Dòng sự kiện:
Huế: Lùng sục săn cau non xuất bán sang Trung Quốc
13/10/2017 06:01:21
Sau một thời gian lắng dịu, thương lái lại bắt đầu lùng sục tìm mua cau non xuất bán sang Trung Quốc với giá cao tại các địa phương tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm.

Thu mua với giá cao.

Theo tìm hiểu của PV ANTT được biết, thời gian gần đây các địa phương tại tỉnh Thừa Thiên –Huế liên tục xuất hiện tình trạng thương lái đi thu mua cau non để sơ chế bán sang Trung Quốc. Tại huyện Nam Đông và thị xã Hương Trà là hai địa phương có diện tích trồng cau lớn, xuất hiện nhiều cơ sở tập kết thu gom cau non với số lượng lớn ngay dọc trên tuyến quốc lộ 1A.

Người dân địa phương cho hay, trước đây giá cau quả rất bèo bọt, chỉ tăng nhẹ vào mỗi dịp lễ tết. Nhiều nhà trồng cau đầy vườn mà chẳng thấy bóng thương lái nào đến mua, rụng khắp sân vườn. Thế nhưng, những năm gần đây sự xuất hiện của các thương lái thu mua cau non khiến giá cau tăng cao bất ngờ.

Ông Phạm Sinh, chủ cơ sở thu mua cau non ở phường Hương Văn, thị xã Hương Trà cho biết: “Mỗi ngày cơ sở ông nhập vào khoảng 2 tấn cau non từ các thương lái. Cau non được các  thương lái thu mua tại vườn với giá 12.000 đồng/1kg. Sau khi thu mua, gia đình thuê người tách cau ra khỏi buồng đóng vào bao xuất ra các đại lý ở phía Bắc với giá 20.000 đồng/1kg để xuất sang Trung Quốc”.

Một trong những vườn cau của người dân ở tổ dân phố 4 phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà

Được biết, số cau non thu mua về và sau đó tách ra được đưa vào lò sấy khô, sau đó phân loại đóng bao xuất bán sang Trung Quốc để chế biến kẹo cau xuất sang các nước châu Âu. Sau khi được sấy khô, giá cau non sẽ dao động từ 100.000-120.000 đồng/1kg.

Mùa thu mua cau cũng trúng vào lúc nông nhàn, bà con đã thu hoạch xong hoa màu. Thấy thị trường cau non nhộn nhịp và có lợi nhuận cao, nhiều người dân đã trở thành những thương lái trực tiếp đi thu mua cau rồi bán lại cho các chủ cơ sở chế biến kiếm lời. Trung bình, mỗi ngày nếu chăm chỉ, một người có thể kiếm từ 200.000 đến 400.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, trú tại tổ dân phố 4, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà cho biết: “Nhà tôi có trồng một vườn cau khoảng 30 cây nên dịp này tranh thủ hái để bán cho thương lái khi còn được giá. Để kiếm thêm tiền, tôi còn tranh thủ đi mua của mấy hộ trong khu phố về bán lại, mỗi ngày chăm chỉ cũng thu gom được hơn 50 kg cau tươi, về bán lại cho cơ sở chế biến cau sấy khô cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng.

Thương lái đến tận nhà dân để thu mua cau để xuất bán sang Trung Quốc

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Chinh, Phó chủ tịch UBND phường Hương Văn, thị xã Hương Trà cho biết: “Cách đây hai năm trên địa bàn từng xảy ra hiện tượng thương lái ồ ạt thu mua cau non xuất sang Trung Quốc. Lúc đó, nhiều tổ dân phố trên địa bàn phường có cơ sở thu mua cau non từ các hộ dân. Hiện nay trên địa bàn phường chỉ còn hai cơ sở ở tổ dân Giáp Nhì là có thu mua cau, còn thu mua cau non hay cau già, địa phương chưa nắm được. Nhiều hộ dân tranh thủ lúc nông nhàn cũng đi thu mua cau về nhập cho hai cơ sở này để kiếm lời”.

Tại huyện miền núi Nam Đông, việc thương lái lùng sục khắp nơi mua cau, đặc biệt chỉ mua cau non về sơ chế rồi bán qua thị trường Trung Quốc làm kẹo cũng diễn ra rất nhộn nhịp, việc buôn bán cũng diễn ra thuận lợi, không phải trả giá. Năm nay, giá cau non tăng bất ngờ, có thời điểm thương lái đến tận vườn mua đến 20.000 đồng/1kg.

Cảnh buôn bán nhộn nhịp tại điểm thu mua đặt dọc trên tuyến quốc lố 1A.

Những hệ lụy từ việc thu mua cau non

Có lẽ chưa năm nào mặt hàng cau trầu lại khan hiếm và đắt đỏ vào mỗi dịp lễ tết như nhưng năm gần đây, có thời điểm cận tết, giá của mặt hàng này đắt lên gấp 10 lần so với ngày thường khiến nhiều người mua phải dè chừng.

Trước hiện tượng thương lái ồ ạt thu mua cau non trở lại, nhiều người cho rằng, trước mắt nên hạn chế thu mua ồ ạt, tránh tình trạng thương lái Trung Quốc dừng mua thì sẽ thua lỗ nặng.

Vốn dĩ, cây cau không phải là cây có giá trị kinh tế cao, thời gian từ lúc trồng đến khi khai thác rất lâu, đầu ra không ổn định trừ mỗi dịp tết. Nếu người dân chạy đua trồng loại cây này đến lúc thương lãi dừng mua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình.

Toàn bộ số lượng cau của người dân đều được thương lái mua hết.

Mỗi một đợt thu mua nông sản của thương lái Trung Quốc diễn ra với lợi nhuận cao khiến bà con nông dân đổ xô chạy theo mà ít ai quan tâm đến những hệ lụy. Vì thế để tránh những trường hợp đáng tiếc, người nông dân phải thật tỉnh táo trước những cạm bẫy “thu mua nông sản kì lạ” của các thương lái.

Bên cạnh việc thị trường cau trong nước mất ổn định, việc lò sấy cau không phép hoạt động với công suất cao gây ô nhiễm môi trường trầm trọng tại huyện miền núi Nam Đông khiến người dân vô cùng bức xúc. Điều đáng nói, lò sấy cau này đã bị xử phạt và yêu cầu tháo dỡ từ nhiều tháng trước song vẫn tồn tại và tiếp tục sản xuất, khiến nhiều người dân đặt ra câu hỏi ai đã “chống lưng” cho cơ sở này hoạt động!?

Còn nữa…                              

Đình Tuấn – Phi Hoàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến