Kinh Đô và câu chuyện bán thương hiệu Việt
12/11/2014 15:52:01
ANTT.VN - Công ty Mondelēz International sẽ đầu tư 370 triệu USD- khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử ngành bánh kẹo Việt mua đứt 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Kinh Đô, thương hiệu có lịch sử hơn 20 năm qua trên thị trường.

Tin liên quan

Ngày hôm qua (11/11), Công ty cổ phần Kinh Đô (Mã CK: KDC) vừa có thông báo chính thức về khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử ngành bánh kẹo Việt của công ty Mondelēz International mua đứt 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Kinh Đô. Tuy rằng thỏa thuận đầu tư này còn tùy thuộc vào phê duyệt từ các cổ đông của Kinh Đô tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu tháng 12 tới đây. Nếu thành công, thương vụ này sẽ là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc phát triển mới trong ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam.

Trước khi Mondelēz International tiến hành việc đầu tư, Kinh Đô sẽ hoàn tất việc tái cấu trúc như đã công bố trước đây để hợp nhất các bộ phận kinh doanh bánh kẹo trở thành một doanh nghiệp - BKD (trừ bộ phận kinh doanh kem KIDO và sản phẩm từ sữa và chuỗi cửa hàng bánh bán lẻ). Với khoản giao dịch được đề xuất, Mondelēz International sẽ đầu tư 7,846 nghìn tỷ VNĐ (tương đương 370 triệu Đô la Mỹ) tương ứng 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo đã được tái cấu trúc.

kinh-do-1

Bánh kẹo Kinh Đô sẽ đi về đâu?

Khởi nghiệp từ những năm 90, khi thị trường bánh kẹo Việt Nam còn sơ khai sau 21 năm thành lập và phát triển, sự gắn bó với cuộc sống của người tiêu dùng Việt đã tạo cho Kinh Đô một thương hiệu vàng trên thị trường. Kinh Đô là công ty bánh kẹo hàng đầu Việt Nam với danh mục sản phẩm đa dạng từ sử dụng hàng ngày đến đồ biếu ngày lễ Tết. Đặc biệt, mỗi mùa trung thu về, người Việt Nam quá quen thuộc với sắc vàng óng của thương hiệu bánh Kinh Đô với những câu slogan mang màu sắc dân tộc “Tết Trung thu- Tết của tình thân”. KDC đã xây dựng những nhãn hiệu dẫn đầu thị trường thuộc câu lạc bộ 1.000 tỷ của KDC như Solite, AFC, Cosy, bánh Trung thu Kinh Đô, kem Merino và Celano….

Ông Tim Cofer, Phó Chủ Tịch Cấp Cao và Chủ tịch khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung Đông và Châu Phi của Mondelēz International đã phát biểu tại buổi công bố khoản đầu tư của tập đoàn này tại Kinh Đô: “Khoản đầu tư quan trọng của chúng tôi vào Kinh Đô và Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh tại Châu Á, cũng như tăng cường mảng kinh doanh thức ăn nhẹ cốt lõi của chúng tôi tại thị trường đang phát triển năng động này”.

Bên cạnh đó, Mondelēz International mong muốn có cơ hội để giới thiệu đến cho người tiêu dùng Việt Nam những nhãn hiệu được yêu thích nhất trong danh mục các sản phẩm toàn cầu của công ty. Những câu chuyện nghe quen tai, những lời đảm bảo thương hiệu trên thị trường Việt khiến nhiều người bỗng nhớ đến những thương hiệu đình đám một thời của doanh nhân Việt đã sang nhượng tên cho những đối tác tầm cỡ đến từ nước ngoài.

Công ty Bia Huế (Huda) được thành lập vào năm 1990, dưới tên gọi nhà máy Bia Huế. Vào giữa những năm 90, các công ty bia địa phương đều lâm vào tình trạng khó khăn, Bia Huế tìm lối thoát bằng cách liên doanh góp 50% vốn với tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) năm 1994. Sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh, liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg lộ rõ ý đồ thâu tóm, khi mua lại phần vốn của đối tác Việt Nam là UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, để từ một đơn vị liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Mức giá bán là 1.800 tỷ đồng, trong đó giá trị thương hiệu khoảng 1.100 tỷ đồng còn 700 tỷ đồng là giá trị hữu hình của doanh nghiệp như sản phẩm, lao động, nhân công...

kinh-do-2

 Carlsberg thâu tóm thị trường bia Việt

Một thương hiệu khác là nước uống Tribeco. Trước ngày bị Uni-President Việt Nam (công ty mẹ ở Đài Loan) thâu tóm, Tribeco hoạt động được 20 năm, là một trong những thương hiệu nước giải khát mạnh nhất của Việt Nam. Lên sàn vào cuối năm 2001, chính thức liên doanh vào năm 2008, con đường dẫn tới việc giải thể và bị thâu tóm chỉ vỏn vẹn trong chưa đầy 4 năm. Tháng 8/2012, Uni-President - đơn vị nắm 43,6% cổ phần của Tribeco - đã mua lại cổ phần trôi nổi của doanh nghiệp có mức lỗ luy kế trên 300 tỷ đồng với giá bèo. Tribeco chính thức về tay Uni-President.

Và không thể không nhắc đến hình ảnh của Phở 24, Highlands Coffee. Từng là thương hiệu Việt khẳng định được tên tuổi trên thị trường, nhưng chính họ lại thâu tóm nhau để rồi bán mình cho đại gia Jollibee Food Corp của Philippines. Thực tế, Phở 24, Highlands Coffee là bước đệm để Jollibee đặt mục tiêu trở thành chuỗi cửa hàng số 1 tại châu Á và có tên trong danh sách những thương hiệu hàng đầu thế giới.

kinh-do-3

Thương hiệu Việt Phở 24 dưới thời của Jollibee

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến