Dòng sự kiện:
K20 trong ký ức của Trưởng ban an ninh
30/01/2015 16:30:17
ANTT.VN - Cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã từng khen ngợi: “K20 là biểu tượng của lòng quả cảm, một sáng tạo của cách mạng miền Nam, của quân và dân Quảng Đà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Tin liên quan


Hồi ấy, căn cứ vùng lõm K20, thuộc P. Bắc Mỹ An, Quận 3, TP Đà Nẵng (cũ) là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Lúc đó, đồng Đặng Văn Khá là Trưởng ban An ninh Quận 3. Quận ủy Quận 3 giao cho Ban an ninh Quận 3 tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật đồng thời tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm  bảo vệ và đưa Quận ủy từ bên ngoài vào đây để lãnh đạo trực tiếp phong trào cách mạng.

Xác định K20 là địa bàn xung yếu, địch tăng cường các lực lượng ngày đêm lùng sục đàn áp rất ác liệt. Đặc biệt, sau đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, tại khu vực Bắc Mỹ An cũng như các vùng ven đô phụ cận thành phố thường xuất hiện một số người lạ mặt, đa số là đàn ông tầm 45 tuổi. Họ làm đủ thứ nghề như bán hàng rong, cắt tóc dạo, câu cá, đi mua đồng nát... Thậm chí các đối tượng còn câu cá đến con sông Hòa Hải giáp Điện Ngọc, cắt tóc dạo đến cả căn cứ ta làm chủ.  Họ lùng sục hầu hết các ngõ ngách, xóm thôn. Một số hầm bí mật của ta bị địch phát hiện, không ít cơ sở cách mạng bị bắt bớ, tra tấn dã man, nhiều cán bộ của cách mạng hy sinh. Các cơ quan chủ chốt của Quận 3 bị địch đánh bật ra vòng ngoài, buộc phải chuyển địa bàn khác hoạt động.

Đồng chí Đặng Văn Khá (bên trái) và đồng chí Trần Công Dũng (bên phải) CADN

Chiều tối muộn năm 1972, đồng chí Đặng Hồng Vân, Bí thư Quận ủy Quận 3, đồng chí Trần Công Dũng, Đội trưởng trinh sát vũ trang, Ban an ninh Quận 3 cùng đồng chí Đặng Văn Khá, Trưởng ban An ninh ra cánh đồng Hồ Tre, An Thượng, Bắc Mỹ An để nắm tình hình địch và đào hầm bí mật ẩn nấp. Trời tối lại vắng người,  đồng chí Vân và đồng chí Dũng giật mình khi phát hiện một người xách cần câu lội dọc bờ tre đang dòm ngó.

Chớp thời cơ, đồng chí Vân và đồng chí Dũng đã “tóm” được tên lạ mặt. Qua kiểm tra đã phát hiện ra chiếc cần câu không có...lưỡi, đồ mồi để câu cá cũng không có! Ngoài giấy căn cước, kẻ lạ mặt còn những giấy tờ khác. Qua đấu tranh, khai thác kẻ lạ mặt thú nhận là cộng tác viên của địch.Đây đều là những thám báo hết sức nguy hiểm.

“Các đối tượng nghi vấn cũng giống như con ong lấy mật bốn phương rồi cũng về tổ. Từ đó, tôi cho các trinh sát theo dõi những đối tượng nghi vấn, hành nghề giả” – đồng chí Khá kể lại. Qua trinh sát, đã phát hiện các đối tượng tập trung ở khu nhà thờ Thiên chúa giáo, các đối tượng còn có trang bị vũ khí.

Địch ngày đêm càn phá, đồng chí Hoàng Văn Lai, Trưởng ban An ninh tỉnh Quảng Đà giao nhiệm vụ cho chính đồng chí Khá phải nhanh chóng khôi phục lại các cơ sở cách mạng vùng lõm K20 để tạo thế tấn công khu căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng. Những ngày đầu bí mật trở lại K20, các trinh sát của ta bám sất cơ sở, đồng thời phải chịu đựng nhiều sự gian khổ.

Phương – trinh sát được đồng chí Khá bồi dưỡng nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Phương đã tiếp cận được các đối tượng “ăn cắp” tài liệu viết tay của gián điệp. Đây là những tài liệu hết sức quan trọng và vô cùng giá trị. Vào thời điểm nữ trinh sát Phương lấy được nhiều tài liệu quan trọng thì cũng là thời điểm địch tăng cường càn quét, một số chiến sĩ của ta đã hy sinh. 12 đồng chí bị địch bắt dùng đủ mọi thủ đoạn nhục hình, tra tấn hết sức tàn bạo, song vẫn tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định mục tiêu, con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, không khuất phục trước đòn roi, họng súng của kẻ thù.

Bộ quần áo Pilama của đồng chí Đặng Văn Khá gửi tặng Bảo tàng Công an Nhân dân. Đây là bộ quần áo được đồng chí sử dụng trong suốt những năm kháng chiến

Đồng chí Khá kể lại: “Có những lúc bị địch truy lùng gay gắt, chiến sĩ ta phải dầm mình, đội  bèo ở dưới sông nước nhiều ngày, chịu đói cơm, lạt muối đợi đêm xuống mới lên đào hàng chục hầm bí mật để trú ẩn, từng bước liên lạc với các cơ sở cũ, tiếp tục lựa chọn, xây dựng các cơ sở mới. Sau khi củng cố lại mạng lưới cơ sở đủ tin cậy, tiếp tục triển khai các phương án đấu tranh”.

24/9/2010, căn cứ vùng lõm K20 đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã từng khen ngợi: “K20 là biểu tượng của lòng quả cảm, một sáng tạo của cách mạng miền Nam, của quân và dân Quảng Đà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Với những người lính, chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau – vết thương chiến tranh vẫn như bom đạn gài trong trái tim mỗi người lính. Bởi, để có hòa bình hôm nay, hàng ngàn chiến sĩ đã phải hy sinh xương máu.

Thu Thủy


 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến