Dòng sự kiện:
Kiên định về mục tiêu, linh hoạt trong giải pháp
15/02/2015 22:21:42
ANTT.VN - 2014 là năm thứ ba liên tiếp Ngành ngân hàng hoàn thành kế hoạch đặt ra. Những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước ghi nhận. Đặc biệt, niềm tin của người dân vào các chính sách của NHNN được nâng lên, tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nhận định thành công trong năm qua và định hướng điều hành của NHNN thời gian tới.

 

Tin liên quan

 

Thưa, nếu nhìn lại những điểm sáng nổi bật mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong năm 2014, Phó thống đốc có thể nói gì?

Có thể nói, với sự chủ động, quyết liệt và linh hoạt trong điều hành các công cụ CSTT, năm 2014 NHNN đã đạt được những kết quả nổi bật. Trước hết phải kể đến khả năng điều tiết lượng tiền cung ứng hợp lý giữa các kênh, đảm bảo kiểm soát phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. NHNN đã cung ứng tiền chủ yếu qua kênh mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đồng thời thực hiện các biện pháp hút tiền về kịp thời, để vừa can thiệp trung hòa tác động làm tăng tổng phương tiện thanh toán, vừa hạn chế áp lực lên tỷ giá khi hệ thống dư thừa quá nhiều tiền đồng.

Một điểm sáng khác, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và được sự hưởng ứng tích cực của các TCTD, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013, qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát được lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tuy vậy, năm 2014 vẫn là một năm khó khăn đối với các NHTM, đặc biệt trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD). Nhưng với sự hỗ trợ của NHNN qua những quyết sách linh hoạt, kịp thời, TTTD từng bước được cải thiện và cán đích theo đúng mục tiêu ban đầu. Điều này cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống trong việc tháo gỡ khó khăn về tín dụng khi tổng cầu và sức hấp thụ của nền kinh tế còn thấp. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Một trong những thành công nổi bật nữa không thể không nhắc đến, đó là sự ổn định của thị trường ngoại hối với tỷ giá được kiểm soát trong biên độ Thống đốc đề ra đầu năm. Thanh khoản thị trường cải thiện; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Thị trường vàng đi vào nền nếp, không có xáo trộn, mặc dù trên thế giới có biến động không ít.

Nhờ sự chủ động, kiên định và linh hoạt, các tiêu chí định hướng của NHNN đặt ra đều đã thực hiện được, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 5,98%, cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ đề ra từ đầu năm. Có thể nói, tất cả những thành tựu nổi bật nêu trên đã góp phần để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thời gian qua liên tục nâng mức xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam. Những thành công này tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.

Năm 2011, khi mặt bằng lãi suất quanh mức 20%/năm, NHNN tuyên bố giảm lãi suất cho quay về 15% và giờ chỉ còn 9-10%/năm. Phó Thống đốc có cho rằng, NHNN “nói đến đâu, làm tới đó”?

DN, người dân theo sát diễn biến thị trường tiền tệ có thể thấy trong vòng 3 năm qua mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Mặt bằng lãi suất cho vay từ mức trên 20%/năm thời điểm năm 2011 đến nay đã giảm xuống thấp hơn năm 2005-2006 và chỉ bằng 40% lãi suất năm 2011. Điều này cho thấy tính chủ động, linh hoạt và hợp lý của NHNN trong các giải pháp thực thi. Bên cạnh việc điều hành chính sách lãi suất, NHNN cũng tập trung tăng cường thanh tra giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nhờ vậy, thị trường tiền tệ vẫn tiếp tục được giữ ổn định và lãi suất không còn trở thành công cụ cạnh tranh để lôi kéo khách hàng lẫn nhau giữa các TCTD.

Có ý kiến cho rằng, lãi suất có thể giảm thêm nữa. Nhưng cũng có quan điểm khẳng định, lãi suất hiện đã giảm hết biên độ cho phép. Phó thống đốc bình luận gì về vấn đề này?

Mong muốn lãi suất tiếp tục giảm thêm là nguyện vọng chính đáng của DN và người dân, bởi lãi suất ngân hàng cũng là một phần trong chi phí sản xuất kinh doanh. Bản thân hệ thống ngân hàng cũng rất mong muốn giảm lãi suất để giúp DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, giúp giảm chi phí cho DN.

Lãi suất giảm góp phần tiết kiệm chi phí cho DN

Tuy nhiên, việc điều hành lãi suất cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát cũng như phải cân nhắc đến lợi ích hài hòa giữa người dân, ngân hàng và người vay, khả năng huy động của hệ thống ngân hàng… Với lạm phát 2014 ở mức 4,09% (tính theo bình quân), mục tiêu lạm phát năm 2015 là 5% cũng với xu hướng điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, tác động trễ của CSTT trong năm 2014 cho thấy, việc điều hành lãi suất theo xu hướng ổn định như hiện nay vẫn là phù hợp. NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến để điều hành phù hợp.

2015 cũng là năm cuối trong thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2011 – 2015. Xin Phó Thống đốc cho biết kế hoạch cụ thể của NHNN nhằm đạt được mục tiêu của Đề án này?

Trước hết, NHNN sẽ tập trung xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, kiên quyết xử lý pháp nhân theo luật định những TCTD yếu kèm không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả việc can thiệp bắt buộc. Bên cạnh đó, vai trò chủ đạo của các NHTM Nhà nước sẽ được nâng cao hơn, thông qua việc các NHTM Nhà nước tham gia tích cực vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD khác, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Với các văn bản pháp quy đã ban hành năm 2014, có hiệu lực áp dụng đầu năm 2015, NHNN sẽ xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để tạo lập cơ sở hình thành một số TCTD có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao trong tương lai, theo mục tiêu Đề án 254.

Cùng với đó, NHNN sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn liền với cơ cấu gắn với cơ cấu lại các TCTD và lành mạnh hóa tài chính, tăng vốn điều lệ của TCTD; Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ đi đôi với tiếp tục hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; Xây dựng và triển khai Đề án nâng cao năng lực tài chính (với trọng tâm là tăng vốn điều lệ) của các NHTM Nhà nước năm 2015; Đẩy mạnh cơ cấu lại Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND, kiên quyết xử lý các QTDND yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Ngành Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước cơ cấu lại các ông ty con là công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém, gắn với thực hiện thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng nhắm thúc đẩy sáp nhập, hợp nhất và tăng cường quy mô, năng lực tài chính của TCTD; đồng thời, ban hành các chuẩn mực mới về quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế…

Nhiều chuyên gia đánh giá cao quan điểm kiên trì ổn định tỷ giá và nhìn nhận đây là thành công nổi bật trong điều hành CSTT của NHNN trong thời gian qua. Vậy, thưa Phó thống đốc, đã có những bài học thành công nào được rút ra từ việc ban hành chính sách tỷ giá?

Trong quá trình điều hành tỷ giá, NHNN đã rút ra một số bài học như sau: Thứ nhất, điều hành tỷ giá thành công trước hết là nhờ CSTT kiên định mục tiêu xuyên suốt và thực hiện các giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng không chủ quan với lạm phát, từ đó tạo lòng tin vào việc điều hành của NHNN và lòng tin vào đồng Việt Nam. Thứ hai, các công cụ CSTT được phối kết hợp nhuần nhuyễn, nhất là sự phối hợp giữa lãi suất và tỷ giá, đảm bảo theo hướng nâng cao vị thế của đồng Việt Nam. Thứ ba, thị trường ngoại hối và tỷ giá thường chịu tác động nhanh và mạnh của các yếu tố ngắn hạn, yếu tố tâm lý và kỳ vọng. Bởi vậy, sự kết hợp giữa các giải pháp điều hành với việc chủ động truyền thông, truyền tải thông tin tới cộng đồng DN và người dân hiểu đúng về thực trạng tiền tệ, hoạt động ngân hàng, qua đó, giải tỏa được yếu tố tâm lý, kỳ vọng để ổn định thị trường.

Một ví dụ điển hình trong điều hành năm 2014, là khi sự kiện Biển Đông xảy ra, yếu tố tâm lý găm giữ, chuyển đổi sang nắm giữ ngoại tệ và vàng khá lớn. Tuy nhiên, với sự phản ứng nhanh, quyết liệt của NHNN, khẳng định sẵn sàng can thiệp bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí, người dân đã thận trọng hơn khi quyết định các giao dịch vàng, ngoại tệ, thể hiện tinh thần yêu nước của mỗi người dân đúng như Thống đốc NHNN đã kêu gọi.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!

Quang Cảnh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến