Hy Lạp: Bất chấp Châu Âu với lá phiếu “Không” áp đảo
06/07/2015 10:23:59
ANTT.VN – Kết quả chính thức từ cuộc trưng cầu dân ý “định mệnh” hôm 5/7 cho biết, người dân Hy Lạp đã quyết nói “Không”, từ chối các điều kiện cải cách hà khắc đến từ các chủ nợ quốc tế đưa ra.

Tin liên quan

Kết quả chính thức từ cuộc trưng cầu dân ý “định mệnh” hôm 5/7 cho biết, người dân Hy Lạp đã quyết nói “Không”, từ chối các điều kiện cải cách hà khắc đến từ các chủ nợ quốc tế đưa ra. Điều này cũng khiến người ta ngờ vực hơn về tương lai bế tắc của quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung Châu Âu này.

Ngay sau khi kết quả chính thức được công bố, đồng euro giảm hơn 1% so với đồng USD. Thị trường chứng khoán châu Âu hôm nay cũng “ngập” trong tin về Hy Lạp. Một nguồn tin cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã sẵn sàng cho một hội nghị thượng đỉnh nhằm thảo luận về những bước tiếp theo.

Hàng ngàn người dân Hy Lạp đã tập trung tại Quảng trường trung tâm thành phố cùng cờ cũng như pháo nổ để ăn mừng kết quả này. Số liệu chính thức cho thấy, 61% cử tri Hy Lạp đã bác bỏ thỏa thuận có thể một lần nữa các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc với nền kinh tế vốn đã đang kiệt quệ này.

“Các bạn đã có một sự lựa chọn vô cùng dũng cảm”. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã nói trong một bài phát biểu trên truyền hình. "Nhiệm vụ các bạn đã trao cho tôi không phải sụp đổ trong châu Âu, mà là tăng cường vị thế đàm phán của Hy Lạp nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi nhất".

Kết quả với số phiếu “Không” áp đảo đã gây ra bất ngờ sau những tuyệt vọng gia tăng và một tuần với các ngân hàng đóng cửa cũng như các máy rút tiền luôn trong trạng thái “cạn”.

Kết quả bỏ phiếu này đã đưa Hy Lạp đến một tình thế đầy những khó khăn: điều này là vô cùng mạo hiểm khi hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ và quốc gia này hoàn toàn có thể phải nói lời chia tay với Eurozone. Nếu không có thêm các khoản tài trợ khẩn cấp từ Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB, các ngân hàng Hy Lạp có thể “chết khô” chỉ trong vài ngày tới. Điều này có thể dẫn đến việc buộc chính phủ phải phát hành thêm tiền để có thể chi trả các khoản như lương hưu và tiền lương.

Đối với hàng triệu người dân Hy Lạp, kết quả này cũng chính là một thông điệp gửi đến các chủ nợ quốc tế về sự tức giận của họ. Hy Lạp sẽ không thể chấp nhận cái vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại của chính sách thắt lưng buộc bụng nữa. Sự hà khắc này đã để lại cho Hy Lạp những gì?, một phần tư số người không có việc làm, nền kinh tế thì kiệt quệ. Thủ tướng Hy lạp, ông Tsipras thậm chí đã lên án cái giá phải trả cho viện trợ chính là những “tối hậu thư”, chẳng khác nào như một sự “sỉ nhục” với quốc gia.

"Thông điệp từ các lá phiếu “Không” cho thấy chúng ta đã không sợ hãi sau tất cả những áp lực chúng ta đã đối mặt”, ông Stathis Efthimiadis, một giáo viên 47 tuổi cho biết.

"Chúng tôi muốn được sống công bằng và tự do ở châu Âu."

Các quan chức của chính phủ Hy Lạp đã lập luận rằng những lá phiếu “Không” sẽ tăng cường sức mạnh cho quốc gia này để có thể tiến tới bàn đàm phán, tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn với các chủ nợ quốc tế. Sau khi kết quả chính thức được công bố, họ cho biết sẽ cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán sớm nhất với các đối tác châu Âu.

Tuy nhiên,  các quan chức khu vực đồng euro đã “dập” ngay những tia hy vọng về việc nối lại các vòng đàm phán một cách nhanh chóng mặc dù các bộ trưởng tài chính cũng đã có một tuần bận rộn nhằm thảo luận về các kế hoạch sau khi kết quả cuộc trưng cầu được đưa ra. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho biết sẽ gặp nhau tại Paris vào chiều thứ Hai 6/7.

"Tsipras và chính phủ của ông ta đang dẫn những người dân Hy Lạp đi trên con đường tràn ngập sự thất vọng và bị bỏ rơi”, Bộ trưởng kinh tế Đức Sigmar Gabriel phát biểu trên báo Tagesspiegel. Ông cho rằng “khó có thể tưởng tượng được” về khả năng nối lại các cuộc đàm phán với Athens giờ đây.

Nhiều phía đối tác của Athens trong tuần qua cũng đã cảnh báo, lá phiếu “Không” cũng sẽ đồng nghĩa với việc “cắt cầu” đàm phán với các đối tác Châu Âu, đưa hệ thống tài chính Hy Lạp đến với bờ vực phá sản hoàn toàn.

Kết quả về cuộc trưng cầu dân ý “định mệnh” đã giáng một đòn vào dự án duy trì đồng tiền chung của Liên minh Châu Âu – khối được tạo ra cách đây 15 năm với mục đích về sự trường tồn vĩnh viễn và không thể phá vỡ. Giờ đây, nguy cơ về việc mất đi một thành viên là hoàn toàn có thể.

"Tôi tin rằng kết quả như vậy có thể là công cụ đàm phán mạnh mẽ bởi châu Âu có thể hiểu rằng, chúng tôi không phải là một thuộc địa", Nefeli Dimou, một sinh viên 23 tuổi ở Athens cho biết.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất, Thủ tướng Tsipras cho biết Athens đã trở lại bàn đàm phán với mục tiêu rõ ràng hơn về việc mở cửa trở lại các ngân hàng đã đóng cửa hơn một tuần qua nhằm áp đặt kiểm soát vốn. Việc khống chế mỗi người chỉ được rút 60 euro mỗi ngày cũng sẽ được đem ra bàn luận.

Sau kết quả “Không” áp đảo, giờ đây là cuộc chạy đua giữa hai thế lực: một bên là áp lực chính trị về việc đạt được thỏa thuận, một là bên là những tác động về sự rối loạn trong hệ thống Ngân hàng Hy Lạp”, JP Morgan cho biết trong một nghiên cứu.

Lời kêu gọi trưng cầu dân ý của Thủ tướng Tsipras tám ngày trước đã đến sau nhiều tháng đàm phán ròng rã không đạt được kết quả với các chủ nợ. Không thể vay tiền trên thị trường vốn, Hy Lạp đã ở một trong những mức cao nhất thế giới về nợ công. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cảnh báo rằng quốc gia này cần ít nhất 50 tỷ euro để có thể ổn định tình hình tài chính.

Những thăm dò ý kiến ​​trong vài tháng gần đây đã cho thấy, phần lớn người dân Hy Lạp đều muốn ở lại với khu vực đồng tiền chung Châu Âu. Một số dường như “phớt lờ” những cảnh báo về “thảm họa” có thể xảy ra và vẫn tin tưởng về một thỏa thuận có thể đạt được mà không phải chấp thuận những yêu cầu về tăng thuế cũng như cải cách lương hưu.  

"Tôi đã thất nghiệp gần bốn năm nay và tự nhủ rằng phải kiên nhẫn", Eleni Deligainni 43 tuổi, người đã góp một lá phiếu “Không” cho biết.

Thanh Hương (Theo Reuters) 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến