Tương lai nào cho kinh tế Nga?
02/10/2015 06:50:12
ANTT.VN - Giá nhiên liệu lao dốc cùng chính sách cấm vận của phương Tây không hẹn mà tới cùng lúc, phơi bày tất cả những yếu kém của nền kinh tế Nga. Những thành quả đạt được trong 15 năm nắm quyền của tổng thống Putin đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Tin liên quan

Một nông dân Nga 50 tuổi - ông Anatoly Anisimov vẫn khao khát có một nông trại hiện đại mà ông đã từng mất nhiều năm lên kế hoạch xây dựng. Với những máy móc mới nhất được nhập về từ Thụy Điển, nông trại ở ngoại ô Moscow của ông đã có thể tăng 40% năng suất nếu khủng hoảng kinh tế cũng như những lệnh cấm vận của phương Tây không xảy tới.

“Năm nay có thể đã tốt đẹp đối với tôi cũng như mọi người ở đây.”, ông nói.

Anisimov đã phải gạt những kế hoạch của mình sang một bên trong bối cảnh Nga đang đối mặt với cuộc suy thoái dài nhất trong 2 thập kỷ qua.

“Chẳng có gì tốt đẹp đợi chờ chúng tôi trong những năm tới cả.”, ông rầu rĩ.

Tổng thống Putin đang ở trong gian đoạn khó khăn nhất kể từ khi lên nắm quyền năm 2000.

Trong nền kinh tế Nga, giới doanh nghiệp đang tạm dừng các kế hoạch đầu tư với nỗi sợ đồng Rub có thể trượt giá mạnh hơn nữa nếu giá dầu tiếp tục giảm và những căng thẳng chính trị với các nước phương Tây tiếp diễn.

Viễn cảnh về một thời kì suy thoái dai đẳng đang là một thử thách thật sự đối với điện Kremli, khi mà chính phủ của ông Putin luôn đặt nhiệm vụ nâng cao đời sống người dân lên trên hết nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng trong hơn một thập kỷ qua.

Tương lai ảm đạm

“Giới kinh doanh cũng như đầu tư đang bày tỏ những lo ngại về viễn cảnh tiêu cực của kinh tế Nga, dẫn tới giảm sút trong vốn đầu tư và suy thoái ngày càng lan rộng trong nền kinh tế.”, cựu bộ trưởng Tài chính nước này ông Alexei Kudrin cho biết.

Thậm chí nếu kinh tế Nga có hồi phục trong những năm tới, tăng trưởng được dự báo sẽ chậm tới nỗi tỉ trọng của nền kinh tế này đối với toàn cầu vẫn sẽ giảm xuống tới mức thấp nhất kể từ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, đe dọa xóa sạch những thành quả trong 15 năm cầm quyền của tổng thống Putin.

Áp lực về ngân sách đã khiến chính phủ Nga phải cắt giảm khoản chi tiêu 20 nghìn tỷ Rub hiện đại hóa quân đội, một bước đi mà tổng thống Putin đã theo đuổi từ lâu, một ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực đưa nước Nga trở lại vai trò quyền lực toàn cầu như thời Liên bang Xô Viết.

Giá nhiên liệu giảm sâu trong 1 năm qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Nga.

Ngân hàng trung ương nước này dự báo cuộc khủng hoảng có thể sẽ kéo dài cho tới hết năm sau, biến đây thành cuộc suy thoái dài nhất kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô. Hồi phục sau đó được cho là sẽ diễn ra một cách chậm chạp.

“Cuộc khủng hoảng này thực sự tồi tệ bởi sự dai dẳng của nó.”, Sergei Kolesnikov, giám đốc hãng sản xuất hàng tiêu dùng Tekhnonokol ở Moscow cho biết. Ông Kolesnikov đã dừng kế hoạch xây dựng một nhà máy mới trong bối cảnh doanh số bán lẻ ở nước này giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm.

“Mặt sáng của kinh tế Nga có thể nhắc tới hiện nay là xuất khẩu, khi mà đồng Rub rớt giá mạnh khiến hàng hóa Nga rẻ hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên tôi vẫn không thấy lạc quan.”, ông cho biết.

Đầu tư lao dốc

Giới chức Nga trong một bài phát biểu gần đây nói rằng nền kinh tế nước này đã chạm đáy với vốn đầu tư trong toàn nền kinh tế giảm 6% trong 8 tháng đầu năm.

Xây dựng và tiêu dùng là những nạn nhân mới nhất trong cuộc suy thoái ở Nga. Sản lượng xây dựng giảm 8,1% kể từ đầu năm, xuống đáy 5 năm qua. Trong khi bán lẻ giảm 8,2%.

Một số khu vực khác bớt chịu ảnh hưởng hơn như nông nghiệp, vốn được chính phủ hỗ trợ và bảo vệ trước các đối thủ nước ngoài cũng đã chứng kiến sự cắt giảm đầu tư trên diện rộng.

Trong khi đó, những nhà sản xuất kim loại và hàng hóa cơ bản tại quốc gia này đang phải vật lộn để trả nợ khi mà đã vay quá nhiều để nâng cấp cơ sở vật chất những năm trước đó, trong bối cảnh giá cả hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới tiếp tục đi xuống.

“Chúng tôi đơn giản là không thấy bất cứ lý do nào cho các khoản đầu tư lớn.”, ông Sergey Sulimov, CFO tại OAO Magnitogorsk Iron and Steel cho hay.

Đồng Rub đã giảm gần 40% so với USD trong 12 tháng qua.

Valery Mironov, phó giám đốc Trung tâm Phát triển tại Viện Kinh tế Moscow cho biết “giới doanh nghiệp đang giữ tiền của họ lại.”. Ông Mironov ước tính rằng mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ chính sách cấm vận của phương Tây, các công ty Nga vẫn có khoản lợi nhuận lên tới 1 nghìn tỷ Rub (15 tỷ USD) trong năm nay và hoàn toàn có thể đầu tư vào các dự án mới hay mở rộng kinh doanh, tuy nhiên họ lại không làm vậy.

Ở một vài khía cạnh, vẫn có những điểm sáng trong nền kinh tế Nga. Tỉ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ trong tháng 9 lên mức 5,6%. Phần lớn các công ty vẫn cố gắng giữ lại nhân viên, lo sợ tác động chính trị-xã hội nếu sa thải hàng loạt. Ngoài ra, thực trạng dân số đang già đi ở Nga cũng khiến họ lo ngại rằng sẽ không thể kiếm đủ nhân lực một khi nền kinh tế nước này hồi phục.

Ám ảnh đổ vỡ

Nhiều người dân Nga đang nhớ lại những ký ức từ giai đoạn khủng hoảng trong suốt những năm cuối thế kỉ trước, khi mà các công ty không đủ tiền trả lương cho nhân viên. Một nhà máy gạch ở thành phố Tula, miền trung nước Nga thậm chí đã trả gạch cho công nhân vì hết sạch tiền trong ngân quỹ, giới chức thành phố này kể lại.

Mikhail Levchuk, giám đốc của Argus-Spektr, một hãng sản xuất hệ thống an ninh tại Saint Petersburg cho biết ông đã đóng cửa 3 trong số 5 chi nhánh của trong ty trong năm nay nhằm tiết kiệm chi phí.

“Thật vô ích để tiếp tục đầu tư khi mà thị trường đang lao dốc. Giới kinh doanh đã không còn mặn mà với đồng Rub yếu như trước nữa.”, ông nói.

Nghi Điền (Theo Bloomberg)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến