Dòng sự kiện:
Hàng loạt di tích ở Hà Nội bị chiếm dụng biến thành hàng quán, nơi để xe
08/10/2017 15:05:18
Nhiều di tích tại Hà Nội đang bị chiếm dụng thành hàng quán kinh doanh, nơi để xe như chùa Vĩnh Trù, đền Quan Đế, nhà hát Chuông Vàng, đình Kim Ngân, đền Kim Liên...

Chùa Vĩnh Trù là di tích kiến trúc nghệ thuật hạng quốc gia, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng năm 1994. Ngôi chùa là một địa điểm văn hóa không thể bỏ qua trong hành trình tham quan 36 phố phường.

Rác rưởi từ hàng ăn buổi sáng vương vãi trước cửa chùa Vĩnh Trù

Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, nhiều năm nay, buổi sáng hàng ăn bên cạnh chùa thường tận dùng mặt tiền để làm nơi để xe cho khách ăn; tới trưa khi quán vãn khách thì rác rưởi của buổi sáng nhiều khi còn đọng lại, không được dọn kĩ càng, sạch sẽ. Thêm vào đó, ngay bên cạnh cổng chùa là một quán thịt chó gia truyền.

Chị Nguyễn Thị Phương, một người dân sinh sống tại phố Hàng Lược chia sẻ: “Việc chiếm dụng mặt tiền chùa để buôn bán không chỉ cản trở du khách đến thăm quan mà còn làm mất đi vẻ uy nghiêm, linh thiêng của nơi thờ tự”.

Đền Quan Đế (hay còn gọi Miếu Thánh Mẫu) tại 28 Hàng Buồm (Hà Nội) thờ Quan Công, một vị tướng trung thần nước Thục thời Tam Quốc thế kỷ III sau Công Nguyên. Đền Quan Đế không chỉ mang trong mình những giá trị về lịch sử và nghệ thuật tạo hình mà còn là Trung tâm Thông tin Phố cổ Hà Nội, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho du khách về lịch sử, văn hóa của cả khu phố cổ Hà Nội.

Cửa đền Quan Đế bị bủa vây bởi dàn xe cộ

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng chục chiếc xe máy xếp kín mặt tiền của ngôi đền. Nhiều du khách trong đó có du khách nước ngoài phải lách người qua những chiếc xe máy để vào trong đền Quan Đế. Còn một số du khách thì ngần ngại bước đi. Không chỉ có thế, cửa đền còn bị bủa vây bởi bên trái là quán nước, bên phải là tủ bán bánh mì lưu động.

Người dân tận dụng cửa đền mở quán nước

Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ ông tổ bách nghệ (tổ trăm nghề) Hiên Viên. Đình Kim Ngân được coi là một trong những đình cổ kính, rộng nhất phố cổ Hà Nội là một minh chứng về quá trình hình thành, phát triển của các phố nghề tại kinh thành Thăng Long xưa.

 Tình trạng lộn xộn trước cửa đình Kim Ngân đã diễn ra nhiều năm nay

Thế nhưng cửa ngôi đền bị bóp nghẹt với hai hàng xe máy. Hai tấm biển “cấm lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán” trở thành hàng rào để tạo một lối đi dẫn vào ngôi đền. Anh Hà Văn Duy, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm (Hà Nội) nói: “Xe cộ dựng ngổn ngang lộn xộn gây mất mỹ quan. Ai đi qua nếu không để ý chẳng biết đây là đền chùa mà nghĩ là bãi trông giữ xe”.

Nhà hát Chuông Vàng cũng cùng chung số phận khi trước cửa là chỗ để xe còn hai bên sườn trở thành nơi kinh doanh buôn bán hàng ăn uống. Nhà hát Chuông Vàng là một địa điểm quen thuộc của những tâm hồn yêu cải lương Hà Nội. Nó còn là một chứng nhân lịch sử chứng kiến lễ tuyên thệ hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Thủ đô của đội Quyết tử quân vào ngày 14/1/1947.

Mặt tiền của nhà hát cải lương Chuông Vàng thành chỗ để xe

Bên sườn nhà hát nhộn nhịp kinh doanh ăn uống

Đền Kim Liên (154 Xã Đàn) là trấn phía nam trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, thờ thần Cao Sơn, một bộ tướng của thánh Tản Viên. Nhiều năm nay khu vực xung quanh hồ bán nguyệt bị lấn chiếmchiếm  bởi những hàng quán kinh doanh.

Hàng nước quán ăn mọc lên như nấm quanh khu vực hồ bán nguyệt trước cửa đền Kim Liên

 Bàn ghế ngổn ngang gây mất mỹ quan

Chị Lê Huyền My, một người dân sinh sống gần đền Kim Liên trao đổi: “Ở đây có ba bốn hàng nước. Buổi sáng thì có quán bán đồ ăn sáng, buổi chiều có quán bày bán đồ ăn chiều”. 

Đây chỉ là ít trong số rất nhiều các di tích bị người dân xâm hại nằm trong khu phố cổ Hà Nội, như chùa Bà Đá (3 Nhà Thờ), chùa Lý Triều Quốc Sư (50 Lý Quốc Sư), chùa Tây Đen (19 Hàng Lược), Đền Đồng Thuận (11 Hàng Cá), chùa Vũ Thạch (13 Bà Triệu) cùng nhiều đền, chùa, đình khác.

Mạnh Long - Dương Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến