Kinh tế Nhật tiếp tục đi xuống
15/02/2016 11:39:59
ANTT.VN – Quốc gia Đông Á tiếp tục thất bại trong nỗ lực vượt qua khỏi chu kỳ suy thoái, mặc cho chương trình kích thích kinh tế quyết liệt trong suốt 3 năm qua của Tokyo.

Tin liên quan

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Cụ thể, Nội Các Nhật Bản sáng hôm nay (15/02) công bố GDP nước này suy giảm 1,4% trong quý IV/2015, cao hơn nhiều mức dự báo 0,8% trước đó của Bloomberg.

Tác động lớn nhất khiến kinh tế Nhật Bản tăng trưởng tiêu cực trong 3 tháng cuối năm 2015 là tiêu dùng cá nhân yếu, làm giảm hiệu quả của những chính sách kích cầu và cải thiện tốc độ lạm phát của Thủ tướng Shinzo Abe.

Bên cạnh đó, đồng Yen tăng mạnh so với USD cũng đang đè nặng lên các tập đoàn Nhật Bản, khiến xuất khẩu đình giảm. Đồng nội tệ của Nhật Bản đã tăng tới 6% so với USD kể từ đầu tháng nay.

“Bỏ qua các yếu tố thời vụ, khu vực tiêu dùng đang đi xuống rõ rệt, khi mà hộ gia đình đang cố gắng cắt giảm chi tiêu”, Yuichi Kodama, chuyên gia kinh tế trưởng tại Meiji Yasuda Life Insurance, nhận định, nhấn mạnh: “Kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn, trong bối cảnh đồng Yên mạnh kìm hãm đầu tư và xuất khẩu. Tôi không thấy dấu hiệu rõ ràng hỗ trợ nền kinh tế Nhật trong thời gian tới, ít nhất là trong ngắn hạn”.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang ở trong vòng luẩn quẩn “tăng trưởng – suy thoái – tăng trưởng…” trong suốt 3 năm qua kể từ khi Thủ tướng Abe tái đắc cử năm 2012. Kể từ thời điểm đó, Tokyo tập trung vào chiến lược nâng cao thu nhập người dân, cải thiện đầu tư cũng như tiêu dùng, nhằm tạo động lực cho nền kinh tế, vốn đang trở nên “già cỗi” hơn bao giờ hết.

Kinh tế Nhật Bản rơi vào vòng luẩn quẩn “tăng trưởng – suy thoái – tăng trưởng…” trong suốt 3 năm qua. Nguồn: Bloomberg

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương nước này (BOJ) còn áp dụng một loạt biện pháp nhằm bơm tiền vào, kích cầu nền kinh tế, trong đó có chương trình mua trái khoán trị giá hàng trăm tỉ USD. Tuy nhiên tất cả những chính sách trên đều chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng. Các chỉ tiêu quan trọng như tiêu dùng hộ gia đình, sản lượng công nghiệp hay xuất khẩu đều đi xuống trong tháng 12.

“Thu nhập đầu người tăng chậm là một nguyên nhân lớn giải thích cho tình trạng trì trệ của kinh tế Nhật bản”, Taro Saito, chuyên gia cao cấp tại Research Institute, cho hay.

Thu nhập bình quân của người lao động Nhật Bản chưa bao giờ tăng trên 1%/ năm trong suốt gần 2 thập kỉ qua, thậm chí còn giảm trong 4 năm gần đây, khi tính tới cả lạm phát.

Trong lúc này, trái ngược với chính sách thặt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), cơ quan đồng cấp Nhật Bản BOJ được cho là sẽ tiếp tục áp dụng và đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế trong cuộc họp vào tháng Ba tới.

Tuy vậy, Masamichi Adachi, chuyên gia tại JPMorgan Chase, cho rằng “Viễn cảnh tăng trưởng và lạm phát của Nhật Bản trong năm 2016 sẽ không mấy sáng sủa”.

Giới phân tích nhận định kinh tế Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản – đi xuống cùng đồng USD yếu tương đối so với đồng Yên đang và sẽ đè nặng lên các công ty trong nước. Panasonic giảm dự báo lợi nhuận cho năm tài chính kết thúc vào tháng Ba tới, khi mà doanh số thiết bị gia dụng giảm mạnh ở Trung Quốc. Hitachi cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng bởi doanh số máy công nghiệp cũng như thiết bị khai thác dầu lao dốc ở Trung Quốc và trên thế giới.

Bloomberg dự báo Nhật có thể sẽ rơi vào trạng thái suy thoái trong 12 tháng tới, khiến nền kinh tế nước này trở nên tồi tệ hơn cả kể từ cuối năm 2012.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến