Dòng sự kiện:
Hàng không, du lịch mất khách quốc tế vì chính sách thị thực
17/12/2022 11:53:42
Các chuyên gia kiến nghị mở rộng số quốc gia được miễn thị thực (visa) và kéo dài thời gian du khách ở Việt Nam để cứu ngành du lịch quốc tế sau một năm thất thu.

Cuối năm 2022, thời điểm nhìn lại sự phát triển của ngành hàng không và du lịch Việt Nam sau một năm thoát khỏi đại dịch Covid-19, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên kết luận: "Du lịch nội địa tốt, nhưng du lịch quốc tế so với nước ngoài là thấy bi kịch".

Từng là quốc gia "an toàn bậc nhất sau dịch" và kỳ vọng nhiều vào sự bùng nổ của thị trường khách quốc tế, đến nay Việt Nam đã bị Thái Lan bỏ xa trong cuộc cạnh tranh thu hút khách nước ngoài.

Nghịch lý đi đầu, về chót

"Bi kịch" mà PGS.TS. Trần Đình Thiên nhắc tới được thể hiện ở chỗ Việt Nam đã tuyên bố mở cửa với quốc tế vào ngày 15/3 - sớm nhất so với các nước trong khu vực. Nhưng đến cuối năm, kết quả thống kê cho thấy Việt Nam phục hồi du lịch quốc tế chậm nhất.

Trong hội nghị về hàng không - du lịch do báo Nhân Dân tổ chức chiều 16/12, không chỉ ông Thiên mà nhiều chuyên gia, đại biểu cũng khẳng định cần tháo gỡ cơ chế để du lịch quốc tế được phục hồi một cách thực chất.

Theo báo cáo của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Thái Lan dự kiến sẽ đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, mang lại tổng thu 16 tỷ USD. Tỷ lệ phục hồi của Thái Lan về số lượng và doanh thu từ khách quốc tế đều vượt xa Việt Nam.

Ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành hãng hàng không Vietjet Air, nhận định xung đột Nga - Ukraine và chính sách chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã khiến Việt Nam mất đi nguồn khách quốc tế truyền thống. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng các nước xung quanh cũng gặp khó như vậy nhưng họ vẫn phát triển được.

Thống kê cho thấy điểm du lịch Phuket của Thái Lan đã đón 55.000 du khách từ Nga trong tháng 11.

Nhớ lại thời điểm mới mở cửa sau dịch, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết ngành du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022. Thời điểm đó có ý kiến cho rằng 5 triệu là quá ít, riêng TP.HCM đã hứa hẹn đón 3 triệu khách. Kết quả đến cuối năm, cả nước chỉ đạt 3,5 triệu khách quốc tế.

Hệ quả của sự sụt giảm du khách quốc tế khiến nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng khó khăn. Nói như Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, sức khỏe của doanh nghiệp du lịch hiện nay phải cần "7-8 người đỡ mới ngồi dậy được"; hay như chia sẻ của Giám đốc Công ty du lịch Mekong Rustic rằng nhân lực lữ hành phục vụ khách quốc tế đã nghỉ việc lâu tới nỗi quên nghề, "giờ đến việc cười cũng khó".

Rào cản về chính sách visa

Mô tả về những bất tiện khi đến Việt Nam du lịch, ông Kenneth Atkinson, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), cho biết các đoàn khách nước ngoài đến sân bay Tân Sơn Nhất thường phải chờ khoảng 2 giờ để làm thủ tục nhập cảnh.

Ngoài ra, số lượng quốc gia được miễn thị thực khi đến Việt Nam chỉ có 24 nước. Thời hạn miễn thị thực ít ỏi (15 ngày) cũng là rào cản với các nhóm khách đi du lịch kết hợp làm việc từ xa, nghỉ đông...

Ông Atkinson nêu ví dụ nhiều người nước ngoài đến Thái Lan để mua căn hộ thứ 2 và ở lại đó dài ngày để nghỉ hưu hoặc làm việc từ xa. Điều này đặt ra yêu cầu thời hạn thị thực phải dài hơn, thậm chí 5-10 năm.

Trong năm qua, điểm sáng của ngành du lịch Việt Nam nằm ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo chuyên gia Lương Hoài Nam, du lịch nội địa phát triển đơn giản vì không có rào cản và không có cạnh tranh.

Nếu nói du lịch quốc tế có 3 rào cản, ông Nam ví von rằng "thứ nhất là visa, thứ 2 là visa và thứ 3 cũng là visa". Lấy dẫn chứng Thái Lan - đất nước cạnh tranh thị trường khách quốc tế với Việt Nam - quốc gia này đang miễn thị thực cho công dân của 65 nước và thời hạn miễn thị thực kéo dài đến 90 ngày.

Kết thúc hội thảo, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Trương Gia Bình khẳng định sẽ kiến nghị cơ quan quản lý cấp trên mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực tới Việt Nam từ 24 lên 65 nước (bằng với Thái Lan). Bên cạnh đó, thời hạn thị thực cũng phải được mở rộng từ 15 lên 30-45 ngày.


Hội nghị về phục hồi ngành hàng không - du lịch do báo Nhân Dân tổ chức chiều 16/12. Ảnh: Nhandan.

Các chính sách chống Covid-19 đã lỗi thời cũng cần được gỡ bỏ như việc yêu cầu du khách mua bảo hiểm điều trị Covid-19, đeo khẩu trang khi tới sân bay...

Sau cùng, khi các điều kiện để "bung ra" đã được đáp ứng, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh các doanh nghiệp du lịch cũng phải tự nâng cấp mình, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng sản phẩm để thuyết phục được du khách.

Tác giả: Ngọc Tân

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến