Dòng sự kiện:
Hỗ trợ doanh nghiệp, hải quan giảm chi phí giao dịch thương mại
15/06/2022 15:25:09
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ hiện đang tài trợ cho Dự án Tạo thuận lợi Thương mại tại Việt Nam. Dự án nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro đối với cơ quan hải quan.

USAID cho biết, Dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển, đồng thời giảm thời gian và chi phí giao dịch thương mại. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn TS. Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi Thương mại, về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với công tác cải cách thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam.

PV: Thưa ông, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ kéo dài 5 năm, bắt đầu từ năm 2018, đến nay Dự án đã đạt được những kết quả gì?

Claudio Dordi: Dự án của chúng tối phối hợp với đối tác trực tiếp là Bộ Tài chính và đặc biệt là Tổng cục Hải quan. Chúng tôi đã cùng đối tác triển khai nhiều hoạt động trong 4 năm qua và đạt được một số kết quả quan trọng. Ví dụ, thời gian thông quan năm ngoái đã giảm đáng kể so với năm 2020; thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu giảm 12% và thủ tục xuất khẩu giảm 30% cho doanh nghiệp.

TS. Claudio Dordi, Giám đốc dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ. (Ảnh: USAID)

Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ, cơ quan hải quan, Bộ Tài chính và những Bộ ngành khác để thúc đẩy cải cách chính sách và sửa đổi văn bản pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh hợp pháp tốt hơn và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Chúng tôi đã tiến hành đánh giá 5 năm cải cách từ 2015 đến 2020 của chính phủ để cải tiến thủ tục xuất nhập khẩu và các khuyến nghị trong báo cáo của chúng tôi đã được đưa vào nghị quyết mới của chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách hơn nữa trong những năm tới. Vì vậy, chúng tôi không chỉ tìm cách khắc phục các vấn đề hiện nay mà còn cố gắng cải thiện tình hình trong tương lai, làm cho môi trường kinh doanh trở nên dễ dự đoán hơn cho doanh nghiệp.

PV: Theo ông, nút thắt lớn nhất trong lĩnh vực hải quan tại Việt Nam là gì?

Claudio Dordi: Chúng tôi nhận thấy cán bộ hải quan Việt Nam có khả năng nghiệp vụ rất tốt, họ có năng lực, hiểu vấn đề và có khả năng quản lý vấn đề. Nhưng đôi khi có một số vấn đề liên quan đến số lượng các cơ quan mà doanh nghiệp phải làm việc. Có những cơ quan không liên quan tới thủ tục xuất nhập khẩu.

Ví dụ, nếu bạn cần chứng minh các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu của bạn phù hợp với các quy định về an toàn tại Việt Nam, bạn phải xuất trình giấy chứng nhận cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số Bộ khác. Rõ ràng việc quy định về an toàn là cần thiết để không gây hại cho người tiêu dùng trong nước tại Việt Nam, song ví dụ này cũng cho thấy hầu hết các vấn đề liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu là do khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan khác nhau phụ trách những thủ tục này tại cửa khẩu.

PV: Vậy ông có khuyến nghị gì để giải quyết vấn đề?

Claudio Dordi: Để giải quyết vấn đề này, như đã thống nhất với ngành hải quan, chúng tôi phối hợp với cơ quan hải quan, các Bộ quản lý chuyên ngành, với những cơ quan cụ thể để giải quyết những vấn đề và thách thức mà họ đang gặp phải trong thủ tục xuất nhập khẩu. Tất nhiên, việc này sẽ mất rất nhiều thời gian vì các thủ tục có tính chất phức tạp. Khi nói đến thủ tục xuất nhập khẩu để thông quan hàng hóa, các cơ quan chức năng thực sự ở vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Cảng Cát Lái, cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam (Ảnh: vn.usembassy.gov)

Vấn đề ở đây là sự cân bằng giữa một bên là mục tiêu giảm bớt chi phí và thời gian kiểm tra chuyên ngành để thúc đẩy thương mại, với một bên là việc kiểm soát chất lượng của hàng hóa nhập khẩu trong mọi trường hợp để tránh tổn hại cho người tiêu dùng trong nước. Vì vậy, đây là sự cân bằng giữa các nhu cầu đối lập. Nhìn chung, với những gì chúng tôi đã thực hiện, chúng tôi nhận thấy công tác tạo thuận lợi cho thương mại có tầm quan trọng mang tính thuyết phục nhưng mặt khác không thể từ bỏ biện pháp kiểm soát.

PV: Theo ông, những địa phương nào được hưởng lợi rõ ràng nhất từ Dự án?

Claudio Dordi: Chúng tôi đã có nhiều câu chuyện thành công ở các tỉnh được lựa chọn tham gia Dự án, nhưng TP.HCM có lẽ là ví dụ điển hình nhất mặc dù các tỉnh khác cũng đều hoạt động khá tốt. Tôi muốn giới thiệu với bạn kết quả của một hoạt động ở TP.HCM mà phạm vi của nó thậm chí còn rộng hơn so với trọng tâm ban đầu là chỉ tập trung vào thủ tục xuất nhập khẩu.

Chúng tôi đã được đề nghị tiến hành đánh giá những nguyên nhân chính gây ra ùn tắc tại cảng biển ở TP.HCM để xác định các biện pháp giảm thiểu… và chúng tôi đã tìm ra những nguyên nhân chính. Sau đó chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị. Hai trong số các khuyến nghị về cơ sở hạ tầng đã được một dự án đầu tư khác của USAID tiếp nhận.

Dự án đó đang thực hiện một nghiên cứu khả thi toàn diện về kinh tế, xã hội và tài chính để xác minh xem liệu những khuyến nghị này có cải thiện tình hình một cách hiệu quả hay không. Sau khi nghiên cứu, điều gì sẽ xảy ra? Chính phủ sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư, ví dụ dưới hình thức đối tác công tư, để huy động các nguồn tài chính và cam kết từ các nhà đầu tư để thực hiện những khuyến nghị này.

PV: Dự án có kế hoạch gì trong thời gian còn lại, thưa ông?

Claudio Dordi: Bây giờ khi mọi người đã quay trở lại làm việc trực tiếp, chúng tôi có thể xây dựng các hoạt động tiếp theo. Chúng tôi đang thực hiện 3 mục tiêu quan trọng. Thứ nhất là hỗ trợ hơn nữa vai trò của khu vực tư nhân trong việc vận động cải cách thương mại và giám sát việc thực hiện các nội dung cải cách. Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh và đẩy nhanh quá trình số hóa các thủ tục hải quan mà theo quan điểm của chúng tôi là một trong những điểm mấu chốt. Thứ ba, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cải cách chính sách ở cấp trung ương để làm cho chính sách trở nên rõ ràng hơn, minh bạch hơn, tập trung hơn và trúng vấn đề.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Tác giả: Bảo Trâm

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến