Dòng sự kiện:
Ký ức ngày Giải phóng Miền Nam của người lính xe tăng
30/04/2019 09:24:30
Với ông Nguyễn Trần Đoàn, niềm vinh dự nhất được đóng góp một phần công sức bé nhỏ của mình vào chiến thắng của dân tộc.

Đã 44 năm trôi qua, nhưng ký ức về buổi sáng 30/4/1975 lịch sử, về trận đấu ác liệt giữa ta và địch trong Chiến dịch mang tên Bác vẫn không phai mờ trong tâm trí ông Nguyễn Trần Đoàn - người lính xe tăng Trung đoàn 273, hiện đang sinh sống tại thành phố Hải Phòng.

Với ông, niềm vinh dự nhất là có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, được đóng góp một phần công sức bé nhỏ của mình vào chiến thắng của dân tộc.

Ông Nguyễn Trần Đoàn cùng những cựu chiến binh Hải Phòng ôn lại ký ức về ngày giải phóng.

Sau giải phóng Buôn Ma Thuột (tháng 3/1975), Trung đoàn xe tăng 273 được lệnh hành quân tiến về Sài Gòn. Sáng 27/4, khi đang cùng đồng đội ém quân tại khu rừng thưa ven sông Sài Gòn, ông Nguyễn Trần Đoàn – khi đó là trưởng xe tăng R153 (đại đội 11, tiểu đoàn 1, Trung đoàn 273) được chính trị viên đại đội thông báo: “Chúng ta đã mở chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch mang tên Bác. Các đồng chí vừa đánh, vừa giữ để giải phóng, tiếp quản Sài Gòn”. Ông Nguyễn Trần Đoàn cùng đồng đội vô cùng phấn khởi, hừng hực khí thế xung trận.

“Sáng 29/4/1975, chúng tôi bắt đầu xuất quân, xếp thành hàng đi, tôi được biên chế đi thứ 7 trong cánh quân Tây Bắc. Chạy đến đường 1, tôi nhìn thấy 23 cái M113, tức là xe bọc thép của ngụy. Đặc công phát hiện được, bắn trả. Đoàn hành quân của chúng tôi tập kết ở phía sau, đánh trận đầu tiên, đánh gọn 23 cái M113 của Ngụy” – ông Đoàn kể lại.

Sau chiến thắng tại cầu Bông, sáng 30/4/1975, đoàn xe tăng của ông Nguyễn Trần Đoàn và các đơn vị bộ binh làm nhiệm vụ đột phá, dũng mãnh tiến thẳng về hướng Ngã tư Bảy Hiền.

Trên đường đi, cứ cách khoảng 100 mét, địch lại đắp một lũy bằng đất, rào bùng nhùng bằng dây thép gai từ bên trái qua 2/3 bên phải đường; rồi lại từ phải qua trái. Đầu các ngõ hẻm, xe tăng M41, M48 của địch đã phục sẵn nhả đạn vào xe tăng và đội hình tiến quân của ta. Các pháo thủ của ta dùng súng 12 ly 7 bắn vào mặt lũy, đồng thời, từ xa đã bắn áp đảo vào các cửa sổ nhà cao tầng 2 bên phố, phòng địch phục kích.

Đến ngã tư Bảy Hiền, xe tăng của ông Nguyễn Trần Đoàn bị pháo kích. Sau ánh chớp và tiếng nổ đinh tai, ông Đoàn thấy chiến sĩ bộ binh phía cửa xe bị thương. Ông đưa tay kéo đồng đội lại thì một quả đạn tiếp theo nổ, cánh tay trái của ông đứt lìa.

Bình tĩnh ngồi xuống, kéo cánh tay “lủng lẳng” vướng ngoài cửa xe vào lòng, ông Đoàn garô vết thương, nén cơn đau, tiếp tục chỉ huy xe chiến đấu. Do chỉ còn một tay nên hướng súng không được chuẩn, ông mới gọi điện báo bị thương.

Ông Nguyễn Trần Đoàn được khênh xuống xe, nằm lại trên đường và ngất lịm đi, trong khi đồng đội và xe tăng của ông tiến thẳng hướng Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Trần Đoàn say sưa kể về những kỷ niệm, những ký ức ngày giải phóng 44 năm về trước.

Tỉnh dậy với cánh tay trái đã được cắt và băng bó cẩn thận, cũng là lúc ông Nguyễn Trần Đoàn nghe thông tin chiến thắng.

"Khoảng 3, 4h chiều, tôi tỉnh dậy, hỏi cô y tá: "Mình đánh đến đâu rồi?". Cô trả lời “Giải phóng hoàn toàn rồi”, lúc ấy tôi òa lên khóc. Tất cả nhân viên y tế và anh em thương binh hân hoan, hấn khởi lắm. Sau trận này sẽ không ai bị thương nữa, không ai hy sinh nữa. Mình sẽ là những thương binh cuối cùng. Đấy là hạnh phúc nhất” – ông Nguyễn Trần Đoàn kể lại.

Trưởng xe tăng Nguyễn Trần Đoàn giờ là chủ Doanh nghiệp Vận tải 273, một doanh nghiệp kinh doanh thành công tại thành phố Hải Phòng và có nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa, như: tặng quà, giúp đỡ các gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa tặng các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho con em cựu chiến binh…

Sự anh dũng, quả cảm trong chiến đấu, nghị lực mạnh mẽ và lòng nhân ái của ông Nguyễn Trần Đoàn luôn khiến mọi người nể phục.

Ông Nguyễn Hữu Nhị - trưởng xe tăng R154, Trung đoàn 273 năm xưa, hiện sống tại phường Đông Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhận xét, ông Đoàn có tình đồng đội rất cao, chiến đấu rất quả cảm, khi bị thương, vẫn chiến đấu hết mình.

“Sau đó ông Đoàn học đại học rồi lập công ty, lấy tên lữ đoàn đặt cho công ty. Điều đấy chứng tỏ ông luôn tâm niệm và hướng về đơn vị, lấy thành tích đơn vị 2 lần anh hùng trong chiến đấu để noi theo, đồng thời hết sức mình để thực hiện lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế” - ông Nguyễn Hữu Nhị cho biết.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến