Lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm, chuyên gia nói gì?
28/09/2015 11:20:38
ANTT.VN – “Nhưng nếu mà cơ quan quản lý quản không khéo và lãi suất đồng USD trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng thì việc hạ lãi suất USD như vừa rồi có thể gây ra nguy cơ “chảy máu vốn””.

Tin liên quan

Đêm muộn ngày 27/9/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bất ngờ phát đi thông báo về việc điều chỉnh giảm mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm (Quyết định số 1938/QĐ-NHNN).

Liên quan đến động thái này, phóng viên ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia.

TS. Trương Văn Phước: Không phải do căng thẳng tỷ giá

NHNN vừa bất ngờ điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD của tổ chức về 0%/năm và lãi suất tối đa đối với tiền gửi cá nhân về 0,25%/năm. Ông đánh giá sao về động thái này?

Phải nói rằng chủ trương “chống đô la hóa thị trường” đã được NHNN thực hiện suốt 10 năm qua, từ 2005 đến nay rồi.

Điều đó có nghĩa là, tiến tới trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng tiền Việt Nam, chứ rất hạn chế tiền gửi ngoại tệ hay vay ngoại tệ.  Tuy nhiên, câu chuyện đó cần phải trải qua một lộ trình nhiều năm.

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC)

Trên lộ trình đó, chúng ta thấy, lãi suất tiền gửi USD vốn từ một mức rất cao đã dần dần kéo xuống và cho đến ngày hôm nay, tiền gửi của DN tại ngân hàng là 0%/năm, tiền gửi của dân cư là 0,25%/năm. Điều này đã thể hiện nhất quán chủ trương của NHNN suốt thời gian qua.

Còn về phía cho vay thì cơ quan quản lý cũng đã có những chính sách để hạn chế dần dần việc vay ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Do đó, việc ngày hôm nay NHNN kéo lãi suất tiền gửi USD xuống thì cũng chỉ nằm trong chủ trương “chống đô la hóa” đã được triển khai từ rất trước đó thôi!

Quyết định điều chỉnh này của NHNN có liên quan gì đến câu chuyện căng thẳng tỷ giá thời gian qua không, thưa ông?

Câu chuyện tỷ giá chỉ là một phần trong chính sách ngoại hối tổng thể của Việt Nam chúng ta: đô la hóa là một phần của chính sách ngoại hối, tỷ giá là một phần của chính sách ngoại hối và lãi suất của ngoại tệ cũng là một phần của chính sách ngoại hối…

Như đã nói, chủ trương nhất quán của chúng ta là trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng duy nhất VND. Còn tỷ giá của VND được tính toán làm sao để cho đáp ứng yêu cầu hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu và phục vụ cho các yêu cầu kinh tế vĩ mô khác.

Vậy bây giờ kéo lãi suất đồng USD xuống thì có ý nghĩa gì?

Kéo lãi suất USD xuống sẽ làm cho lãi suất USD rất thấp so với lãi suất tiền đồng. Bây giờ, nếu một DN hay người dân có USD, họ lấy USD bán đi xong gửi bằng tiền đồng thì họ sẽ được hưởng lãi suất là 5 – 6%. Còn hơn là gửi ngoại tệ với lãi suất 0% hoặc 0,25%.

Điều này sẽ giúp cung USD tăng nhiều lên và qua đó sẽ làm cho tỷ giá càng thêm ổn định.

Nhưng phải nói rằng không phải vì tỷ giá trong thời gian qua lộn xộn mà chúng ta hạ lãi suất của đồng USD. Bởi vì, tỷ giá có lúc biến động, có lúc ổn định nhưng chính sách "chống đô la hóa" thì đã được Chính phủ và NHNN thực hiện nhất quán suốt 10 năm qua.

Vậy việc điều chỉnh lãi suất USD sẽ tác động thế nào đến dự trữ ngoại hối của chúng ta, thưa ông?

Cụ thể ra sao thì chúng ta phải chờ đợi và xem xét phản ứng thực tiễn của thị trường. Nhưng nếu cần phải biện luận, cần phải dự báo thì chúng ta có thể thấy rằng chắc chắn là các DN, người ta sẽ dần dần bán đi lượng tiền gửi ngoại tệ khi họ gửi vào ngân hàng. Bởi vì rõ ràng là, nếu như vẫn giữ lượng tiền gửi ngoại tệ đó thì họ có được hưởng lãi suất đâu. 

Họ có thể được hưởng lợi ích khi tỷ giá tăng lên nhưng chúng ta biết rồi, câu chuyện tỷ giá của Việt Nam mình, dù cho thị trường biến động cỡ nào, quốc tế ra sao thì cái biến động đó cũng rất là bé nếu so với lãi suất. Kể cả là năm nay, đồng USD đã tăng giá tới 5% nhưng lãi suất tiền gửi của VND vẫn cao hơn nhiều chứ.

Do đó, xu thế chung mà nói, với chính sách đề ra, chắc chắn là DN và người dân có thể bán bớt đi một phần (chứ chúng ta không kỳ vọng là toàn bộ) tiền gửi ngoại tệ của họ hiện nay tại các ngân hàng. Và điều này thì có thể sẽ tạo ra khả năng là nhu cầu mua ngoại tệ của NHTM sẽ cao hơn, qua đó, chắc chắn sẽ gián tiếp làm cho dự trữ ngoại hối tăng lên.

Xin cảm ơn ông!

TS. Võ Trí Thành: Đề phòng “tác dụng phụ”!

Ông đánh giá sao về quyết định điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD mà NHNN vừa công bố?

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn luôn áp dụng nguyên tắc là lãi suất tiền đồng phải cao hơn nhiều lãi suất tiền đô và thậm chí là còn phải cao hơn cả mức thay đổi tỷ giá.

Nguyên tắc này để làm gì?

Là để người dân không dịch chuyển từ tiền Việt sang tiền đô, hay nói nôm na là “chống đô la hóa thị trường”.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Thời gian vừa qua, trước áp lực có thể bị mất giá của tiền đồng (Việt Nam mình đã phải phá giá một số phần trăm), với việc thị trường đã bắt đầu có hiện tượng găm giữ hay dịch chuyển từ VND sang USD, thì chính sách này sẽ nỗ lực làm giảm dịch chuyển. Vậy thôi!

Vậy, động thái này sẽ tác động thế nào đến tỷ giá USD/VND, thưa ông?

Về nguyên tắc, khi lãi suất USD giảm, ít nhất là ở thị trường Việt Nam, thì áp lực lên tỷ giá sẽ bớt đi.

Bởi vì, nó sẽ khiến cho người dân và DN cảm thấy rằng cầm tiền Việt sẽ có lợi hơn.

Nhưng theo ông việc hạ lãi suất USD liệu rằng có gây ra “tác dụng phụ” nào không?

Việt Nam vẫn chưa mở cửa tài khoản vốn, người Việt vẫn chưa thể đem tiền ra gửi ở nước ngoài.

Nhưng nếu mà cơ quan quản lý “quản không khéo” và lãi suất đồng USD trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng thì việc hạ lãi suất USD như vừa rồi có thể gây ra nguy cơ “chảy máu vốn” (khi người dân tìm mọi cách để dịch chuyển dòng vốn ra nước ngoài gửi nhằm hưởng cái lợi lớn hơn).

Đó chính là cái tác dụng phụ, hay rủi ro của chính sách.

Xin cảm ơn ông!

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến