Kinh tế Nga: Liệu đã chạm đáy?
03/12/2015 18:52:02
ANTT.VN – Moscow luôn tuyên bố rằng nền kinh tế nước này đủ mạnh để nhanh chóng vượt qua bất cứ cuộc suy thoái nào. Tuy nhiên những con số lại không nghĩ như vậy...

Tin liên quan

Một kho dự trữ dầu thô ở Siberia, miền đông nước Nga. Ảnh: New York Times

Vào thời điểm bắt đầu khủng hoảng Ukraine tháng Hai năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trấn an người dân nước này rằng bất cứ khó khăn nào đối với nền kinh tế cũng sẽ không kéo dài.

Ngay cả trong bối cảnh giá dầu thấp, nền kinh tế yếu dần, bị phong tỏa bởi phương Tây trong nhiều tháng qua, người đứng đầu Điện Kremli vẫn tự tin cho rằng sự phục hồi sẽ sớm xảy đến, đồng thời chính sách cấm vận của phương Tây không phải là gánh nặng mà chính là cơ hội của kinh tế Nga.

Không biết trong tâm trí người đàn ông quyền lực nhất thế giới năm 2015 có thực sự nghĩ tích cực như vậy không. Tuy nhiên đối với phần lớn người dân Nga, tương lai của họ dường như không được “sáng sủa” như vậy, khi mà kinh tế Nga đang chứng kiến cuộc suy thoái dai dẳng và tồi tệ nhất kể từ sau thời Liên bang Xô viết.

Nguyên nhân không chỉ đến từ giá dầu thấp cùng chính sách cấm vận của phương Tây, mà còn tới từ những vấn đề mang tính cốt lõi của nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới (theo xếp hạng năm 2014 của World Bank).

Những con số không biết nói dối

Khác với khủng hoảng tài chính 2008/2009, cuộc suy thoái lần này ở Nga không cho thấy những dấu hiệu của sự hồi phục trong ngắn hạn. Giới phân tích quốc tế đều nhận định rằng nước này sẽ buộc phải học cách sống chung với tăng trưởng tiêu cực trong nhiều năm tới.

Việc Chính phủ Putin dần mất đi sự tự tin đối với kinh tế trong nước có thể thấy rõ qua việc họ liên tục hạ dự báo tăng trưởng trong thời gian qua.

Tháng 5/2015, Chính phủ Nga dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức 2,3% trong năm tới (so với mức suy thoái -4% trong năm nay), đầu tư tăng 3,1% (-1% trong năm nay) và bán lẻ tăng trưởng 1,5%( -9% trong năm 2015).

Tuy nhiên hồi tháng 10, cơ quan này đã phải điều chỉnh những con số trên: tăng trưởng GDP giảm từ 2,3% xuống 0,7%, đầu tư giảm xuống 1,6%. Môi trường kinh doanh được dự báo sẽ tiếp tục ở mức “tồi tệ” cho tới năm 2017.

Khi được hỏi về những thay đổi tiêu cực trên, Thủ tướng Nga Medvedev đã bực tức nói:”Mọi người đều phàn nàn về sự điều chỉnh này. Tuy nhiên liệu bạn có thể dự báo nổi trong tình trạng mọi biến số điều nhiễu loạn như hiện nay không!”.

Câu nói có phần bế tắc của vị cựu Tổng thống cho thấy rõ ràng rằng Chính phủ Nga bản thân họ đang không biết được điều gì sẽ chờ đợi ở phía trước.

Bảng dưới tổng hợp một số dự báo từ các tổ chức tài chính lớn đối với kinh tế Nga trong hai năm tiếp theo. Phần lớn đều đồng ý rằng nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng ở quanh ngưỡng 0% trong ít nhất một năm tới, trước khi phục hồi yếu vào năm 2017.

Nguồn: National Review

“Chúng tôi hi vọng mặc dù dự báo tiêu cực, nền kinh tế Nga vẫn sẽ khá hơn trong năm tới”, Chính phủ Nga viết trong một thông cáo hôm 30/9.

Những con số dự báo ảm đạm hồi tháng Mười đồng thời gióng lên một hồi chuông đối với ngân sách của Nga. Medvedev báo cáo rằng chi ngân sách liên bang có thể tăng 3% trong năm tới, khiến ngân sách nước này tiếp tục thâm hụt ở mức 3%.

Anton Siluanov, Bộ trưởng Tài chính Nga, thừa nhận nước này sẽ sớm cạn các quỹ dự trữ: “Năm 2016 sẽ là năm cuối cùng chúng ta có thể chi tiêu như hiện nay”.

Hạn chế về ngân sách đang khiến Điện Kremli đối mặt với những quyết định khó khăn. Nền kinh tế của họ không đủ mạnh để duy trì mức sống ổn định cho người dân hay tăng chi ngân sách quốc phòng, như cái cách họ đang làm ở Syria.

Viễn cảnh về một thời kì suy thoái dai đẳng đang là một thử thách thật sự đối với Putin, khi mà Chính phủ của ông luôn đặt nhiệm vụ nâng cao đời sống người dân lên trên hết nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng trong hơn một thập kỷ qua.

Liệu đã chạm đáy?

Khi mà tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ ở mức “lùi” -4% trong năm nay, cộng với đời sống người dân ngày càng đi xuống, Điện Kremli đã không thể tiếp tục điệp khúc “kinh tế đang trên đà hồi phục”. Thay vào đó, họ thừa nhận suy thoái đã chạm đáy.

Suy thoái chạm đáy đồng nghĩa với sự hồi phục sẽ sớm bắt đầu. Tuy nhiên hoàn cảnh thực tại không cho thấy như vậy.

Theo giới quan sát, giá dầu vẫn sẽ tiếp tục ở mức thấp trong ngắn, thậm chí là trung hạn, lệnh trừng phạt của phương Tây khó có thể được dỡ bỏ sớm, khi mà Mỹ cùng EU đang cân nhắc nới rộng thời gian trừng phạt thêm 6 tháng nữa.

Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách đang tác động tiêu cực tới lực lượng công chức Nhà nước cũng như hệ thống lương hưu, qua đó ảnh hưởng tới tiêu dùng. Ngoài ra, thị trường tài chính nội địa yếu không thể cung cấp đủ vốn cần thiết cho doanh nghiệp. Vậy kinh tế Nga lấy gì để tạo đà hồi phục đây?

Đó là chưa kể tới việc chính sách cấm vận của Mỹ cùng phương Tây trong thời gian qua đã ngăn cản ngành công nghiệp năng lượng của Nga tiếp cận những tiến bộ KH-KT mới trên thế giới – yếu tố cực kì quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay – khiến quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới ngày càng tụt hậu so với các đối thủ khác.

“Những nhà làm kế hoạch của Điện Kremli đang chẳng có kế hoạch nào cả. Họ đơn giản chỉ đang mong chờ một điều thần kì, mong chờ nền kinh tế toàn cầu mạnh hơn qua đó hưởng lợi từ giá nhiên liệu cao lên, mong chờ châu Âu sẽ sớm dỡ bỏ lệnh trừng phạt lên quốc gia này. Họ tự huyễn hoặc về một sự hồi phục nào đó, trong khi trên thực tế, thu nhập bình quân trong khu vực công đã giảm tới 20% so với năm ngoái, 40 triệu người hưởng lương hưu cũng chịu cảnh tương tự”, Paul Roderick Gregory, nhà bình luận tại tạp chí National Review, nhận định.

Các tổ chức quốc tế như World Bank đã cảnh báo Nga trong cả thập kỉ qua, rằng quốc gia này nên giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, phát triển một nền kinh tế định hướng thị trường hơn nữa. Tuy nhiên Moscow vẫn “ngựa quen đường cũ”, thay vì tái cấu trúc nền kinh tế, họ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào dầu mỏ, thứ đưa về cho họ tới một nửa ngân sách liên bang hàng năm.

Vậy thì kinh tế Nga sẽ ra sao nếu giá dầu hồi phục và chính sách cấm vận của Mỹ cùng phương Tây được dỡ bỏ? Đừng nghĩ rằng họ sẽ khá hơn nhiều.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Nga (đường màu xanh) đã mắt đầu dốc xuống từ đầu năm 2012. Đồ họa: National Review

Bảng trên cho thấy quá trình suy thoái của kinh tế Nga thực tế đã bắt đầu từ đầu năm 2012, khi mà giá dầu vẫn ở mức trên 100 USD/ thùng, đồng thời cũng chẳng có lệnh cấm vận nào đối với Nga ở thời điểm đó.

Do vậy mấu chốt của kinh tế Nga không phải là dầu mỏ hay chính sách cấm vận, mà những vấn đề mang tính nội tại, chẳng hạn như tham nhũng mới là vấn đề lớn nhất của kinh tế Nga, khi quốc nạn này ăn sâu vào từng chi tiết nhỏ nhất trong bộ máy Nhà nước, khiến nền kinh tế nước này ngày càng suy kiệt.

Ngoài ra, việc Moscow có thể tịch thu sung công bất cứ tài sản nào mà họ muốn khiến giới tài phiệt trong nước hạn chế đầu tư nội địa. Thay vào đó, họ mua các tài sản ở nước ngoài, đặc biệt là bất động sản, điều có thể thấy rõ ràng nhất ở London.

Trong lúc này, không có một công thức cụ thể nào để tính chính xác xem liệu kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy thoái trong bao lâu nữa dựa trên những biến số hiện tại như giá dầu thấp, tín dụng đóng băng hay hiệu ứng từ những chính sách bao vây, cấm vận của phương Tây. Tuy nhiên có thể chắc chắn một điều rằng đáp số sẽ phải tính bằng năm, còn những tác động tiêu cực của nó có thể kéo dài dai dẳng hàng thập kỉ.

Nghi Điền

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến