nạo vét lòng sông và hứa hẹn sau 3 năm bên dự án sẽ san lấp lại mặt bằng diện tích đất bị ảnh hưởng và trả lại cho bà con nông dân.
Dự án nạo vét dông Châu Giang, người dân ở thôn Quan Thượng (xã Văn Lý - Hà Nam) ngỡ ngàng vì bị thu hồi đất sau nhiều năm
Dự án sẽ bồi thường thiệt hại cho bà con nông dân với diện tích đất 115 bị ảnh hưởng nói trên với số tiền là 21.000 đồng/m2/3 năm. Tuy nhiên, với số tiền đền bù đó người dân xã Hợp Lý không đồng ý do vậy diện tích đất 115 dự kiến bị ảnh hưởng của xã này không bị mượn làm bồn chứa.
Theo phản ánh của người dân trong thôn Quan Thượng, sau 3 năm thực hiện dự án, diện tích đất 115 mà dự án mượn làm bồn chứa không được san lấp trả lại mặt bằng cho người dân canh tác, mà vẫn còn nguyên thùng rãnh do dự án tạo nên, đất bị bỏ hoang không canh tác được. Vì quá xót xa “tấc đất tấc vàng” nên bà con nông dân – những hộ gia đình có đất bị ảnh hưởng bởi dự án đã tự đi san lấp lại mặt bằng để tiếp tục canh tác. Đến nay, người dân đã canh tác được 3 – 4 năm và Hợp tác xã Nông nghiệp vẫn thu phí dịch vụ số đất nói trên.
Thế nhưng, đến tháng 1/2015 trong khi bà con thôn Quan Thượng đang canh tác thì UBND xã Văn Lý cho người tới giữ không cho "làm ăn" nữa và nói số đất đó là đất của UBND xã và giao cho trưởng thôn và một số người khác trong thôn canh tác, không những vậy một số đất còn được đào thành ao, phá vỡ mặt bằng làm ảnh hưởng xấu đến xung quanh.
Không chỉ bức xúc về diện tích đất 115 bỗng chốc biến thành “đất Ủy ban”, người dân thôn Quan Thượng còn tố UBND xã Văn Lý đã tự bán 2 giếng làng của người dân trong thôn cho tư nhân thả cá, làm mất nguồn nước sinh hoạt của người dân…
UBND xã: Đó là đất bị thu hồi
Sau khi tiếp xúc với người dân thôn Quan Thượng, PV ANTT.VN đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND xã Văn Lý về vấn đề này, theo ông Phạm Ngọc Tú – Bí thư Đảng ủy xã Văn Lý, năm 2007 Bộ NN&PTNT có xây dựng dự án Tắc Giang để nạo vét lòng sông Châu Giang và cần lấy một khu vực làm bồn chứa cát ở lòng sông. Ông Tú cho biết, đầu tiên có bàn bạc mượn chỗ đất màu thuộc thôn Quan Thượng trong 3 năm, trong thời gian chuẩn bị có một số bà con phản ánh nếu mượn 3 vụ mà tính tiền mượn thì không được bao nhiêu, mà giá đất lúc đó cũng rất thấp, bình thường bà con chuyển nhượng mua bán nội bộ với nhau chỉ tầm 3 – 4 triệu đồng/sào, sau đó có ý kiến của tỉnh tốt nhất là thu hồi và bồi thường cho bà con, còn đất giao cho chính quyền địa phương, sau này làm dự án là quyền của tỉnh.
“Chúng tôi có lập phương án thu hồi hẳn hoi, cẩn thận, trả tiền cho nhân dân, trong đó, 1 là thu hồi từng m2 đất, 2 là bồi hoàn tiền hỗ trợ chuyển mục đích học nghề cho lao động, 3 là hỗ trợ tiền gạo trong thời gian đầu lao động chưa tìm được việc làm. Tính ra có người bị thu hồi đất được hỗ trợ 8 triệu, 9 triệu thậm chí đến 10 triệu đồng/sào” – ông Tú nói.
Bí thư xã Văn Lý cũng khẳng định tất cả đều có văn bản cụ thể và cán bộ chức năng của huyện cũng trực tiếp mang tiền về trả cho bà con và có biên bản kèm theo. Tuy nhiên, ông Tú thừa nhận xã có sơ suất là tại văn bản thu hồi và văn bản trả tiền đều ghi rõ “hoàn tiền bồi thường đất đai bị thu hồi dự án Tắc Giang” thế nhưng khi chuyển sang văn bản thu hồi thì quên không thu văn bản cho mượn đầu tiên cho người dân lại. Ông Tú giải thích, “vì cái mượn giá đất rất rẻ nên không thu cái mượn về mà chỉ đưa giấy quyết định mượn thôi không đưa giấy bị thu hồi xuống, nhưng thực chất là bị thu hồi và có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, và quyết định này được làm quyết đinh tập thể có danh sách kèm theo, người dân lúc đó rất phấn khởi vì giá cao hơn nhiều”.
Đến khoảng năm 2011 – 2012, số đất bị thu hồi được UBND xã quản lý sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế địa phương và cho một số hộ đấu thầu.
Theo thông báo ý kiến kết luận của Phó chủ tịch UBND huyện Lý Nhân tại hội nghị đối thoại với các hộ dân thôn Quan Thượng, xã Văn Lý liên quan đến việc thu hồi đất dự án Tắc Giang – Phủ Lý của Văn phòng HĐND – UBND huyện Lý Nhân do Phó chánh văn phòng Phạm Thị Lợi ký. Ngày 13/3/2015 UBND huyện Lý Nhân có tổ chức Hội nghị đối thoại với các hộ dân thôn Quan Thượng, thành phần gồm bà Nguyễn Thị Tuyết Lan – Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị và đại diện các phòng ban liên quan, lãnh đạo xã Văn Lý và 11 hộ dân đại diện cho các hộ dân thôn Quan Thượng.
Xót xa đất bị bỏ hoang, người dân tự đi san lấp lại mặt bằng để tiếp tục canh tác, trong khi Dự án nạo vét sông Châu Giang của Bộ NN&PTNN hoàn thành hay chưa thì không ai biết.
Sau khi nghe 3 hộ dân đại diện ý kiến về việc đòi lại đất đã thu hồi thuộc dự án Tắc Giang – Phủ Lý và giải thích của UBND xã Văn Lý, bà Lan – Phó Chủ tịch huyện kết luận: “Dự án thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý đã có quyết định thu hồi đất số 464/QĐ – UBND ngày 20/4/2007 của UBND tỉnh Hà Nam, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng số 1289/QĐ – UBND ngày 9/5/2007 và quyết định thu hồi số 656/QĐ – UBND ngày 20/2/2008 của UBND huyện Lý Nhân, tuy nhiên một số hộ dân thôn Quan Thượng, xã Văn Lý có đất thu hồi thuộc dự án đã hiểu sai chính sách, cho rằng dự án tạm thời mượn đất nên đã đề nghị đòi lại đất”.
“Giá đền bù giải phóng mặt bằng tại thời điểm năm 2007 đã được áp dụng đúng quy định ( đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản giá 21.000 đồng/m2), các hộ dân đều đã ký và nhận đủ tiền bồi thường theo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đã phê duyệt, có hồ sơ lưu đầy đủ. Do đó, việc đòi lại đất của một số hộ dân là hoàn toàn không có cơ sở”.
Về phía người dân thôn Quan Thượng, vì quá bức xúc do không hiểu lý do vì sao đất nông nghiệp mình đang canh tác bỗng dưng bị thu hồi nên đã có đơn gửi lên các cấp chính quyền, trong đó có gửi đến Văn phòng Chính phủ, tại văn bản số 4348/VPCP – V.I, Văn phòng Chính phủ gửi UBND tỉnh Hà Nam về 24 đơn thư của công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh Hà Nam để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho Văn phòng Chính phủ.
Dự án thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý của Bộ NN&PTNT nhằm phục vụ lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, theo người dân và cả chính quyền ở xã Văn Lý thì dự án chỉ nạo vét lòng sông sau đó bỏ hoang. Cho đến nay, dự án này đã hoàn thành chưa thì cũng không ai biết?
ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong những bản tin tiếp theo…
Thiên Di – Thủy Tiên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy