Tin liên quan
Minh họa: DAD
Tại sự kiện Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) 2016, dịch vụ truyền hình trả tiền Internet Netflix đã công bố mở rộng hoạt động thêm đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có VN. Hiện trang web này cho phép dùng thử một tháng trước khi đăng ký thuê bao, đã mở cổng bán và thanh toán online với nhiều gói dịch vụ khác nhau bằng tiền Việt, giá thấp nhất là 180.000 đồng/tháng, cao nhất là 260.000 đồng/tháng. Người sử dụng tại VN có thể dùng thẻ tín dụng Visa hay Master... để thanh toán trực tiếp đến tài khoản của Netflix ở nước ngoài.
Netflix là tên tuổi mới nhất bước vào khai thác thị trường kỹ thuật số VN và làm dài thêm danh sách... thất thu thuế của cơ quan thuế. Cũng như Google, Facebook, Uber..., Netflix cho đến nay chưa thấy có đại diện pháp lý tại VN.
“Họ không có chi nhánh tại VN, chỉ có đại diện tại VN. Nơi nhận tiền thanh toán là tài khoản nước ngoài, cơ quan thuế cũng chưa hình dung được “nó”. Muốn đánh thuế, thu thuế nhưng chưa biết “nó” ở đâu” Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM |
Kiếm tiền VN và... không bị chế tài
Ước tính gần nhất cho thấy, năm 2014, tổng doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến VN đạt khoảng 5.000 tỉ đồng, trong đó riêng phần doanh thu trực tiếp của Google và Facebook chiếm khoảng 75%. Nếu tính cả thu gián tiếp qua các đại lý quảng cáo là doanh nghiệp VN, hai ông lớn này chiếm đến 90% thị phần.
Nhìn lại, năm 2010 doanh số quảng cáo của Facebook tại VN chưa đến 1% thị phần. Đến hết 2014, lần đầu tiên doanh thu quảng cáo Facebook tại VN vượt qua Google với mức tăng trưởng trung bình trên 100%/năm. Tuy nhiên, dù kinh doanh tại VN ngày càng tăng trưởng mạnh và dẫn đầu thị trường quảng cáo trực tuyến, Facebook và Google đã không hề đóng một đồng thuế doanh nghiệp nào cho VN.
Đa số các giao dịch với hai “ông lớn” này đều được thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế. Tiền thanh toán từ thẻ tín dụng được chuyển thẳng vào tài khoản ở nước ngoài của Google, Facebook hay Uber. Tuy có đại lý tại VN nhưng hầu hết không phải là đại diện pháp lý, không chịu trách nhiệm về pháp lý hay thuế, vì vậy các “đại gia công nghệ” này không bị ràng buộc báo cáo doanh thu hay kê khai thuế. Theo một lãnh đạo trong lĩnh vực kỹ thuật số, Google có chính sách thiên về số lượng lớn, cho người tiêu dùng cuối cùng (end-user) đăng ký và thanh toán trực tiếp qua website, tránh việc áp thuế tại nước sở tại.
Ngành thuế chưa “nắm” được hoạt động kinh doanh của các tập đoàn công nghệ lớn - Ảnh: Diệp Đức Minh
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Athena, nói thẳng: “Các nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số nước ngoài không cần mở đại diện pháp luật tại VN, không bị chế tài hay ràng buộc bởi pháp luật VN mà vẫn bán được hàng, vẫn cung cấp được dịch vụ. Không chỉ Google, Facebook mà nhiều trang bán hàng trực tuyến khác cũng đều như vậy. Thực trạng cho thấy cơ quan thuế đã thất thu thuế rất lớn từ những giao dịch trên mạng”.
Google trốn 2,4 tỉ USD tiền thuế trên toàn cầu Theo Bloomberg, một báo cáo của Hội đồng thương mại Hà Lan mới đây cho biết, Google đã trốn 2,4 tỉ USD tiền thuế trên toàn cầu trong năm 2014 bằng cách chuyển 12 tỉ USD doanh thu tại thị trường ngoài Mỹ tới một công ty ở Bermuda. Khoản doanh thu trên được Google di chuyển qua chi nhánh có tên Google Netherlands Holdings BV ở Hà Lan tới công ty ở Bermuda. Tháng trước, công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới này đã bị truy thu 130 triệu bảng tiền thuế mà công ty này bị cho đã trốn đóng ở Anh trong 10 năm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng con số này thấp xa so với số thuế mà Google phải đóng trên thực tế. |
Cơ quan thuế “chưa biết nó ở đâu”
Theo ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty dịch vụ kế toán Đồng Hưng, không chỉ là những ông lớn, mà cơ quan thuế cũng không thu được thuế từ những dịch vụ xuyên biên giới từ ngoài nước vào trong nước hay trong nước ra nước ngoài đang phát triển mạnh.
Chẳng hạn có những công ty phần mềm cung cấp dịch vụ gia công (outsource) phần mềm cho nước ngoài. Họ chỉ cần gửi phần mềm gia công qua internet, bên kia chuyển tiền không cần hóa đơn. Hay dịch vụ kế toán xuyên biên giới cũng phổ biến, người làm xong chỉ việc gửi mail, không cần xuất hóa đơn. “Nếu doanh nghiệp đưa vào chi phí công ty, cơ quan thuế còn lần ra được, còn thanh toán trực tiếp kiểu “không dấu vết”, cơ quan thuế cũng bó tay”, ông nói. Đối với Google, Facebook, cơ quan thuế còn không biết giá bán đã bao gồm hay chưa bao gồm thuế. Nếu là giá chưa bao gồm thuế, người sử dụng dịch vụ phải chịu thuế. Tuy nhiên, do không nắm được hoạt động hay hợp đồng, nên không đủ cơ sở “bắt tận tay” buộc người sử dụng dịch vụ xuyên biên giới tại VN nộp thuế.
Thừa nhận thực trạng này, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho hay, các đại lý của Google, Facebook tại VN phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế khi thanh toán với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, việc thu thuế những công ty này rất phức tạp, vì có yếu tố trong và ngoài nước. Điều quan trọng nhất là cơ quan thuế chưa quản lý được hoạt động của những đơn vị có hoạt động xuyên biên giới tại VN. “Họ không có chi nhánh tại VN, chỉ có đại diện tại VN. Nơi nhận tiền thanh toán là tài khoản nước ngoài, cơ quan thuế cũng chưa hình dung được “nó”. Muốn đánh thuế, thu thuế nhưng chưa biết “nó” ở đâu”, ông Tâm nói.
Không chỉ vậy, theo người đứng đầu Cục Thuế TP.HCM, cơ quan thuế cũng đang lần mò tìm cách quản lý thuế đối với những hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, mà trong tiền lệ chưa xác lập được. Có những cá nhân, công ty kinh doanh qua mạng không cần xuất hóa đơn, thanh toán tiền mặt; không kê khai, không đăng ký... “Nhìn chung, cơ quan thuế vẫn còn lúng túng và chưa quản lý hết được”, ông Tâm cho biết.
Theo ông Chung Thành Tiến, cơ quan thuế đang thiếu các thông tin cần thiết có liên quan đến cách thức làm ăn của các công ty nước ngoài tại VN, đặc biệt trong những dịch vụ kỹ thuật cao, tương tự như những trường hợp chống chuyển giá. Vì vậy, ngành thuế cần phải cải tổ lại các quy định luật pháp, nhanh chóng bịt lại các “lỗ hổng” của các quy định thuế trước sự xuất hiện của những dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới như Netflix, Facebook hay Google, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc đánh thuế được những công ty này, giảm tình trạng thất thoát tiền thuế.
Tại Anh, một cuộc điều tra của tờ Sunday Times vào tháng 12 vừa qua cho thấy chi nhánh Netflix tại đây đã không đóng một đồng thuế doanh nghiệp nào trong năm 2014. Để né thuế tại Anh, Netflix đã sử dụng thủ thuật chuyển hết lợi nhuận sang Netflix International BV đặt tại Hà Lan, vốn là một trong những “thiên đường thuế” hàng đầu châu Âu. Nên trong khi chi nhánh Netflix tại Anh báo cáo thua lỗ thì Netflix International BV lại lãi tới 16,4 triệu USD trong năm 2014. Còn tại thị trường sân nhà Mỹ, chuyên gia nghiên cứu về thuế Matt Gardner của Viện ITEP đã phát hiện ra công ty này gần như không trả một đồng tiền thuế nào trong giai đoạn 2013 - 2014, bất chấp việc thu về lợi nhuận 159 triệu USD trong năm 2013. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư) |
Theo Hồng Sương/Thanh Niên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy