Hé lộ mánh khóe kiếm hàng tỷ đô của quan chức FIFA
08/06/2015 08:37:30
“Cơn bão” chống tham nhũng quét qua Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) những ngày qua đã phơi bày nhiều góc khuất của cơ quan đầy quyền lực này.

Tin liên quan

Điều đáng chú ý là các vụ bắt giữ tại Thụy Sĩ và cuộc điều tra của FBI đã tiết lộ bí mật về cuộc sống xa hoa và giàu có của giới chức FIFA. Tài sản của giới chức này phần lớn được xây dựng nhờ các thương vụ hoa hồng và những khoản tiền hối lộ lớn. 

Tài liệu FBI thu được tại Thụy Sỹ

Dựa vào kết quả điều tra do Bộ Tư pháp Mỹ công bố hôm 1/6, tờ Telegraph cho hay, 14 quan chức FIFA bị cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ đều sở hữu rất nhiều căn hộ hạng sang và những nhà nghỉ nhìn ra bãi biển. Tiền mua những bất động sản này được cho có từ nhận hối lộ và tham nhũng. Thậm chí, các nhà điều tra Mỹ còn phát hiện ra rằng, FIFA đã tạo nên một đế chế bất động sản bất hợp pháp bao gồm các khu khác nhau, từ bất động sản nguy nga theo phong cách ở Georgia đến các căn hộ sang trọng nhìn ra vịnh Biscayne ở Miami (Mỹ).

Gần 20 chục căn nhà dạng này ở Mỹ của FIFA được đăng ký theo các công ty nước ngoài và đang bị giới chức Mỹ nghi là được mua bán bằng quỹ tiền bất hợp pháp. Nếu chứng minh cụ thể được từng trường hợp, nhiều khả năng, giới chức Mỹ sẽ tịch thu các tài sản này. Trong số các bất động sản nói trên phải kể đến biệt thự gồm 6 phòng ngủ của Phó Chủ tịch FIFA, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbea (CONCACAF) Jeffrey Webb tại Loganville, Georgia.

Căn biệt thự trị giá khoảng 940.000 USD, được xây dựng vào năm 2007 theo phong cách nguy nga kiểu lâu đài với trụ cột trang trí công phu, ban công rộng và một cầu thang ở bên ngoài. Căn nhà này ông được ông Jeffrey Webb mua thông qua Công ty Kosson Properties Limited của Costas Takkas, một quan chức người Anh. Kiểm tra qua các giao dịch ở ngân hàng trong thời gian diễn ra thương vụ mua bán, các nhân viên điều tra Mỹ khẳng định, các khoản tiền dùng để mua nhà ở Mỹ được trả bởi Traffic Sports USA, một công ty tiếp thị thể thao thường xuyên nhận được hợp đồng thương quyền béo bở với FIFA. Và ông Costas Takkas chính là mắt xích quan trọng trong việc nhận tiền hối lộ hộ ông Jeffrey Webb.

Traffic Sports USA chuyển tiền vào tài khoản của Costas Takkas rồi sau đó ông này chuyển cho các nơi để giúp Phó Chủ tịch FIFA có được căn biệt thự đẹp. Bản cáo trạng có đoạn viết: “Costas Takkas chuyển trực tiếp một phần tiền từ tài khoản Kosson Ventures của ông tại Ngân hàng Fidelity tại quần đảo Cayman tới SunTrust Bank ở Georgia cho ông Jeffrey Webb rồi sau đó lại chuyển tới tài khoản một công ty bất động sản ở Stone Mountain, Georgia”.

Đáng chú ý là ngoài căn biệt thự này, Công ty Kosson Properties Limited còn giúp FIFA mua thêm 2 căn khác với tổng trị giá hơn 300.000 USD. Căn biệt thự thứ nhất được mua với giá 142.000 USD gồm 4 phòng ngủ trong khi căn còn lại chỉ có 3 phòng ngủ. Chưa hết, cơ quan điều tra Mỹ còn đang xác định tiếp nguồn tiền và đường dây mua căn hộ hạng sang trị giá 1,6 triệu USD nhìn ra vịnh Biscayne.

Căn hộ này hiện thuộc sở hữu của Aaron Davidson, Chủ tịch Traffic Sports USA, một trong 4 doanh nhân đang bị Mỹ điều tra vì liên quan đến bê bối tham nhũng, nhận hối lộ và rửa tiền của FIFA.

Tờ Guardian của Anh còn chỉ ra 3 căn nhà khác ở Florida được cho là của Rafael Esquivel, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Venezuela, người cũng bị bắt tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ hồi cuối tháng 5 vừa qua. Các căn nhà này có tổng trị giá 483.000 USD. Eduardo Li (56 tuổi), thành viên Uỷ ban điều hành FIFA đến từ Costa Rica cũng có một căn hộ ở Aventura, Florida được mua với giá 545.000 USD hồi năm 2007. Đây là một trong những căn hộ đắt nhất ở khu vực Florida.

Cuối cùng, phải kể đến tòa nhà của cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner. Ông này không chỉ có nhà ở Mỹ mà còn có nhiều bất động sản khác ở Trinidad & Tobago. Hai con trai của ông Jack Warner cũng sở hữu ít nhất 10 căn hộ ở Miami (Mỹ). Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định, Jack Warner đã nhận 10 triệu USD từ Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke cho việc bỏ phiếu ủng hộ Nam Phi làm chủ nhà World Cup 2010.

Chính phủ Nam Phi không chi trả trực tiếp khoản tiền nói trên mà nhờ FIFA trả hộ rồi trừ lại trong quỹ hỗ trợ nước chủ nhà. Ông Jack Warner đã nhận 3 đợt chuyển khoản vào đầu năm 2008 từ một tài khoản của FIFA ở Thụy Sĩ đến tài khoản Bank of America. Riêng về vụ bê bối liên quan đến việc bầu chọn Qatar đăng cai World Cup 2022, hồi tháng 4 năm ngoái, hai tờ báo của Anh là Telegraph và The Guardian đã đưa tin rằng, Qatar chi hơn 2 triệu USD để mua sự ủng hộ từ ông Jack Warner.

Số tiền này được chia làm 2 lần chuyển, một từ Công ty Điện và Cơ khí Khalid Est (KEMCO) có trụ sở tại Doha, Qatar tới tài khoản cá nhân của Jack Warner là 1,2 triệu USD. Lần chuyển thứ 2 cũng được KEMCO thực hiện nhưng lại vào tài khoản của hai người con trai của ông với khoản tiền tổng cộng là 750.000 USD. Cùng thời điểm ấy, ông Jack Warner cũng nhận thêm 400.000 USD trong tài khoản của mình. Bên cạnh đó, các nhà điều tra còn tìm thấy một loạt hóa đơn không do Công ty Jamad Limited (công ty riêng của Jack Warner) phát hành và gửi đến cho KEMCO.

KEMCO là công ty thuộc sở hữu của Mohamed Bin Hammam, cựu quan chức bóng đá Qatar, từng là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và ủy viên Uỷ ban điều hành FIFA. Mohamed Bin Hammam được thừa nhận rộng rãi như là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất giúp Qatar vận động thành công và giành quyền đăng cai World Cup 2022. Năm 2011, Mohamed Bin Hammam cũng đã bị đình chỉ công tác và phải trả lời chất vấn của Ủy ban đạo đức FIFA về cáo buộc hối lộ 25 người của Liên đoàn Bóng đá Caribbe số tiền 1 triệu USD, tương đương 40.000 USD/người.

Từ những thông tin này, nhiều người đã đặt câu hỏi về mánh kinh doanh của giới chức FIFA để có hàng triệu USD. Hãng tin CNN cho biết, trong giai đoạn 2011-2013, FIFA đã thu về tổng cộng 5,7 tỷ USD, chủ yếu nhờ các sự kiện World Cup 2014 tại Brazil và các giải đấu khác. Riêng World Cup 2014 đã đem lại khoản lợi nhuận ấn tượng 2,6 tỷ USD cho FIFA. Bản quyền truyền thông với tiền quảng cáo vào khoảng 4 tỷ USD. Đó là chưa kể đến các nguồn tiền từ 6 nhà tài trợ lớn là Adidas, Coca-Cola, Hyundai, Emirates, Sony và Visa. Emirates và Sony không gia hạn hợp đồng cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó là khoản đầu tư không nhỏ của FIFA cho cơ sở hạ tầng, nhà thi đấu, trang thiết bị và giáo dục thể thao. Từ những khoản lợi nhuận khổng lồ này, FIFA không ngần ngại chi tiền cho các hoạt động của quan chức. Hồi năm ngoái, tờ Sunday Times của Anh đã đưa tin rằng, giới chức FIFA đã tự tăng lương, thưởng cho mình từ lợi nhuận của các kỳ World Cup. Chẳng hạn như sau mùa World Cup 2010, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã thưởng nóng cho các thành viên cấp cao của FIFA tới 4,4 triệu USD tiền mặt thông qua các tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ...

Theo CAND.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến