Dòng sự kiện:
Khách hàng mua nhà dự án 8B Lê Trực 'ngồi trên đống lửa'
17/03/2016 12:00:59
Bán cả gia sản, thậm chí vay ngân hàng với lãi suất cao để tìm được chốn an cư, nhưng không ít khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình – Hà Nội) lại lâm cảnh “sống dở, chết dở”, bởi áp lực phá dỡ cũng như sự liên đới đến kết cấu và tuổi thọ công trình.

Tin liên quan

Mật độ an toàn của các hộ dân liền kề, hiện cũng đang được tính bằng xăng – ti – mét khi gạch đá, vôi vữa, các phế liệu tháo dỡ cứ “tự do” rơi xuống đầu dân mỗi ngày.

Công trình phá dỡ nằm sát đầu dân

Gạch vữa văng đầy cửa sổ

Khách hàng “ngồi” trên đống lửa

Gom góp cả đời để mua được căn nhà ưng ý, câu chuyện “an cư lạc nghiệp” của những khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực bỗng trở nên đỉnh điểm sau khi chính quyền có quyết định cưỡng chế phá dỡ phần sai phép xây dựng. Dư luận lâu nay có lẽ chỉ tập trung việc phá ra sao, dỡ thế nào mà “vô tình” quên đi những hộ dân, những khách hàng đã bỏ ra nhiều tỷ đồng mới có thể mua được căn hộ để ở.

Theo địa chỉ đơn kêu cứu của những hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực gửi đến Báo Xây dựng, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Xuân, trú tại ngõ Quan Thổ 1 (Đống Đa – Hà Nội). Nằm lắt léo trong con hẻm sâu, căn hộ 40m2 mà gia đình chị đang tạm trú, mặc nhiên trở thành hình ảnh trái ngược với những “dị nghị” về việc chỉ có đại gia tiền mới đủ mua được nhà khu Lê Trực.

Khẩn thiết chia sẻ với chúng tôi, chị Xuân cho biết: Để có tiền mua nhà, vợ chồng tôi phải bán hết đất đai, nhà cửa vốn có, thậm chí còn vay thêm cả người thân, vay ngân hàng chịu lãi suất để mong muốn có chỗ ở ổn định. Bây giờ đã đóng đến 90% tiền nhà rồi mà công trình lại bị dừng để phá dỡ thì biết đến bao giờ chúng tôi mới có nhà để ở và liệu có ai đứng ra dám chắc, rằng tuổi thọ công trình sẽ không bị ảnh hưởng hay không? Chúng tôi có thể già chết đi, nhưng còn con cháu, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm?

Chị cũng cho biết, do dồn hết tiền mua nhà nên hiện gia đình chị gồm mẹ già 97 tuổi, hai vợ chồng và cậu con trai đang theo học đại học phải đi thuê trọ hơn 1 năm nay. Mỗi tháng, ngoài tiền nhà, tiền trả lãi suất ngân hàng thì nỗi lo chất lượng nhà bị ảnh hưởng đã khiến cho gia đình chị như ngồi trên đống lửa.

Chia sẻ về mong muốn dọn về nơi ở mới, bà Nguyễn Thị Ngân, mẹ đẻ chị Xuân cũng không dấu nổi nỗi thấp thỏm: “Giời cũng thương, năm nay đã 97 rồi chứ ít gì. Nhưng đợi về nhà mới lâu quá, chắc là chẳng kịp nữa. Thuê ở đây cũng đắt lắm đấy, thế mà hỏi chúng nó cứ lặng thing”.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ bà Nguyễn Thị Ngân vẫn mong mỏi có ngày được về trong căn hộ mới.

Nhiều vết nứt xuất hiện sau khi cưỡng chế phá dỡ

Đồng cảnh ngộ với gia đình cụ Ngân, vợ chồng ông Nguyễn Quang Lung và bà Trần Thị Kiệm cũng đêm ngày sống trong hoang sợ. Đều là những cán bộ nghỉ hưu của ngành y tế, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông bà vẫn dồn tiền về mua nhà tại quận Ba Đình để được sống gần ông bà nội, ngoại. Bà Kiệm cho biết: Bao nhiêu tiền của vợ chồng dồn hết vào mua nhà rồi. Căn hộ của tôi nằm tại tầng số 16, nếu bây giờ tháo dỡ phía trên thì ai, cơ quan nào dám đảm bảo nó sẽ giữ nguyên được chất lượng như ban đầu? Giả sử chủ đầu tư phá sản, không tồn tại thì ai sẽ khắc phục hậu quả? Quyền lợi khách hàng của chúng tôi sẽ ra sao? Chương trình trái tim cho em, cặp lá yêu thương đang ra sức kêu gọi những nhà hảo tâm, những nhà tài trợ, vậy tại sao không để cho chủ đầu tư công ích phần sai phạm để cứu lấy các em?

Dân chỉ biết kêu trời!

Song hành với nỗi khổ của những khách hàng mua nhà, hàng chục hộ dân liền kề từ số nhà 110 đến 188 phố Nguyễn Thái Học cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, do tác động tiếng ồn, khói bụi và phế liệu tháo dỡ.

Trao đổi với PV, bà Hứa Thị Kim đại diện các hộ dân sống tại tổ 12, cụm dân cư số 6, Phường Điện Biên chia sẻ: Chúng tôi là những hộ liền kề từ tính từ số nhà 110 đến 188 Nguyễn Thái Học, từ ngày công trình được khởi công, người dân chúng tôi không những bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, bụi khói bụi mà còn bị tra tấn bởi những khối gạch vữa phía trên rơi xuống. Mừng vì công trình được xây dựng xong, nhưng không ngờ mới đây lại bị đập đi, phá dỡ. Điều này càng khiến chúng tôi hoang mang và thấy nguy hiểm hơn, bởi các khối bê tông, gạch vụn rơi xuống mái ngói và cũng có thể rơi trúng đầu, gây thương vong bất cứ lúc nào. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho các hộ dân chúng tôi?

Hàng chục hộ dân sống liền kề toà nhà Lê Trực đang kêu cứu

Chung cảnh ngộ, bà Hứa Thị Năm, trú tại số nhà 104 Nguyễn Thái Học cũng lo lắng khôn nguôi: “Cứ thử hình dung, trong những mái nhà này toàn là người già, trẻ nhỏ, con cái chúng tôi sống trong đó, nếu vô tình mảng xi măng rơi xuống đầu thì tính mạng con cháu tôi sẽ ra sao? Sai đã sai rồi, pháp luật cũng có quy định phạt cho tồn tại để công ích cho ngân sách nhà nước, vậy sao không áp dụng mà cứ phải phá đi để dân chúng tôi khổ thế này?”

Bà Năm cũng mong muốn nhà nước sẽ có những cách xử lý nhân văn hơn, sai có thể sửa bằng nhiều cách, chứ không nhất thiết là phải phá đi, dân chúng ta còn quá nghèo, còn rất nhiều các em nhỏ khó khăn, việc phá đi là rất lãng phí. Nên giao cho lực lượng vũ trang, công an, bộ đội… sử dụng phần sai phạm này thì an ninh càng tốt và dân ở cũng yên tâm.

Theo Báo Xây dựng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến