Dòng sự kiện:
“Khai tử” xe máy hết date từ 2018: Nên làm thận trọng!
25/02/2017 18:12:18
2,5 triệu xe máy cũ ở riêng Hà Nội sẽ bị thu hồi để cải thiện môi trường sống cho sức khỏe của 7,5 triệu dân thủ đô. Vấn đề đặt ra là 2,5 triệu người chủ xe đó sẽ bị ảnh hưởng gì vì chính sách này và nếu chỉ thu hồi xe máy cũ nát thì liệu có công bằng?

Tin liên quan

Một chiếc xe máy cũ nát không còn rõ hình thù, biển số bị CSGT thu hồi trong đợt ra quân tháng 10.2015

Gần đây dư luận bàn tán xôn xao về chủ trương thu hồi các loại xe máy cũ nát, hết “đát” để bảo vệ môi trường và hạn chế tai nạn giao thông. Nhiều người lo lắng về việc tài sản của mình có thể bị thu hồi và không rõ thu hồi như thế nào, cơ chế ra sao.

Thực ra, hành động này của Hà Nội không phải là mới, mà chỉ là tuân thủ theo Quyết định số 16 ban hành ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó từ 1/1/2018, xe mô tô, xe gắn máy và ô tô các loại hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi.

Tiếp đó, cuối tháng 10/2015, CSGT Hà Nội đã tổ chức một cuộc ra quân rất lớn nhằm “khai tử” những chiếc xe cũ nát đang tham gia giao thông trên đường phố. Sau đợt ra quân, hàng trăm chiếc xe cũ nát từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước đã bị thu hồi, trong đó nhiều chiếc đã không thể nhận ra thương hiệu, chủng loại, biển số…

Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô các loại đang lưu hành. Trong đó có 2,5 triệu xe máy đã sử dụng lâu năm. Theo một khảo sát đáng tin cậy thì lượng tiêu hao nhiên liệu của xe máy so với xe buýt là cao hơn 92 lần. Lượng chất thải trung bình, cũng cao hơn xe con tới gần 4 lần và cao hơn xe buýt tới gần 40 lần.

Bên cạnh đó, xe máy cũ sử dụng công nghệ thấp nên khả năng đốt cháy nhiên liệu không hết, thải ra ngoài môi trường gấp nhiều lần ô tô, phần lớn khí thải độc hại là các hydrocarbon, tác động xấu tới sức khỏe con người. Đó là chưa kể, tai nạn giao thông do xe máy cũ gây ra cao hơn nhiều lần so với xe máy mới sản xuất. Bởi thế, chủ trương này được đa số dư luận đồng thuận.

Tuy nhiên, theo giới luật sư, việc thu hồi này có thể ảnh hưởng đến lợi ích bao gồm tài sản, phương tiên và kế sinh nhai của nhiều người nghèo. Vì thế cần giải thích rõ để người dân hiểu rõ và đồng thuận. Sau đó, nên có lộ trình, giải pháp phù hợp để triển khai. Có thể trích ngân sách mua lại những xe máy cũ đó để không vi phạm quyền về tài sản của người dân cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Hoặc chính quyền phối hợp với doanh nghiệp để xã hội hóa chủ trương này.

Ngoài ra, hiện nay Nhà nước mới chỉ có quy định niên hạn với xe tải (lưu hành không quá 25 năm) và xe chở khách (lưu hành không quá 20 năm). Vì vậy, từ 1/1/2018, việc thu hồi các xe quá niên hạn sử dụng, chỉ áp dụng được với xe tải, xe khách. Với ô tô con và xe máy, đến nay vẫn chưa có quy định về niên hạn, nên chưa thể thu hồi. Muốn thu hồi, từ nay đến đó cần xây dựng liệu trình phù hợp, cơ sở pháp lý rõ ràng. Nên chăng thực hiện thu hồi đồng đều các loại phương tiện không đảm bảo để tạo sự ủng hộ của đông đảo người dân.

Vinh Phan

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến