Tại kỳ họp vừa qua, HĐND Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Theo Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, chương trình này đề ra nhiều mục tiêu quan trọng, song còn rất nhiều bất cập, khó khăn cần giải quyết.
Nhiều bất cập trong hạ tầng giao thông
Ông Bảo cho rằng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Hà Nội chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều dự án giao thông, khớp nối hạ tầng còn chậm triển khai do thiếu vốn, vướng mắc giải phóng mặt bằng…
Phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông và tỷ trọng vận tải hành khách công cộng còn thấp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong điều hành, giám sát giao thông cũng còn chậm và thiếu đồng bộ.
Nói về chiến lượng quản lý phương tiện cá nhân, ông Trần Hữu Bảo cho biết thành phố đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện lấy ý kiến của đơn vị liên quan và người dân. "Đề án chỉ thực hiện khi đáp ứng được các điều kiện về kinh tế, kỹ thuật; đồng thời được đại đa số người dân thủ đô đồng tình ủng hộ", Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định.
Ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương - Tố Hữu ùn tắc nghiêm trọng vào giờ đi làm buổi sáng. Ảnh: Hoàng Hà.
Về các nhóm giải pháp trọng tâm, giai đoạn 5 năm tới, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực GTVT; hoàn thiện quy hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, thành phố sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất phục vụ giao thông; mở rộng và nâng cao hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; tăng cường quản lý với công tác đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe.
Trong 5 năm 2021-2025, Hà Nội sẽ phân kỳ và ưu tiên trước nguồn lực cho 252 dự án. Nhóm được ưu tiên đầu tư gồm: Công trình khép kín hệ thống đường vành đai, hướng tâm, trục chính đô thị; cầu vượt sông Hồng, sông Đuống; công trình đục thông kết nối các đoạn tuyến đường; các nút giao thông trọng điểm…
Đề án hạn chế xe cá nhân cần công khai
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng hạn chế phương tiện cá nhân, gồm cả ôtô và xe máy là một định hướng và mục tiêu quan trọng của Hà Nội trong chiến lược phát triển giao thông dài hơi.
Hà Nội là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng phương tiện cá nhân cũng như tốc độ tăng hàng năm, đặc biệt là ôtô. Với việc thu nhập người dân ngày càng được nâng cao, ông Thanh dự đoán tình trạng ùn tắc của thủ đô có thể phức tạp hơn nữa.
"Hạn chế phương tiện cá nhân phải được đặt ra ngay từ giờ, nhưng theo lộ trình phù hợp và đồng bộ các điều kiện kèm theo. Không thể cấm ôtô, xe máy nếu phương tiện công cộng cứ bất tiện, nhưng cũng không thể để xe cá nhân phát triển tự phát như hiện nay", ông Thanh nói.
Chuyên gia cũng đề nghị ngành GTVT Hà Nội, UBND TP khi nghiên cứu, xây dựng các đề án hạn chế phương tiện cá nhân cần công khai, minh bạch, thông tin đầy đủ để người dân hiểu, nắm bắt và ủng hộ. Thành phố cần tránh việc thông tin chưa rõ ràng tạo dư luận phản ứng, trái chiều.
Cảnh ùn tắc tại trục đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Phạm Thắng.
Trao đổi với Zing bên lề kỳ họp HĐND Hà Nội ngày 10/12, Trưởng ban Đô thị của HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân nói việc hạn chế phương tiện cá nhân là một trong nhiều nội dung của Nghị quyết 04 được HĐND Hà Nội 2016-2020 thông qua.
Trong nghị quyết có đề cập đến hạn chế phương tiện cá nhân theo lộ trình đến năm 2030. Từ nay đến lúc đó, TP phải xây dựng, tổ chức các điều kiện để thực hiện. "Nội dung này giao cho Sở GTVT, đang trong quá trình nghiên cứu. Đề án chưa có lộ trình cụ thể", ông Quân nói.
Để giảm ùn tắc giao thông, HĐND thành phố đã đề ra 37 nhiệm vụ, giải pháp. Các nhiệm vụ, giải pháp phải được triển khai tổng thể, không riêng gì việc hạn chế xe máy hay ôtô. Trong đó có nhiệm vụ phải triển khai ngay, có nhiệm vụ cần lộ trình định hướng dài hạn, chỉ thực hiện khi đảm bảo đủ điều kiện.
Tác giả: Sơn Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy