Dòng sự kiện:
Hộ nghèo ở Nghệ An 'kêu cứu' vì bị thu lại tiền hỗ trợ bảo vệ rừng
18/03/2021 14:51:00
Sau khi được chính quyền phát tiền hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng theo chương trình 30a, người dân ở bản Liên Phương, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An) lại bị trưởng bản yêu cầu nộp vào 'quỹ chung'.

Người dân bản Liên Phương phản ánh việc bị thu lại tiền với phóng viên  

"Cắt xén" tiền hỗ trợ bảo vệ rừng
 
Nhiều người dân xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An) phản ánh, một số xóm, bản ở huyện miền núi này tổ chức thu tiền giao khoán bảo vệ rừng theo chương trình 30a (tiền bảo vệ rừng 30a) của người dân trái quy định. Sự việc gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư bấy lâu nay.
 
Để tìm hiểu vấn đề, ngày 17/3, PV có mặt tại bản Liên Phương (tên gọi bản mới sau khi sáp nhập từ bản: Muồng, bản Chổi và bản Liên Minh).

Ông Lương Đào (SN 1950, Đội trưởng đội bảo vệ rừng) cho biết, ông tham gia đội bảo vệ rừng theo diện 30a từ năm 2018. Nay ông vừa là đội trưởng vừa là người dân trong tổ bảo vệ rừng của bản Chổi. Khu vực bảo vệ rừng của gia đình ông tại núi Na Nhóong giáp với xã Nậm Giải, huyện Quế Phong.

Hàng tháng, gia đình ông cùng những người trong tổ vẫn thường xuyên lên khu rừng do ông nhận bảo vệ để kiểm tra, theo dõi. Tuy nhiên, điều khiến ông Lương Đào băn khoăn là việc trong nhiều năm qua, mỗi lần đi nhận tiền từ xã về thì ông và mọi người trong tổ bảo vệ rừng phải nộp lại cho bản, sau đó ông chỉ nhận lại được 500.000 đồng.

"Vào dịp gần Tết Nguyên đán năm 2021, tôi lên xã nhận hơn 4 triệu đồng nhưng về đến nhà chỉ còn 500.000 đồng", ông Đào nói.

Việc bản thu tiền bảo vệ rừng của người dân đã tồn tại nhiều năm. 

Chị Vi Thị Hương, thành viên đội bảo vệ rừng cũng bức xúc, chị tham gia bảo vệ rừng từ năm 2017. Mỗi năm đều được Nhà nước hỗ trợ tiền nhưng sau khi về bản đều bị thu lại nộp vào quỹ chung.

"Trưởng bản lấy lý do là đội bảo vệ rừng cũng không thể bảo vệ được hết mà phải có những người dân trong bản hỗ trợ. Vì vậy, tiền hỗ trợ phải nộp vào quỹ chung chia cho mọi người. Tết vừa rồi lên nhận hơn 4 triệu xong chưa kịp vui thì đã bị thu lại chỉ được hưởng 500.000 đồng", chị Hương nói.

Điều đáng nói, những người trong Đội bảo vệ rừng theo chương trình 30a đều là những hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên vào đội bảo vệ để có thêm thu nhập. Thế nhưng, sự việc trên khiến họ vừa mất công, lại mất tiền.

"Việc thu lại tiền là trái quy định"

Tìm hiểu được biết, không chỉ 11 hộ dân bảo vệ rừng theo diện 30a ở bản Chổi bị trưởng bản thu lại tiền mà trong nhiều năm vừa qua, những người tham gia bảo vệ rừng ở bản Muồng, bản Hữu Văn cũng gặp tình cảnh tương tự.

Năm 2021, sau khi sáp nhập 3 bản thành bản Liên Phương, có hơn 20 hộ dân tham gia bảo vệ rừng 30a đều bị bản thu lại tiền.

Ông Lô Văn Tuấn, Trưởng bản Liên Phương trong buổi làm việc với PV.

Trao đổi với PV,  ông Lô Văn Tuấn, Trưởng bản Liên Phương giải thích, việc thu lại tiền đã có bàn bạc và thống nhất cụ thể ở cuộc họp trong bản. Ông không tự ý đề ra chính sách này. Số tiền thu lại của người dân dùng vào việc mua bàn ghế, làm giàn mát, xây dựng sân bóng chuyền của bản.

"Việc bảo vệ rừng là công sức của cả bản chứ không riêng gì đội bảo vệ nên mọi người trong bản đều được hưởng quyền lợi. Chúng tôi cũng đã tổ chức cuộc họp toàn người dân và biểu quyết vấn đề này", ông Tuấn giải thích. 

Tìm hiểu được biết, từ năm 2018, việc quản lý và cấp phát tiền bảo vệ rừng 30a do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong đảm nhận. Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng này cho hay, sự việc tại bản Muồng, bản Chổi đến nay ông mới nghe phản ánh.

Trước đó tại bản Hữu Văn, xã Châu Kim cũng đã có người dân phản ánh và ông đã trực tiếp xuống bản để làm việc và đề nghị Ban quản lý bản Hữu Văn trả lại tiền cho người dân bảo vệ rừng.

Quế Phong là một trong những địa phương có độ che phủ cao nhờ áp dụng những chính sách bảo vệ rừng.

"Việc thu lại tiền của người dân là trái quy định. Chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với người dân và trưởng bản để giải quyết vấn đề này", ông Dũng nói.

Dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng 30a nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Người dân được giao khoán bảo vệ rừng và được hỗ trợ kinh phí từ chương trình này.

An Ninh Tiền Tệ sẽ tiếp tục thông tin./.

Hồ Phương – Văn Bình

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến