Dòng sự kiện:
Kiếm tiền triệu mỗi ngày với mùa sứa biển ở Thanh Hóa
14/03/2021 16:19:19
Với mùa sứa biển, ngư dân Thanh Hóa phấn khởi ra khơi mỗi ngày và thu về những bè sứa lớn. Thu nhập mỗi ngày của họ có thể dao động 1-2 triệu đồng/ người.

Mùa sứa biển bắt đầu từ khoảng đầu tháng Giêng cho đến tháng 4 Âm lịch. Dù mùa sứa chỉ kéo dài từ 3, 4 tháng nhưng đây là dịp để ngư dân Thanh Hóa kiếm thu nhập khá. 

Sáng sớm ở các bãi biển Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn (Thanh Hóa), hàng trăm chiếc bè mảng tấp nập cập bến, trên bè đầy ắp sứa. 

Lão ngư Trương Văn Ngân (thôn 10, xã Quảng Hải) cho biết: "Chúng tôi thường đi từ 4h sáng để kịp giờ con nước lên, ra cách bờ từ 6 đến 12 hải lý thì bắt đầu thả lưới đánh sứa biển, khoảng 9h sáng, thuyền trở về cập bến với những chiến lợi phẩm đầy ắp sứa".

Các bè sứa đi từ sáng sớm và trở về bờ lúc 8-9 giờ sáng, trung bình mỗi bè đánh bắt được từ 150-200 con sứa biển. Năm nay mỗi con sứa tươi bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/con, trừ chi phí mỗi ngày cũng thu được tiền triệu cho mỗi người. 

Để thu được sứa thành phẩm bán ra thị trường, không chỉ những người làm nghề đánh bắt mà cả những nhân công làm nghề chế biến cũng vất vả không kém. Sứa tươi chuyển từ biển vào xưởng được kiểm đếm cẩn thận, sau đó được đưa vào một sân lớn, nơi có hàng chục nhân công đang đợi sẵn để sơ chế.

Việc sơ chế sứa được làm theo từng công đoạn tuần tự. Với phần thân sứa được cho vào máy cắt thành những miếng nhỏ tầm đốt ngón tay.

Còn riêng phần chân sứa sẽ được làm thủ công theo đúng quy cách. Chân sứa mỗi con khác nhau, người làm phải biết lựa để không bị vụn.

Sứa sau khi đã hết nhớt được rửa sạch rồi mang đi ngâm muối khoảng 1 tuần cho đến khi nước trong, hết sạch mùi, là chín. Trong quá trình ngâm sứa người thợ phải liên tục kiểm tra độ mặn của bể muối, độ mặn khoảng 20% là đạt.

Ngư dân phấn khởi với những bè sứa lớn. Khi cập bến, các tiểu thương đã chờ sẵn để đưa sứa biển đi khắp nơi tiêu thụ. Giá sứa năm nay rẻ hơn mọi năm do dịch COVID-19, không xuất khẩu được nên hầu như chỉ tiêu thụ trong nước. Sứa sau khi sơ chế được xuất bán trong tỉnh và các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Khánh Hòa...

Công việc làm sạch sứa cũng không hề đơn giản, nếu làm không sạch thì chất nhầy trên cơ thể con sứa khiến người sử dụng bị ngứa và dị ứng. Miếng sứa đạt tiêu chuẩn phải đảm bảo được độ trong suốt, cứng, giòn.

Những ngày này, nhiều lao động làm hậu cần nghề cá cũng có việc làm với mức thu nhập khá. Việc phân loại, cắt sứa và vận chuyển cũng mang lại thu nhập từ 200 - 300.000 đồng/người/ngày.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến