Tin liên quan
6 doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản ở tỉnh Hà Giang đã ký văn bản tập thể gửi UBND tỉnh với kiến nghị: Được nộp tiền khai thác khoáng sản theo khối lượng thực tế hàng năm; tạm hoãn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (CQKTKS) năm 2015 và không áp dụng hình thức phạt nộp chậm. Theo đại diện các doanh nghiệp thì tiền CQKTKS được áp dụng theo giá tối thiểu tính thuế tài nguyên, nhưng bảng giá đang thực hiện rất cao, không phù hợp thực tế, kéo theo tổng số tiền cấp quyền phải nộp cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Yêu cầu chính đáng của họ đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm, chỉ đạo giải quyết, nhưng cả năm trôi qua vẫn không thấy ngành chức năng động tĩnh gì, còn doanh nghiệp khai khoáng ngày càng lâm vào tình cảnh bi đát, nhiều đơn vị đứng bên bờ vực phá sản.
Các doanh nghiệp chưa đồng thuận với cách tính tiền CQKTKS, còn đang kiến nghị điều chỉnh, gỡ khó thì mới đây Cục Thuế đã ra “tối hậu thư”, yêu cầu phải nghiêm túc thực hiện nộp tiền CQKTKS vào ngân sách đúng thời gian quy định. Nếu không thực hiện đúng, hoặc thực hiện không đủ, cơ quan Thuế sẽ tiến hành cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính như trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng để nộp ngân sách; thông báo hóa đơn của đơn vị không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để thu tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vào ngân sách. Mạnh tay hơn, ngành Thuế sẽ kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động...
Giám đốc Sở TNMT Hà Giang bị phê bình vì không thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tham mưu, đề xuất, sửa đổi bảng giá thuế tài nguyên
Theo các doanh nghiệp giá tính thuế tài nguyên hiện đang được thực hiện theo Quyết định 1915/2012 của UBND tỉnh. Thời điểm ban hành quyết định này, thị trường khoáng sản vẫn đang sôi động nên giá tối thiểu tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại nguyên khai như Mangan 1 triệu đồng/tấn, Sắt 450 nghìn đồng/tấn, Chì - Kẽm 4 triệu đồng/tấn; khoáng sản đã qua chế biến như tinh quặng Mangan từ 600 nghìn đến 3,5 triệu đồng/tấn tùy theo hàm lượng, tinh quặng Chì - Kẽm từ 8-14 triệu đồng... doanh nghiệp chấp nhận được. Quyết định của UBND tỉnh cũng nêu rõ, trong trường hợp có sự biến động tăng hoặc giảm 20% mức giá trở lên, UBND tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các ngành chức năng xem xét, quyết định điều chỉnh mức giá tối thiểu tính thuế tài nguyên.
Quy định rõ vậy, nhưng từ cuối năm 2012 đến nay, giá quặng đã giảm hơn 60%, giá tối thiểu tính thuế tài nguyên vẫn không được xem xét, điều chỉnh. Căn cứ giá tính thuế tài nguyên được UBND tỉnh xây dựng năm 2012, Bộ TNMT ban hành 3 quyết định phê duyệt tiền CQKTKS Công ty CPĐT khoáng sản An Thông phải nộp gần 300 tỷ đồng, năm nay phải nộp hơn 32 tỷ đồng, các năm còn lại nộp trên 258 tỷ đồng.
Nhận thấy giá tối thiểu tính thuế tài nguyên năm 2012 không còn phù hợp, ngay từ đầu năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, sửa đổi bảng giá. Tại Quyết định 117/QĐ-UBND ngày 10.1.2014, UBND tỉnh yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung bảng giá tối thiểu tính thuế tài nguyên phải hoàn thành trong quý I.2014; Quyết định 2773/UBND-CNGTXD ngày 22.8.2014 gia hạn cho các sở, ban, ngành tham mưu, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên trong tháng 8.2014; Công văn 152/UBND-CNGTXD ngày 15.1.2015 tiếp tục giao các ngành tham mưu, điều chỉnh giá tối thiểu tính thuế tài nguyên theo Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy và phải hoàn thành trong tháng 5; Công văn 1039/UBND ngày 8.4.2015, yêu cầu phải hoàn thành việc tham mưu, điều chỉnh giá tối thiểu tính thuế tài nguyên trước ngày 14.5.
Bỏ qua sự sốt sắng, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành chức năng vẫn... “nhởn nhơ như cá vàng” nên đến nay UBND tỉnh vẫn chưa ban hành được bảng giá tối thiểu tính thuế tài nguyên mới phù hợp tình hình thực tế, đúng quy định của Luật Thuế tài nguyên và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Không thể làm ngơ trước sự trì trệ này, ngày 23.4, UBND tỉnh đã ban hành văn bản 1238/UBND-CNGTXD, phê bình Giám đốc Sở TN-MT với lý do Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, tham mưu xây dựng giá tính thuế tài nguyên. Đồng thời, xây dựng giá tính tiền CQKTKS theo quy định, áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh. Mặc dù UBND tỉnh đã 2 lần có văn bản đôn đốc, nhưng Sở TN-MT vẫn không thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài phê bình Giám đốc Sở TN-MT, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý, kiểm điểm nghiêm khắc những cá nhân liên quan, có biểu hiện chây ỳ trong thực hiện công vụ.
PV
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy