Hy Lạp và cuộc trưng cầu dân ý “định mệnh”
03/07/2015 17:10:38
ANTT.VN – Chủ nhật 5/7 tới, Hy Lạp sẽ bước vào cuộc trưng cầu dân ý “định mệnh”, mang tính quyết định với tương lai của quốc gia này.

Tin liên quan

Các ngân hàng đóng cửa, kho bạc “trống trơn”, Hy Lạp đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý “định mệnh”, quyết định tương lai của đất nước.

Chủ nhật, 5/7 tới tại Hy Lạp sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định, liệu quốc gia này sẽ chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc để đổi lấy cơ hội cuối cùng mở khóa gói cứu trợ bị đóng băng hay sẽ lao sâu hơn vào cuộc khủng hoảng kinh tế.

Cuộc trưng cầu dân ý “định mệnh” này cũng có thể xác định liệu Hy Lạp có trở thành quốc gia đầu tiên sụp đổ trong khối 19 quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Chính phủ cho biết chi phí sẽ là khoảng 20 triệu euro (22 triệu USD) cho việc phát hành và bỏ phiếu. Các nhà lập pháp phe đối lập thì cho rằng, con số này sẽ phải lên đến 120 triệu euro theo nghiên cứu của Bộ Tài chính từ năm 2011.

Phục vụ cho ngày trọng đại này, không chỉ chính phủ mà ngay cả người dân Hy Lạp cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính. Với hạn mức tối đa tiền mặt được rút một ngày là 60 euro và thẻ tín dụng không phải lúc nào cũng được chấp nhận, người dân Hy Lạp sẽ phải đối mặt với hàng loạt các khoản như chi phí đi lại, tạm ngừng kinh doanh trong thời điểm đang vô cùng khó khăn này.

"Tôi không muốn chi tiền và tôi không muốn bỏ phiếu", Dimitra Bakratsa, 34 tuổi, người làm việc trong ngành du lịch cho biết. Cô cho biết mình không thể đủ khả năng chi trả 60 euro cho một vé xe lửa trở về Larissa, cách Athens 220 dặm về phía bắc – nơi cô sẽ bỏ phiếu. "Đi một quãng đường như vậy và bỏ tiền ra để làm gì? Khi mà nó sẽ chẳng thay đổi bất cứ điều gì cả. Không có sự lựa chọn nào tốt cho Hy Lạp".

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Bộ Nội vụ cho biết để tạo điều kiện cho người dân tham gia bỏ phiếu, phí sử dụng đường cao tốc sẽ được miễn và giảm giá cho các chuyến tàu, chuyến bay và xe buýt liên thành phố. Các trạm xăng dầu cũng đang được xử lý để chấp nhận thẻ tín dụng.

Cử tri Hy Lạp sẽ không thể bỏ phiếu vắng mặt hay bỏ phiếu bằng thư. Và họ chỉ có thể bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu, nơi mình được đăng ký, thông thường sẽ là địa chỉ theo khai sinh.

Lần gần nhất mà quốc gia này tổ chức trưng cầu dân ý là năm 1974, để thoát khỏi nền quân chủ, trở thành một nước cộng hòa.

Chỉ năm tháng sau cuộc bầu cử mang ông Tsipras đến với ghế Thủ tướng Hy Lạp hồi 25/1, cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ Nhật tới sẽ thực hiện theo cách tương tự với việc đơn giản hóa một số thủ tục.

Các chuyên gia hiến pháp và luật sư đã dấy lên lo ngại về tính hiệu lực và công bằng của cuộc bầu cử này. Họ đưa ra lập luận, thời gian dành cho cuộc trưng cầu dân ý mang tính quyết định là quá ngắn. Việc thiếu thời gian chuẩn bị cho quyết định bỏ phiếu cũng như thông tin không đầy đủ cũng bị đưa ra chỉ trích.

Bộ trưởng Nội vụ Nikolaos Voutsis hôm qua cho biết chính phủ sẽ đảm bảo về các lá phiếu hôm Chủ nhật tới. Tỷ lệ cử tri đi bầu phải đạt từ 40% để việc bỏ phiếu hợp pháp, một con số dễ dàng đạt được khi tỷ lệ này trong cuộc bầu cử hồi tháng Giêng là 64%.

Lá phiếu duy nhất quyết định tương lai của Hy Lạp sẽ ghi lại quyết định “Không” hay “Có” về việc liệu liệu có chấp thuận các điều khoản của chủ nợ đưa ra về gói cứu trợ đã hết hạn.

“Tôi đang chờ đợi để được nghe nhiều hơn khi mọi việc tạm ổn và để hiểu rõ hơn, mình đang bỏ phiếu cho điều gì”, Vaggelis Papadopoulos - người làm việc tại một cửa hàng photocopy cho biết.

"Tôi muốn bỏ phiếu ''Có'' nhưng kinh doanh là kinh doanh" Papadopoulos, người điều hành một cửa hàng cà phê nhỏ ở trung tâm Athens cho biết. Địa điểm bỏ phiếu của anh là Thessaloniki cách đây hơn 300 dặm về phía bắc. "Tôi phải làm việc. Tôi không thể đóng cửa quán cà phê vì nó mở cửa vào Chủ nhật và tôi chỉ có một mình. "

Các khảo sát cho thấy 74% người dân Hy Lạp muốn ở lại với khu vực đồng tiền chung châu Âu, 15% muốn quay lại với đồng tiền riêng và 11% vẫn chưa có quyết định.

Thứ Năm 2/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cảnh báo rằng Hy Lạp sẽ phải đối mặt với “lỗ hổng tài chính” khổng lồ cho dù kết quả của cuộc trưng cầu dân ý có ra sao. IMF cũng cho biết, Hy Lạp cần thêm 50 tỷ euro trong vòng 3 năm tới, trong đó có 36 tỷ euro từ các đối tác châu Âu để có thể ổn định tình hình.

Thanh Hương (Theo Bloomberg và Reuters)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến