Dòng sự kiện:
Kỳ 4: Việt Nam chủ động sẵn sàng “quyết đấu”
19/12/2014 10:44:48
ANTT.VN – Để chiến thắng một kẻ địch được trang bị vũ khí hết sức hiện đại trong Cuộc chiến tranh điện tử, chỉ có tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm chưa đủ, quan trọng hơn là có một đường lối quân sự đúng đắn và sáng suốt.

Tin liên quan

Sự thật là chúng ta đã chủ động từ nhiều năm trước và luôn sẵn sàng trong mọi tình huống.

Gần 4 năm trước khi xảy ra cuộc tập kích chiến lược của B52 vào thủ đô Hà Nội, vào một buổi tối mùa xuân năm 1968, tại ngôi nhà sàn trong phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã nói với đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng những lời tiên tri: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra ném bom Hà nội, rồi mới chịu thua. Chú nên nhớ: Trước khi đến bàn Môn Điếm ký Hiệp định Đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Còn ở Việt Nam, Mỹ nhất định sẽ thua, nhưng chúng chỉ chịu thua sau khi đã bại trên bầu trời Hà Nội.

Đấy không phải là lần đầu tiên Bác Hồ thay mặt Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cho bộ đội Phòng không – Không quân. Ngay từ tháng 6 năm 1965, (chỉ hơn một tháng sau khi Mỹ đưa B52 vào chiến trường miền Nam), Bác đã khẳng định: Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “Bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh thì nhất định thắng!

Tháng 4 năm 1966, khi B52 Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc ngày càng ác liệt, Bác cho mời đồng chí Đặng Tính, Chính ủy quân chủng Phòng không – Không quân lên gặp và chỉ thị: Máy bay B52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không – Không quân.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cuối tháng 2 năm 1968 một bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ, bảo vệ  Hà Nội, Hải Phòng” của quân chủng Phòng không – Không quân đã ra đời. Từ những kinh nghiệm chiến đấu thực tế chiến đấu sôi động, phương án nói trên đã liên tục được bổ sung, hoàn chỉnh và thay thế bằng “Phương án tháng 5”, “Phương án tháng 7”, “Phương án tháng 9”… và cho tới “Phương án tháng 11”.

Phương-án-tác-chiến-năm-1972

Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân xác định phương án tác chiến B52 bảo vệ Hà Nội, tháng 11/1972 (Nguồn: Intenet)

Cùng với bản phương án hoàn chỉnh tháng 11 năm 1972, các tài liệu quan trọng và cần thiết cho bộ đội Phòng không – Không quân ta như “Cách chống nhiễu thông tin”, “Quy trình bắt B52 trong nhiễu”…Và đặc biệt là tập tài liệu dày 30 trang đánh máy “Cách đánh B52 của Bộ đội Tên lửa” (còn được gọi là cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”) đã được hoàn thành và chuyển tới từng đơn vị chiến đấu, để bộ đội ta luyện tập kỹ càng…

Đầu tháng 12 năm 1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân, trực tiếp nghe tư lệnh Lê Văn Tri trình bày kế hoạch đánh B52.

Theo báo cáo từ các đơn vị địa phương, trước khi diễn ra “Cuộc quyết đấu” 12 ngày đêm, Bộ đội tên lửa Việt Nam từng bốn lần bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ:

Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Trung đoàn H38 bắn rơi chiếc B52 đầu tiên ở đất thép Vĩnh Linh.

Ngày 18 tháng 3 năm 1971, Trung đoàn H37 bắn rơi một B52 trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào.

Ngày 2 tháng 4 năm 1972, Trung đoàn H36 bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trong chiến dịch Quảng Trị.

Nhưng cả 3 lần nói trên, phía Mỹ đều im lặng và không dám công nhận, vì sợ bị “mất mặt thần tượng” của không quân chiến lược. Trước mỗi phi vụ B52 bay vào vùng trời miền Bắc Việt Nam, các Phi công đều được căn dặn: Nếu bị trúng đạn hãy cố đưa máy bay ra biển, hoặc về phía những rừng già phía Tây để…vừa dễ cứu hộ, vừa giấu được bằng chứng, giữ bí mật cho những thiết bị tối tân có trong máy bay không lọt vào tay đối phương…

Đêm ngày 22 tháng 11 năm 1972 (trước cuộc tập kích chiến lược chưa đầy một tháng), trung đoàn H63 đã thực hiện thành công “Quy trình bắt B52 trong nhiễu” bắn cháy một B52 khi chúng đến gây tội ác tại Nghệ An. Chiếc pháo đài bay bị trọng thương này đã  cố bay về Thái Lan, khi còn cách sân bay Utapao 640km thì rơi xuống đất. Còn may là mấy phi công đều nhảy dù thoát chết. Nhưng đống xác pháo đài bay B52 đã phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật… Rất nhiều nhà báo quốc tế đã có mặt để chứng kiến. Hãng UPI đã nhanh chóng loan tin này. Không còn bưng bít được nữa, lần đầu tiên phía Mỹ đã cay đắng thừa nhận B52 của họ đã bị tên lửa SAM-2 của Việt Nam bắn rơi!

Tất cả như một sự chuẩn bị cho cuộc quyết đấu “sống còn” của vận mệnh đất nước. (Còn tiếp)

Hoàng Hà (lược trích theo tác phẩm "Phi công Mỹ ở Việt Nam" của nhà văn Đặng Vương Hưng).
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến