Hụt thu từ đất vàng, Bảo hiểm PTI trả công sếp ngoại bằng tiền thuê nhà thay lương
05/04/2017 14:29:46
ANTT.VN – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) Kim Kang Wook sẽ được thanh toán chi phí thuê nhà, tiền học phí của con nhưng không được trả lương, thưởng hàng tháng như các lãnh đạo khác.

Tin liên quan

Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) được thành lập từ năm 1998 với sự góp mặt của các ông lớn như : Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE), Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HACC),…

PTI có hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và xe cơ giới. Ngoài ra PTI còn góp vốn thành lập các công ty trong lĩnh vực bất động sản, kinh doanh xăng dầu, thiết bị viễn thông…

Tháng 1/2015, PTI tăng vốn từ 500 tỷ lên hơn 800 tỷ đồng sau khi phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược đến từ Hàn Quốc – Công ty TNHH Bảo hiểm Dongbu.

Đến cuối năm 2016, cổ đông lớn của Bảo hiểm Bưu điện gồm Bảo hiểm Dongbu nắm giữ 30 triệu CP – tương ứng 37,32% vốn, Tổng công ty bưu điện Việt Nam sở hữu 22,67% vốn và công ty chứng khoán VNDirect nắm giữ 17,62% sau khi gom thêm 8 triệu CP hồi tháng 6/2016.

Thu phí bảo hiểm hơn 2.000 tỷ, gửi hết vào ngân hàng

Năm 2016, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đem về cho PTI 3.226 tỷ đồng cả mảng bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm.  

Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm gốc ghi nhận vượt mức chỉ tiêu 3% trong năm qua nhưng lợi nhuận của mảng kinh doanh chính lẫn hoạt động đầu tư đều không đạt kế hoạch đề ra. Trong khi mảng đầu tư của PTI báo lãi 125,7 tỷ đồng thì lợi nhuận thuần từ kinh doanh bảo hiểm chỉ là 3,7 tỷ đồng – đạt 67% kế hoạch được giao.

Mảng kinh doanh hoạt động bảo hiểm chỉ đem về 3 tỷ lợi nhuận cho PTI, phần còn lại nhờ lãi hàng tháng của khoản tiền gửi gần 2.000 tỷ đồng

Cũng giống như hàng loạt ông lớn có dấu ấn nhà nước khác, cơ cấu tài sản của PTI vững khi dằn túi hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng ăn lãi hàng tháng do đặc thù ngành nghề thu phí bảo hiểm trước – trả tiền đền bù tổn thất sau.

Tính đến ngày 31/12/2016, PTI có 1.823 tỷ đồng gửi ngắn hạn tại ngân hàng – đây cũng là số dư tiền gửi được giữ ổn định qua các năm, gần bằng khoản doanh thu gốc phát sinh hàng năm. Món tiền gửi khổng lồ này đem lại cho PTI khoản lãi từ 105 - 110 tỷ đồng.

Tính chung năm 2016, PTI báo lãi sau thuế 106 tỷ đồng – giảm 32,5% so với năm trước. Con số trên gần đúng bằng khoản lãi thu được từ khoản tiền gửi hàng nghìn tỷ của PTI, nói cách khác, các hoạt động kinh doanh bảo hiểm đầu tư, ủy thác… của tổng công ty này chỉ đủ để trang trải các chi phí trong năm.

Theo giải trình của tổng công ty, nguyên nhân chính sụt giảm lợi nhuận do mảng đầu tư bất động sản , cụ thể là khoản thu phát sinh từ việc cho thuê tòa nhà 26 Láng Hạ - Hà Nội và dự án 216 Võ Thị Sáu – TP Hồ Chí Minh không còn sau khi PTI bán đứt hai dự án trên trong năm 2015.

Khu đất 26 Láng Hạ - HN có vị trí ngay trên trục đường sầm uất của Thủ đô tuy nhiên bên trong không được mở rộng đầu tư và được Bảo hiểm Bưu điện cho thuê mặt bằng hàng tháng. Hiện nay, các công ty con của PTI như CTCP IBS, Công ty Cổ phần Thương mại Xăng dầu Việt Nam (Vinapetro) vẫn đặt trụ sở tại đây.

Hụt thu từ việc cho thuê mặt bằng khu đất 26 Láng Hạ, lợi nhuận PTI sụt giảm mạnh

Chuyện trả lương sếp nội – sếp ngoại

Với tình hình lợi nhuận sụt giảm như trên, năm 2017, HĐQT Tổng công ty bảo hiểm Bưu điện PTI đặt kế hoạch tổng doanh thu kinh doanh bảo hiểm là 3.466 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm gốc là 3.320 tỷ.

PTI cũng dự kiến sẽ tiết giảm chi phí để tăng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 14,5 tỷ - thay cho con số ít ỏi 3,7 tỷ trong năm 2016.

Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế năm 2017 trong kế hoạch lần lượt là 145 tỷ và 117 tỷ đồng.

Cơ cấu ban lãnh đạo, HĐQT và Ban kiểm soát PTI có khá nhiều thay đổi trong năm qua với việc ông Nguyễn Trường Giang từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT công ty ngay trước thềm đại hội cổ đông 2016.

Hiện nay HĐQT PTI gồm 7 người do ông Nguyễn Minh Đức.làm chủ tịch và ông Kim Kang Wook – người Hàn Quốc là phó chủ tịch HĐQT chuyên trách.

Chia tay PTI cùng ngày với ông Nguyền Trường Giang, bà Nguyễn Thị Hồng Lan cũng bị miễn nhiệm khỏi chức trưởng ban kiểm soát tổng công ty, ông Nguyễn Hữu Thắng được bổ nhiệm thay thế.

Mặc dù con số lợi nhuận năm 2016 của PTI sụt giảm so với năm trước và không hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng mức thù lao nhận được cho ban lãnh đạo của tổng công ty lại tăng gấp đôi.

Năm 2015, HĐQT và BKS tổng công ty nhận được tổng cộng 715 triệu đồng tiền thù lao, thưởng, trong đó chủ tịch HĐQT nhận lương 11 triệu/tháng và trưởng ban kiểm soát nhận 3,5 triệu đồng/tháng.

Năm 2016, tổng tiền thù lao, lương thưởng năm nay mà các sếp nhận được là 1,55 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, PTI vẫn sẽ dành 1% lợi nhuận đạt được trong năm để chi trả thù lao cho HĐQT, BKS, riêng phó chủ tịch HĐQT chuyên trách là ông Kim Kang Wook sẽ được công ty thanh toán  chi phí thuê nhà, tiền học phí cho con và các chi phí khác theo quy định nhưng không được trả lương, thưởng như các lãnh đạo khác.

Đối với trưởng ban kiểm soát chuyên trách là ông Nguyễn Hữu Thắng, PTI sẽ trả lương, thưởng theo mức quy định.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến