'Tây' dùng công nghệ cao để làm gì?
12/11/2014 15:07:10
ANTT.VN – Liên tiếp trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ án tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo như ăn cắp tài khoản cá nhân từ ATM, giả danh cơ quan chức năng để “rút tiền” từ các “mồi”.

Tin liên quan

Thủ đoạn của tội phạm “Tây”

Nhập cảnh vào Việt Nam núp bóng dưới vỏ bọc đầu tư, kinh doanh, du lịch… tội phạm ngoại quốc đã có sẵn những chiến dịch “triển khai”  việc lừa đảo. Hầu hết, các đối tượng lừa đảo qua thẻ tín dụng, thực hiện hợp đồng kinh tế qua mạng Internet, sử dụng kỹ thuật - công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức.

Thủ đoạn của chúng được thực hiện với phương thức giả danh dịch vụ chuyển phát nhanh thông báo nhận quà; sau đó tiếp tục giả danh Công an gọi điện đến đe dọa người nhận điện thoại rằng, họ đang điều tra về nhóm đối tượng có hành vi rửa tiền với số lượng lớn… tiếp đó thực hiện nhiều cuộc gọi trên mạng làm người bị hại tin, sợ và gửi tiền vào tài khoản do chúng yêu cầu để cơ quan Công an kiểm tra.

tay-dung-cong-nghe-cao-lam-gi3

Tang vật mà cơ quan công an thu giữ được mà tội phạm sử dụng

Thậm chí các đối tượng còn mua nhiều thiết bị dùng để tạo âm thanh như tiếng còi hụ, tiếng gió, tiếng bàn phím để có thể tạo dựng nên “màn kịch” hoàn hảo để hù dọa “mồi”.

Phương thức lừa đảo của nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao không mới nhưng vẫn có nhiều người "sập bẫy". Hơn nữa, nhóm đối tượng thường hoạt động theo nhóm, có sự tính toán lập thành chuỗi đường dây để thực hiện hành vi lừa đảo.  

tay-dung-cong-nghe-cao-lam-gi2

Các thiết bị được cơ quan công an thu giữ được

Ngày 6/11 công an thành phố Hải Phòng phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) bắt giữ 44 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan có hành vi sử dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Trung Quốc.

Các đối tượng thực hiện rất nhiều cuộc gọi (giao thức VOIP) gọi đến các số điện thoại cố định và di động ở Trung Quốc. Hoạt động của chúng là đặt thiết bị viễn thông ở Việt Nam sau đó liên lạc với bị hại tại Trung Quốc.  Qua điều tra, cơ quan công an đã xác định có bị hại là chị Lao Gia Gia đang sống tại Quảng Tây - Trung Quốc đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 220.000 nhân dân tệ.

Trung tuần tháng 10, cơ quan Công an đã bắt quả tang một nhóm đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc đang thực hiện hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả (visa, master card có chứa thông tin tài khoản trộm cắp của người nước ngoài) thanh toán qua máy POS để rút tiền mặt tại thành phố Hà Giang.

tay-dung-cong-nghe-cao-lam-gi1

Nhóm nghi phạm người Trung Quốc bị cơ quan công an điều tra

Nhóm đối tượng tiến hành mở tài khoản tại các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đồng thời từ các hợp đồng mua bán hàng hóa, bọn chúng tiến hành rút tiền từ ngân hàng hoặc các máy rút tiền tự động. Bằng thủ đoạn này, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt số tiền lớn từ các ngân hàng.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Các đối tượng thường sử dụng mạng Internet làm phương tiện phạm tội. Do đó, các tài liệu chứng cứ là các tệp tin lưu trữ trên máy tính, trên mạng. Nhiều trường hợp do hệ thống phần mềm không được bảo mật tốt, bị lộ mật khẩu, hệ thống không lưu trữ đầy đủ lịch sử truy cập dữ liệu. Khi bị phát hiện, tội phạm có thể xoá, sửa để tiêu huỷ chứng cứ. Bên cạnh đó, các đối tượng phạm tội thường sử dụng thông tin giả nên việc truy tìm người thực hiện hành vi phạm tội là rất khó khăn. Việc chiếm đoạt tiền cuả nạn nhân thường thông qua nhiều tài khoản và đối tượng trung gian.

Thống kê từ Interpol cho thấy trung bình, trên thế giới cứ 14 giây lại xảy ra một vụ phạm tội có sử dụng công nghệ cao. Mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này chỉ đứng sau tội phạm khủng bố. Cuối tháng 10 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự, an toàn xã hội”.

tay-dung-cong-nghe-cao-lam-gi

Các đại biểu tham dự hội nghị quốc tế

Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được tổ chức tại Việt Nam. Mục đích chính là nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao giữa các quốc gia trên nguyên tắc có đi có lại, bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau.

Tình hình tội phạm liên quan đến người nước ngoài ở Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp chính vì vậy, các cơ quan chức năng đã có sự phối hợp chặt chẽ và có các biện pháp mạnh, hữu hiệu nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng này, góp phần đảm bảo ANTT tại các địa bàn nhất là những thành phố lớn.

Thu Thủy

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến